Xe điện, nối dài những cung đường xanh

Trong 2 năm qua, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người sử dụng các phương tiện chạy điện. Những thay đổi trong nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sử dụng điện là tiền đề quan trọng để Việt Nam có cơ hội cải thiện môi trường trong tương lại.

Trong 2 năm qua, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người sử dụng các phương tiện chạy điện như ô tô điện, xe bus điện và xe máy điện.

Đặc biệt, dấu ấn quan trọng là Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên khu vực châu Á đã sản xuất được ô tô điện và đưa vào hoạt động 10 tuyến bus điện ở 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM.

Những thay đổi trong nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sử dụng điện là tiền đề quan trọng để Việt Nam có cơ hội cải thiện môi trường trong tương lại.

Tuyến xe bus điện E05 Long Biên - Cầu Giấy - Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hà Nội mới

Thời gian gần đây, khái niệm Giao thông xanh được nhắc đến thường xuyên hơn, bởi mối liên hệ vốn rất mật thiết của giao thông với cuộc sống con người. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông như Hà Nội và TP.HCM thì việc phát triển giao thông xanh được coi là một trong những giải pháp lớn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm của đô thị.

Giao thông xanh được hiểu đơn giản là hệ thống giao thông không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, chi phí xã hội thấp và hạt nhân của giao thông xanh là ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Tại Việt Nam, lĩnh vực giao thông xanh được mở rộng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, do tác động của đại dịch Covid19 và giá xăng dầu thế giới tăng cao.

TIỀM NĂNG TẠI VIỆT NAM

Trước khi nhìn thấy rõ những tác động tích cực mà giao thông xanh mang đến cho môi trường, chúng ta cùng lắng nghe những trải nghiệm hài lòng của nhiều người dân khi được tiếp cận hệ thống giao thông xanh này.

Vốn là một người thường xuyên bị say xe, chị Thu Hương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chưa bao giờ nghĩ mình có thể sử dụng xe bus để đi làm hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi đi thử một vài lần bằng xe bus điện với tần suất và lộ trình hoạt động khá phù hợp với công việc, chị Hương đã gắn bó với tuyến E05 có lộ trình từ Long Biên đến khu đô thị Smart City hơn 5 tháng nay.

"Mình thấy chất chất lượng tốt, đi êm ái, nhân viên ở trên xe rất nhiệt tình chu đáo, hướng dẫn khách, dừng đỗ cũng không nhanh vội như những xe truyền thống. Những xe truyền thống khách hàng chưa lên đã chạy nên rất nguy hiểm. Xe này thấy dừng đỗ rất từ từ, khách lên thoải mái.  Giá thành như nhau nhưng chất lượng hơn hẳn nên mình chọn xe điện", chị Hương cho biết. 

Ngoài việc được trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại như hệ thống vé điện tử , theo chị Hoàng Thị Lan ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, xe bus điện còn có nhiều ưu điểm khác: "Mình thấy xe bus điện nên tăng nhiều lên, vì chất lượng của nó dễ chịu hơn so với xe bus thường rất nhiều, thời gian đi nhanh hơn, sạch sẽ hơn. E07 của Vins, mình thấy vệ sinh và tiếng ồn đỡ hẳn hơn so với xe bus. Xe bus điện có thể giảm được những khói xe hơn từ xe bình thường. Về vấn đề môi trường nên sử dụng xe điện"

Mặc dù, mới đưa vào hoạt động với số lượng xe bus chưa nhiều, nhưng hình ảnh về xe bus điện màu xanh sạch sẽ, mới mẻ hoạt động trên đường không còn nhả khói đen ra môi trường đã phần nào cải thiện hình ảnh xe bus trong con mắt của người tham gia giao thông.

Đó là những thuận lợi dễ thấy nhất đối với dòng xe điện công cộng như xe bus, còn với dòng xe điện cá nhân, điển hình là ô tô điện và xe máy điện hiện nay cũng đang được cải tiến, phù hợp với người sử dụng ra sao?

Việt Nam được đánh giá là thị trường xe điện tiềm năng trong thời gian tới. Ảnh: VinFast

Là một trong những người đặt cọc và sở hữu chiếc ô tô chạy điện đầu tiên ở Việt Nam, chị Nguyễn Thu Diệp, ở Hà Nội cho biết, quyết định chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là quyết định đúng đắn với gia đình chị bởi phù hợp với điều kiện gia đình và đặc biệt thân thiện đối với môi trường.

Sau 2 năm sử dụng, chị Diệp khá hài lòng về những đặc tính ưu việt xe điện: "Xe khá to rộng và tiện nghi so với các loại xe xăng cùng phân khúc, đi cũng lướt khá êm. Đợt cả Hà Nội thiếu xăng, mọi người phải xếp hàng dài rất lâu để mua xăng thì tôi rất ung dung ở nhà sạc điện và đi mà không phải lo nghĩ gì. Chi phí đi xe điện cũng rất tiết kiệm, tôi tính mình đã tiết kiệm được khoảng 3,4 lần tiền xăng/tháng so với trước đây".

Trước năm 2020, thị trường ô tô điện tại Việt Nam khá èo uột, số lượng người dân sử dụng ô tô điện hay xe hybrid - lai giữa xe xăng và điện rất ít, năm 2019 mới có khoảng 140 xe điện. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, thị trường ô tô điện trong nước có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi Việt Nam chính thức có doanh nghiệp sản xuất được ô tô điện. Thống kê của Cục đăng kiểm cho thấy, thị trường xe điện nhập khẩu tại Việt Nam năm 2022 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ 500% so với năm 2019.

Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì xe máy là phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến nhất. Việc đầu tư ban đầu cho 1 chiếc ô tô điện với chi phí khá cao mới chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ người sử dụng thôi, còn đối với xe gắn máy, việc chuyển đổi sang xe điện sẽ nhẹ nhàng , thuận lợi và dễ phù hợp với nhiều người hơn. Chính vì thế, thị trường xe máy điện ở Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng và chắc chắn còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh trước xu thế giao thông xanh trên toàn thế giới như hiện nay.

"Thích nhất là nhà mình hẹp, để xe trong nhà không có mùi xăng và cũng an toàn trong việc cháy nổ, cũng cảm thấy yên tâm hơn".

"Như vừa rồi đó, xăng thì mọi người phải xếp hàng đi đổ còn mình thì không cần. Chỗ mình cũng có nhiều người đi xe máy điện rồi đó".

"Thân thiện với môi trường, không bị ồn hay mùi xăng, chi phí tiết kiệm lắm".

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Đó là những thuận lợi dễ nhận thấy nhất khi sử dụng các dòng xe điện trong hệ thống giao thông xanh của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với các dòng xe này, người dùng vẫn còn những lo ngại chưa cải thiện được nhiều. Ví dụ, việc phát triển mạng lưới xe bus điện là một định hướng đúng, phù hợp với những mục tiêu và cam kết của Việt Nam đã đưa ra. Tuy nhiên, phát triển xe bus điện tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phải đối mặt với không ít thách thức.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải trường Đại học Việt Đức phân tích: "Thứ nhất là họ băn khoăn về việc lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam từ góc độ về kinh tế, về hạ tầng và vấn đề khác. Thứ hai, phải có một tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá để tính chi phí vận hành đơn vị, cũng như xác định cái bù giá là bao nhiêu.

Thứ ba, phát triển xe điện cần có hệ thống hạ tầng trạm sạc, mà cái này cần không gian, trong quy hoạch chung của thành phố cần bố trí diện tích đất và trên hết thì phải có một chính sách về phát triển giao thông xanh. Hy vọng rằng là những thách thức này nó sẽ có lời giải trong thời gian tới".

Ngoài lo ngại phổ biến về việc hạn chế điểm sạc, quãng đường di chuyển xa … thì sau một thời gian sử dụng xe máy điện, xe ô tô điện, nhiều người dùng cũng chia sẻ thêm một số yếu tố cần lưu ý, thận trọng hơn:

"Mỗi tội đi xa là hơi hồi hộp, mình chưa đi đến địa điểm xa đó thì không biết xe có hết pin không. Mỗi lần mưa to, gió thổi mạnh thì sức kéo của nó so với xe xăng thì không bằng. Nhiều khi chạy xe máy điện này nó êm ru, người đi đường không để ý thấy là dễ bị đụng lắm, Êm ru vậy dễ buồn ngủ lắm nếu đi đường xa".

"Bất tiện duy nhất là ở Việt Nam chưa có nhiều trạm sạc, nên tôi chỉ dùng xe đi loanh quanh trong thành phố. Nếu đi về quê tôi cũng phải căn ke tính toán rất kĩ để kịp thời gian sạc điện. Tôi cũng chưa dám sử dụng xe điện để đi chơi quãng đường xa trên 200km".

Việc chuyển đổi từng bước xe truyền thống sang xe điện là một trong những giải pháp tối ưu góp phần cải thiện môi trường, chất lượng không khí ở các đô thị. Dù việc đầu tư ban đầu cho các dòng xe điện đều khá lớn, nhưng chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng trong toàn bộ quá trình sử dụng lại thấp hơn so với xe xăng, nên về lâu dài, những ưu thế về kinh tế, về môi trường của hệ thống giao thông xanh sẽ ngày càng rõ rệt.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, chuyển đổi các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng là việc cần làm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần có lộ trình cho từng loại phương tiện.

"Trước hết, chúng ta tập trung vào những phương tiện giao thông công cộng, mà điều chỉnh dễ nhất là những phương tiện xe bus. Trong khoảng thời gian nào đó, chúng ta có thể thay thế động cơ chạy xăng sang động cơ chạy điện. Ngoài ra, đối với hoạt động các phương tiện cá nhân, chúng ta nên khuyến khích các phương tiện cá nhân chạy bằng năng lượng điện bao gồm cả ô tô và xe máy.

Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có những chính sách hỗ trợ đối với việc sử dụng phương tiện cá nhân và xây dựng được hệ thống xe bus điện hoạt động nhanh, thông suốt và thời gian sạc pin nhanh nhất có thể", ông Khương Kim Tạo cho biết.

XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI VÀ PHÁT TRIỂN

Cảm giác một cung đường quý vị đang đi, ban đầu dù có ghồ ghề, nhiều bụi bặm, khó khăn, nhưng càng đi, càng thấy con đường ấy xanh mát, thênh thang, rộng mở và nên thơ hơn thì những khó khăn ban đầu quý vị phải đối mặt thực sự cũng rất xứng đáng, phải không nào?

Nhưng có lẽ, để cảm thấy thuyết phục hơn đối với việc lựa chọn sử dụng xe điện hay phương tiện truyền thống, VOV Giao thông có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Thành Lê – quản trị diễn đàn Otofun về xu hướng chuyển đổi và phát triển của thị trường xe ô tô điện hiện nay tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Thành Lê – quản trị diễn đàn Otofun

PV: Anh có thể cho biết lí do người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô điện?

Anh Nguyễn Thành Lê: Họ mong muốn lựa chọn một chiếc xe nó không đơn thuần là xe xăng hay xe điện mà đơn thuần là một chiếc xe công nghệ. Thậm chí trong đó chúng tôi cũng nghĩ rằng một phần nào đó có thể họ cũng rất tin tưởng là muốn một chiếc xe nó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của họ đối với xã hội trong việc tạo ra môi trường xanh, sạch, làm giảm ô nhiễm môi trường.

Tôi nghĩ cái phần đấy nó dù rất nhỏ nhưng nó vẫn có sẵn trong trong tâm thức của người.

2 năm gần đây, cộng đồng người dân mua và sử dụng ô tô điện ở Việt Nam tăng lên rất nhiều và triển vọng sẽ còn phát triển nhanh trong thời gian tới.

PV: Mặc dù là nhiều người đều biết là phương tiện chạy điện có những ưu điểm so với những phương tiện truyền thống về mặt thân thiện với môi trường, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều băn khoăn?

Anh Nguyễn Thành Lê: Nhiều bạn bè khi thấy tôi mua xe điện cũng hỏi có nên mua hay không? Tôi luôn luôn khuyên họ xuất phát từ nhu cầu thực tế của mình, sử dụng như thế nào? Nhu cầu ra sao? Họ cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề là hạ tầng các trạm sạc.

Thứ nhất là ở chỗ gửi xe tại nhà, tại bãi xe có thể thiết kế một vị trí để cắm sạc, thường xuyên sạc qua đêm những khi mình cần hay không. Thứ hai là phải lưu ý lại lộ trình, nhu cầu đi lại của mình, xem những quãng đường của mình có tiện lợi, có hỗ trợ cho việc sạc pin bất ngờ khi cần phải đi xa. Trong trường hợp không kịp cắm sạc qua đêm, nếu chẳng may hết điện có nhanh chóng đến được trạm sạc hay không.

Tất cả những người đi xe điện, họ đang tập làm quen với một thói quen sử dụng ô tô mới khác với những chiếc xe động cơ đốt trong truyền thống. 

Phát triển trạm sạc là điều kiện tiên quyết để phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

PV: Hiện nay hạ tầng trạm sạc điện ở Việt Nam thế nào thưa anh?

Anh Nguyễn Thành Lê: Ở thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM hay một vài thành phố lớn, nhất là những nơi có rất là nhiều các trung tâm thương mại, các chung cư của Vingroup, việc tìm kiếm các trạm sạc tiện lợi. Chúng ta có thể sử dụng App và vào App chúng ta biết được các điểm gần nhất còn chỗ trống cho trạm sạc hay không.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta phải đi ngoại tỉnh, đi xa, đi dài ngày, đi vào những nơi hẻo lánh, hoang vu hơn. Ví dụ như lên Tây Bắc, Đông Bắc, thì việc sạc điện hiện nay đang là một thử thách đối với người sử dụng. Tất nhiên là số lượng trạm sạc cũng đang tăng dần lên nhưng tôi nghĩ nó sẽ không được thuận tiện như đối với các bạn đang sử dụng xe động cơ đốt trong, xe xăng, xe diesel truyền thống cho đến thời điểm này.

PV: Để thúc đẩy người dân sử dụng điện, điều quan trọng nhất là gì, thưa anh?

Anh Nguyễn Thành Lê: Thị trường nội địa phát triển ngoài việc nhà sản xuất và làm ra những chiếc xe chất lượng, tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng, bán được giá hợp lý, một điều kiện tiên quyết là phải phát triển được hệ thống các trạm sạc dành cho ô tô điện. Đấy là điều bắt buộc!

PV: Vâng xin cảm ơn anh 

Khẳng định vị thế xe máy điện thương hiệu Việt

Vậy còn đối với xe máy điện thì sao? Các bạn đã bao giờ dành thời gian tìm hiểu tổng thể sự thay đổi của dòng xe mới lạ này hiện nay ở Việt Nam chưa? Tôi chắc chắn là nếu các bạn dành sự quan tâm cho chiếc xe máy điện sẽ còn thấy nhiều điều thú vị và bất ngờ hơn nữa.

Ví dụ như bây giờ chúng ta chỉ dừng chờ đèn đỏ ở 1 ngã 4 trung tâm đông đúc khoảng 60 giây thôi, khi lượng lớn phương tiện xe ô tô, xe máy dồn vào một chỗ, trong một bầu không khí vốn đã ô nhiễm vì khói bụi, nóng bức, lại càng thêm ngột ngạt, nặng nề.

Và thử tưởng tượng nếu tất cả số phương tiện đang chạy xăng này được thay thế bằng xe máy, xe ô tô chạy điện thì ngã tư đó sẽ có bầu không khí dễ chịu hơn biết bao, âm thanh phố phường cũng nhẹ nhàng hơn biết bao.

Thật ra viễn cảnh mơ ước đó có thể thành hiện thực trong một tương lai không xa lắm. Đó là khi các dòng xe điện, trong đó có xe máy điện khắc phục được các nhược điểm của xe xăng, đồng thời tiệm cận và vượt qua cả những ưu điểm của dòng xe xăng thì người dùng sẽ có sự lựa chọn tối ưu nhất cho bản thân và sau đó là đến môi trường. Mà ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thì chúng ta hoàn toàn có thể tin vào tương lai gần có thể hiện thực hóa được không gian phố thị mơ ước này.

Hiện chúng ta cũng đã có một dòng xe máy điện đầu tiên được công nhận sản xuất tại Việt Nam và có rất nhiều ưu điểm nổi bật, gần như xe máy xăng. Đó là dòng xe máy điện thương hiệu của Datbike.

Chúng ta sẽ có được những hình dung chi tiết về dòng xe máy điện này qua cuộc trò chuyện của phóng viên Kênh VOV Giao thông với anh Nguyễn Tấn Long – quản lý thương hiệu của Công ty Datbike.

PV: Anh có thể chia sẻ những khó khăn mà một starup như Datbike phải đối mặt khi lựa chọn sản xuất xe máy điện ở thị trường Việt Nam?

Anh Nguyễn Tấn Long: Khó khăn chung mình thấy hiện tại bây giờ là nhiều khó khăn về con người, nguồn vốn, …nhưng khó khăn lớn nhất không chỉ Datbike mà các nhà sản xuất xe máy điện khác nói chung là định kiến của người dùng về xe điện nói chung.

Trước đây cứ nói đến xe điện là người ta nghĩ đến xe nhập từ Trung Quốc, cho trẻ con chạy, tốc độ 20km/h, chạy ắc quy, không mạnh bằng xe xăng.

Rất nhiều năm sau, người ta nhìn vào Datbike người ta vẫn không nghĩ đó là xe điện dù tốc độ nó mạnh ngang xe xăng. Đó là câu chuyện mà không chỉ Datbike mà tất cả ngành xe điện cần phải thay đổi suy nghĩ của người dùng

PV: Trước xu hướng giao thông xanh như hiện nay mà Việt Nam và thế giới đều hướng tới thì chắc hẳn Datbike có rất nhiều thuận lợi?

Anh Nguyễn Tấn Long: Thực ra xe điện là xu thế hiện nay thì nó đang rất được quan tâm không chỉ ở người tiêu dùng mà cả Chính phủ nữa. Về tiêu chuẩn thì cái nào cũng có tiêu chuẩn hết, xe điện thì không có ô nhiễm, khí thải, cái người ta hay nói là ắc quy xử lý thế nào thì còn tùy vì những xe điện bây giờ không xài ắc quy nữa mà dùng pin lithion ion.

Như xe của Datbike thì pin giống như mình xài điện thoại thôi, sau 1 thời gian không dùng nữa thì hoàn toàn có thể tái chế được. Đó là cái thuận lợi mà ai cũng thấy xe điện là của tương lai, nhưng là tương lai bao xa thôi.

Tất nhiên khi người dùng thay đổi quan điểm ngày 1 nhiều hơn, thói quen và hành vi thì quá trình chuyển đổi đó ngày càng nhanh. Và xe điện khi bắt kịp xe xăng như động cơ mạnh hơn, đi được xa hơn, lâu hơn, nhanh hơn thì chắc chắn người dùng sẽ quan tâm và chuyển đổi sang xe điện.

Thiết kế Dat Bike Weaver 200.

PV: Datbike mong nhận được sự hỗ trợ nào từ Chính phủ?

Anh Nguyễn Tấn Long: Hiện tại vận hành 1 xe Datbike nó đã rẻ gấp 4-5 lần so với xăng rồi, mà sau này nhà nước có những chính sách như chuẩn chung xây dựng trạm sạc điện, giống như mình chuẩn cây xăng thì giờ mình có chuẩn trạm sạc điện thì người ta sẵn sàng chuyển đổi.

Mình cũng mong muốn có ưu đãi đối với ngành sản xuất không có khí thải như thế này được ưu đãi về thuế, về đất, được vào khu công nghệ cao…chẳng hạn, những cái đó dù nhỏ thôi nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn với Datbike

PV: Datbike mong muốn điều gì ở người tiêu dùng trong thời gian tới?

Anh Nguyễn Tấn Long: Một nhiệm vụ cả công ty đặt ra và cố gắng làm việc để hoàn thành là xanh hóa xe máy , tức là chuyển đổi tất cả xe máy xăng thành xe máy điện không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn Đông Nam Á.

Còn về mặt người tiêu dùng thì mình không thể nói người tiêu dùng thông cảm gì hết, nhưng rõ ràng là chuyện này là từ 2 phía. Mình sẽ có những cái để mình chứng nh được với người tiêu dùng là 1 chiếc xe máy điện hoàn toàn thay thế 1 xe máy xăng được, còn người tiêu dùng sẽ thấy được khi mình làm tốt thì họ sẽ cởi mở hơn về chuyện chuyển đổi, thì đó là câu chuyện dài hạn.

PV: Chưa kể đến những lợi ích về môi trường đối với dòng xe này nữa đúng không bạn?

Anh Nguyễn Tấn Long: Đúng rồi, Giống như pin, bên mình xài pin Luthion ion và mình bảo hành pin tới tận 10 năm, rất tự tin vào công nghệ để người dùng hoàn toàn an tâm vào công nghệ pin, chưa kể công nghệ này trong tương lai còn thay đổi nhiều hơn nữa.

Mình muốn kể một câu chuyện mà anh khách hàng khi mình hỏi tại sao anh chọn chuyển sang xe điện. Anh kể là chỉ 1 chiều đi làm về tắc đường thì anh thấy 2 mẹ con ngồi ở ngã tư xin ăn, anh chỉ nghĩ là vì sao cái mùi xăng kinh khủng, mình chỉ tắc 10-15 phút đã kinh khủng như vậy mà những người xin ăn, những người buôn bán ở ngã tư, họ phải hít mùi khói xăng cả ngày trời thì anh thấy rất thương và mình phải làm cái gì đó để thay đổi, bắt đầu từ việc đổi sang xe điện. Đó là câu chuyện mà anh khách hàng chia sẻ như vậy.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ một câu chuyện rất cảm động và ý nghĩa. Vậy kế hoạch ngắn hạn trong tương lai của Datbike là gì?

Anh Nguyễn Tấn Long: Trong tương lai bọn mình vẫn hứa với khách hàng là mỗi năm 1 mẫu xe, về dài hạn, mẫu xe sau sẽ phù hợp với nhiều đối tượng hơn. Ngoài ra, mình cũng cố gắng mở thêm các trạm sạc nữa.

Về thời gian sạc của xe này hiện nhanh nhất thị trường rồi, 100km/3h và 200km là full, còn các xe bình thường là mất 6-8 tiếng, thì cái xe này rất nhanh nhưng cái dat trạc đó còn nhanh hơn gấp 3 lần, mình sẽ cố gắng tự vượt qua bản thân mình hàng năm, hàng ngày.

Và thứ ba là mình tăng về sản lượng, bán được nhiều xe hơn để quay vòng sản xuất…

PV: Về những tệp khách đầu tiên của Datbike có lẽ cũng rất đặc biệt?

Anh Nguyễn Tấn Long: Đúng, mình biết để thay đổi quan điểm của khách hàng là rất khó, thành ra tệp khách đó là những người mà Datbike rất trân quý những khách hàng đầu tiên ủng hộ Datbike.

Nhưng trong tương lai thì mình không thể cứ hướng vào những khách hàng ủng hộ mình được mà phải cố gắng cải tiến hàng ngày để sản phẩm ngày một tốt hơn để được chấp nhận bởi cả những người vẫn còn nghi ngờ thì mình phải thuyết phục được họ và cả những người khó tính hơn, thì lúc đó mình mới gọi là thành công được.

PV: Xin cảm ơn anh Long đã trò chuyện cởi mở và chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị về thị trường và tương lai phát triển của dòng xe máy điện. Xin chúc cho Datbike hoàn thành tốt mục tiêu của mình trong năm mới 2023 này và đặc biệt là sẽ ngày càng đi nhanh, đi vững hơn trên con đường hướng tới mục tiêu xanh hóa xe máy.

Sử dụng các phương tiện chạy điện là xu hướng của nhiều đô thị trên thế giới đang hướng tới, trong đó có Việt Nam. Không chỉ mang lại những trải nghiệm mới lạ, sử dụng ô tô, xe máy điện còn giúp người tham gia giao thông thay đổi thói quen sử dụng phương tiện theo hướng xanh hơn, thể hiện trách nhiệm  bảo vệ môi trường sống.

Tuy nhiên, để xanh hóa những cung đường đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược và lộ trình cụ thể đối với từng loại hình phương tiện, trong đó ưu tiên và từng bước chuyển đổi, thay thế các phương tiện công cộng chạy điện; chuẩn bị hạ tầng các trạm sạc điện và có những giải pháp để xử lý các loại pin sau khi sử dụng, để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài trong tương lai.

Tin rằng, với sự nỗ lực của từng người, và của nhiều người, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chúng ta sẽ nối dài những cung đường xanh để tới đích đến là một đô thị hiện đại, văn nh, mà ở đó cuộc sống của con người sẽ chất lượng và ý nghĩa hơn.