Xe quá tải lại rầm rộ cuối năm

thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao kéo theo tình trạng xe quá khổ, quá tải lại tái diễn hoạt động rầm rộ trên các tuyến đường. Tình trạng này không chỉ đe dọa tính mạng người tham gia giao thông, mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cùng với đó là thiệt hại không nhỏ về kinh tế, khi phải tốn chi phí khắc phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng do xe quá khổ, quá tải gây ra...

Theo Bộ GTVT, tình trạng xe quá tải dù đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn trốn tránh, đối phó tinh vi, gây hư hỏng và xuống cấp các công trình đường bộ đã gián tiếp làm gia tăng tai nạn giao thông, nhất là ở các đoạn tuyến không có sự tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc chưa được bố trí hệ thống kiểm tra tải trọng. Nhiều công trình khi đưa vào khai thác trong một thời gian đã bị hư hỏng, giảm tuổi thọ so với mục tiêu thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí duy tu sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Tại Hậu Giang, đường Nguyễn Huệ nối dài, đoạn từ Cầu Bà Quyền đến cầu Sáu Thước thuộc địa bàn ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã bị xuống cấp nặng. Thế nhưng, vẫn phải gồng gánh những xe quá tải, quá khổ chạy qua hàng ngày.

Hay như Mekong FM đã phản ánh, mới đây, người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, gặp một phen hú vía khi vừa sáng ra đã chứng kiến cảnh xe container bị kẹt ở nhịp giữa của cầu dân sinh Phú Hữu, bắc ngang sông Mái Dầm, nối đôi bờ xã Phú Hữu và Phú Tân. Điều đáng nói xe container này có tải trọng trên 20 tấn lưu thông qua cầu có tải trọng cho phép là 5 tấn. Giải thích cho việc này, tài xế cho rằng chỉ chạy theo…Google. Sự nhầm lẫn như thế không hiếm gặp nhưng chính sự chủ quan, thiếu quan sát của tài xế là điều đáng trách.

Tại ĐBSCL có nhiều kênh rạch chằng chịt. Việc có được một cây cầu bắc qua kênh là nỗ lực rất lớn của chính quyền, người dân địa phương. Thế nhưng, thời gian qua xảy ra không ít những vụ tài xế chở hàng cố tình cho xe đi qua cầu tải trọng thấp, khi trên xe đang chở hàng có trọng lượng gấp nhiều lần khiến cầu bị sập hoặc hư hỏng nặng. Điển hình như: Vụ việc Cầu treo Rạch Ráng bắc qua sông Ông Đốc (thuộc Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị hư hỏng, biến dạng lan can vì xe tải 31 tấn đi qua xảy ra vào tháng 10 năm ngoái…

Sau những sự việc xảy ra, nguyên nhân bắt nguồn từ xe quá khổ, quá tải trọng, tài xế chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Đứng trước thực trạng này, các địa phương khẳng định, sẽ tuần tra kiểm soát liên tục, khép kín địa bàn; Không để tình trạng tuyến đường, địa bàn trống, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng tái diễn vi phạm. Việc xử lý vi phạm với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Tới đây, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, trong đó có hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Kiểm tra tết, kiểm tra hạ tầng xem lại giao thông tỉnh, kiểm tra được 2 ngày rồi, hạ tầng như đường xá, cầu bến các bến khách qua sông, bến phà…

Tại tỉnh An Giang, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tuần tra, kiểm soát công khai, thực hiện chuyên đề xử lý “Chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Sau 1 tháng thực hiện, phát hiện, lập biên bản 51 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6 xe ôtô tải, 43 giấy tờ các loại (chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định...). Buộc hạ tải 45 trường hợp vi phạm chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép (trên 10% đến 150%); dùng thủ đoạn trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ; không chấp hành việc kiểm tra tải trọng khi có hiệu lệnh, yêu cầu kiểm tra. Ngoài ra, lực lượng lập biên bản vi phạm về giao xe, xe hết hạn kiểm định...

Đường xuống cấp do xe quá tải (ảnh: Thanh Phê)

Hậu quả của những vụ xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường là chuyện được dự báo trước. Tuy nhiên, phớt lờ những nguy hiểm, hàng ngày vẫn còn bắt gặp nhiều "hung thần" trên các tuyến đường quê. Đâu là giải pháp xóa sổ xe quá tải, quá khổ?

Có muôn vàn lý do được người điều khiển xe quá khổ, quá tải, xe tự chế…đưa ra khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhằm biện nh cho những vi phạm của mình. Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên do gì thì những hành vi này đều không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, nếu chẳng may sự cố xảy ra, chẳng ai có thể lường trước được hậu quả của nó khủng khiếp như thế nào. 

Đó là chưa kể khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì một số đối tượng vi phạm còn dùng nhiều thủ đoạn gian xảo nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông, như: Tổ chức hàng trăm người đi môtô, xe máy để “canh đường”, tự ý bỏ xe, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, sau thời gian “mạnh tay” xử lý của lực lượng CSGT, tình trạng xe ôtô cơi nới thành, thùng xe để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng có giảm, nhưng vẫn còn tái diễn, nhất là vào dịp cuối năm. Do vậy, ngoài thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mạnh thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là ý thức lái xe.

Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan thống nhất phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Đánh giá tình trạng xe quá tải dù đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận nhiều công trình khi đưa vào khai thác trong một thời gian đã bị hư hỏng, giảm tuổi thọ so với mục tiêu thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí duy tu sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Với việc yêu cầu phải đầu tư hệ thống cân tự động kiểm soát xe quá tải, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng hệ thống hạ tầng giao thông được bảo vệ và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Hệ thống cân tự động hoạt động theo nguyên tắc khi xe qua hệ thống nếu phát hiện quá tải sẽ được thông báo hiển thị tự động trên màn hình điện tử.

Lái xe có trách nhiệm đưa xe ra khỏi đường cao tốc thông qua tuyến nhánh rẽ phải xuống đường gom hoặc đường nhánh được đầu tư xây dựng dành riêng cho xe quá tải bị từ chối cung cấp dịch vụ đi lại trên đường cao tốc.

Đó là câu chuyện của đường cao tốc, còn với các tuyến đường nông thôn hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, “cuộc chiến” với xe quá khổ, quá tải là một chặng đường rất dài và gian khổ. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng thì chính quyền địa phương cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý doanh nghiệp vận tải, bến bãi vật liệu, công trình xây dựng trên địa bàn.

Điều quan trọng là, duy trì các đợt cao điểm xử lý vi phạm về xe cơi nới thùng, chở quá tải và xử lý tình trạng bảo kê, bao che để xe nạn xe quá tải được giải quyết, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Về lâu dài, rất cần có sự quan tâm đầu tư đối với hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Bởi trên các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện mà vẫn còn những cầu tải trọng chỉ 5 tấn sẽ là những điểm nghẽn làm tắc “mạch máu” lưu thông hàng hoá, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.