Xuất khẩu gạo được mùa, được giá

Những tháng đầu năm, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hạt gạo Việt khi giá xuất khẩu tăng mạnh và duy trì vị trí cao. Với đà tăng trưởng và nhu cầu thế giới hiện nay, hứa hẹn xuất khẩu gạo có thể sẽ lập kỷ lục về lượng và giá trị trong năm nay

Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta khá thuận lợi khi đạt trên 6,16 triệu tấn, thu về gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo với chiều hướng này xuất khẩu gạo cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, mang về hơn 5 tỷ USD…

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức cao và có chiều hướng tăng là do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nhằm đảm bảo nguồn gạo để giao hàng cho những đối tác xuất khẩu. Ngoài ra, một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Ðộ và Thái Lan gặp tình trạng thiên tai khiến sản lượng gạo bị ảnh hưởng.

Từ đó, nhiều nước nhập khẩu gạo tăng cường tìm nguồn cung từ phía Việt Nam. Trong khi đó, thời điểm này ở ÐBSCL đã gần hết vụ thu hoạch lúa Hè Thu, còn lúa Thu Đông thì mới chín, có nơi mới trổ bông. Do đó lượng lúa gạo hàng hóa không còn nhiều và giá tăng cao là chuyện hiển nhiên.

Bộ NN&PTNT nhận định, diễn biến tình hình gạo thế giới cho thấy có lợi cho các quốc gia xuất khẩu, trong đó Việt Nam đang tận dụng tối đa cơ hội để tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào những tháng cuối năm nay. Theo đó, năm 2024, cả nước sản xuất khoảng 43,4 triệu tấn lúa, sau khi cân đối các nhu cầu trong nước và đảm bảo an ninh lương thực… thì sẽ dành khoảng 8 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.

Ngoài số lượng thì điều đáng ghi nhận là chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng cải thiện bởi việc nghiên cứu thành công các loại giống lúa thơm ngắn ngày có thể canh tác từ 2-3 vụ mỗi năm, vừa đạt năng suất cao mà hạt gạo thơm ngon, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

VFA luôn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đẩy mạnh liên kết các hợp tác xã nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao càng nhiều càng tốt. Từ đó phục vụ tốt nhất việc xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính, có giá cao.

Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, để tạo được chuỗi liên kết cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp để mở vùng nguyên liệu: Chúng ta cùng sát cánh làm từng bước thì tôi nghĩ vùng nguyên liệu này sẽ dần dần hình thành được. Nhưng quan trọng chính là người dân ở địa phương cũng như là hợp tác xã thấu hiểu được khó khăn của địa phương, cũng như doanh nghiệp để chia sẻ và đồng cảm với nhau.

Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt trên 6,16 triệu tấn (Nguồn Thanh Niên)

Còn theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, để đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ theo dây chuyền khép kín và bao tiêu lúa cho nông dân. Vì vậy, doanh nghiệp cần nguồn tín dụng ổn định để đầu tư công nghệ và thu mua lúa gạo cho người dân: Buộc phải có hợp đồng thì mới giải ngân. Buộc như thế thì sẵn là một cái cơ hội khách nước ngoài đè giá mình. Phải mời doanh nghiệp cung ứng, ngân hàng và kể cả doanh nghiệp xuất khẩu để ngồi lại trao đổi lại một  cái cách làm mới an toàn cho ngân hàng và cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Là vùng sản xuất lúa gạo trong điểm của các nước nên việc linh hoạt rải vụ sản xuất ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã giải tỏa áp lực thu hoạch, thu mua cho người dân, doanh nghiệp, điều này đã chứng nh qua các mùa vụ khi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn đảm nhận vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu: Chúng ta có trên 80% lúa chất lượng cao và lúa đặc sản đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các thị trường khó tính thì các tiêu chuẩn họ đặt ra rất khắt khe. Vì thế tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn này. Phối hợp với các địa phương tổ chức các vùng nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp.

Năm 2024, cả nước sản xuất khoảng 43,4 triệu tấn lúa. (Nguồn báo Chính phủ)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, biến đổi khí hậu với thời tiết không thuận lợi, nguồn cung còn hạn chế trong khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo để dự trữ. Ngoài ra, việc một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới tiếp tục sôi động trong thời gian tới, đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm: Những tháng đầu năm chủ yếu là thúc đẩy sản xuất, nhưng chúng ta vẫn giữ đà tăng trưởng đó là tín hiệu vui để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của ngành theo mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cố gắng duy trì sản lượng xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo được mùa, được giá không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tập trung gỡ vướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.