“Xanh hóa” sầu riêng

Trước nhu cầu tiêu thụ lớn từ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, yêu cầu về chất lượng cũng được đặt lên cao, vì vậy, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng dần chú trọng hơn đến việc sản xuất đảm bảo sạch, an toàn, hiệu quả...

Cả nước hiện có hơn 80.000 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sầu riêng đang là loại cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng chúng không phải loại cây dễ trồng.

Để cây sầu riêng cho trái đạt chất lượng, năng suất tốt, thời gian qua, nông dân trồng ở ền Tây đã sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong canh tác sầu riêng. Đây được xem là hướng đi giúp nông dân “ăn chắc, mặc bền” và giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. 

Anh Nguyễn Nhật Minh ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đang có 4 công đất trồng sầu riêng với hơn 60 cây. Bình quân mỗi cây cho 70 trái. Vụ sầu riêng năm 2023 này, anh thu được 8 tấn trái. Dù hái đúng vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng giá bán xô sầu riêng Ri 6 tại vườn của anh đạt mức 55.000 đồng/kg, cao hơn ít nhất 5.000 đồng/kg so với giá bán của nhiều hộ dân khác thu hoạch cùng thời điểm.

Với năng suất và giá bán như vậy, trừ chi phí, năm nay anh Minh thu lời khoảng 300 triệu đồng. Theo anh Minh, đạt được kết quả này chính là nhờ anh canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Nâng cao chất lượng trái sầu riêng là một yêu cầu bắt buộc để loại trái cây này có thể xuất khẩu được ra nước ngoài (ảnh nh hoạ)

Cũng như anh Minh, trải qua hơn 7 năm kết duyên với trái sầu riêng, anh Lộc – một nhà nông trẻ tuổi ở Phú Hựu, huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã gắn bó ngần ấy thời gian với phân hữu cơ và quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Là loại cây ăn trái “khó tính”, sầu riêng nhạy cảm với các loại phân vô cơ và thuốc hóa học, do đó, anh Lộc chọn hướng đi bền vững cho vườn sầu riêng của gia đình. Anh Lộc cho hay: Hồi mới trồng mình xài hữu cơ, tới lớn lên. Mình sài hữu cơ cây ít bị bệnh thối gốc, xì mu, khi ra đọt ít bị sâu rầy ăn. Lúc làm trái mình cũng tiếp tục sử dựng hữu cơ theo quy trình, theo từng cơi đọt… mình sẽ sử dụng phù hợp để làm trí đạt hiệu quả.

Tùy theo độ tuổi của cây sầu riêng mà nhà vườn sẽ cung cấp một lượng dinh dưỡng đa, trung, vi lượng phù hợp. Nguồn cung chủ yếu các yếu tố này được lấy từ các loại phân hữu cơ, do đó sẽ giúp cho cây sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng trái tốt hơn. Được biết, HTX Phú Hựu có gần 70 ha sầu riêng, với phần lớn diện tích sản xuất khép kín theo hướng Vietgap, được xây dựng mã vùng trồng. Nhờ thống nhất trong cách làm, đồng thuận trong chính sách của HXT, mà hầu hết thành viên đều hữu cơ hóa vườn sầu riêng.

Ông Lê Thanh Điền  - Giám đốc HTX sầu riêng Phú Hựu, huyện Châu Thành chia sẻ: Các thành viên đều chuyển qua hữu cơ hết, bởi người ta thấy tầm quan trọng của sầu riêng hữu cơ. Năng suất và chất lượng được nâng cao.

Cũng chọn lối đi sạch và an toàn, anh Trần Thanh Dũng ở ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa thu được hơn 1 tỷ đồng từ 1,2 ha sầu riêng của gia đình. Tại vườn trồng sầu riêng Mỏn Thon của gia đình anh Dũng, có nhiều cây cho trái từ 10-12 ký/trái, giá bán tại vườn có thời điểm 120 ngàn đồng/kg, thu về gần 1,5 triệu đồng mỗi trái.

Anh Dũng chia sẻ, hơn 5 năm trước, anh chưa có kiến thức gì về việc trồng sầu riêng. Sau thời gian học hỏi, anh đã mạnh dạng lập vườn trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ sinh học 100%. Anh ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ dạng viên nén, chất cải tạo đất SEA và nói không với phân thuốc hóa học. Chính vì thế, vườn sầu riêng của anh Dũng xanh tốt, ít sâu bệnh tấn công, giảm 30-40% chi phí phân thuốc so với các vườn khác trồng theo truyền thống sử dụng phân thuốc hóa học.

Nói về hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, Anh Nguyễn Quang Nghi – Nhân viên kỹ thuật của một doanh nghiệp tại địa phương cho biết: Cái khác biệt giữa sử dụng phân thuốc hóa học và hữu cơ sinh học, là mình rút ngắn được thời gian cho trái. Thay vì vườn sầu riêng thông thường 5-6 năm mới cho trái, mình sử dụng phân hữu cơ, sẽ rút ngắn lại tầm 3,5 năm. Như vậy mình sẽ nhanh thu lại vốn đầu tư.

Lợi ích từ sản xuất an toàn thật sự được khẳng định tại nhiều vườn sầu riêng của nông dân ền Tây. Anh anh Dương Quốc Cảnh ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khẳng định, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, giá trị trái sầu riêng sạch tốt hơn hẳn so với trái sầu riêng thường.

Anh dẫn chứng, nếu giá sầu riêng thường tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg, thì giá sầu riêng sạch của anh 60.000-70.000 đồng/kg: Khách hàng phải đặt hàng trước mới có sầu riêng. Thường sầu riêng trong vườn không đủ bán cho khách hàng. Trong thời gian tới, em sẽ mở rộng hết vườn sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký mã vùng trồng để mở rộng đầu ra cho trái sầu riêng sạch… Vì bây giờ thì trường người ta ưu tiên lựa chọn nhưng sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc thôi.

Ảnh nh hoạ

Thời gian qua, để trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và các thị trường khác, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL khuyến khích nông dân tham gia vùng trồng để được cấp mã số và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn như: bón phân hữu cơ, quản lý dịch hại sinh học, bảo đảm chất lượng trái sầu riêng an toàn.

Đồng thời hỗ trợ nông dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách tận dụng rơm rạ và các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ.

Thực tế cho thấy, đối với các loại cây ăn trái, đa phần phải chờ đến tác động tăng giá từ phân vô cơ, thì nông dân mới chuyển dần sang hữu cơ. Tuy nhiên, với sầu riêng, nhiều nhà vườn đã đưa ra quyết tâm từ sớm, nên đạt được được thành quả sớm.

Đây không chỉ là tín hiệu vui cho trái sầu riêng, mà qua đó khẳng định, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn luôn là xu hướng bền vững cho nền nông nghiệp xanh mà ĐBSCL và cả nước đang nỗ lực hướng đến.