Vườn bách thú, tuổi thơ của bao thế hệ người Sài Gòn

Là một trong những công trình lâu đời nhất TP. HCM, Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố.

Trải qua 160 năm hình thành và phát triển, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xem như một chứng nhân lịch sử, đã cùng đi qua những thăng trầm của con người và vùng đất nơi đây.

 

Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn có tên ban đầu là Vườn Bách Thảo hay được người dân quen gọi với cái tên thân thương, ngắn gọn là Sở thú. Thảo Cầm Viên hiện tọa lạc ở số 2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM. Đây là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng thứ 8 trên thế giới, thu hút đông đảo du khách trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Thuở đầu, Thảo Cầm Viên chỉ là vùng đất hoang và bạc màu rộng khoảng 12 ha, nơi đây cũng là nông trại nuôi ngựa của người Pháp. Đến ngày 23/3/1864, Phó đô đốc De La Grandiere giao cho ông Louis Adolph Germain, một bác sĩ thú y thuộc quân đội Pháp giải thể nông trại này và thiết lập khu vườn ươm cây giống và xây dựng một số chuồng trại nuôi động vật là tặng phẩm của những người dân từ các nơi gửi đến. Công trình này được xây dựng sớm hơn các công trình lịch sử khác ở Sài Gòn như Bưu điện Thành phố (1886-1891), Nhà thờ Đức Bà (1877-1880), chợ Bến Thành (1912-1914).

Nhận thấy tầm quan trọng của vườn thú, cuối tháng 3-1865, chính quyền Đông Dương đã mời ông J.B Loius Pierre - nhà thực vật học người Pháp đến quản lý. Ông Pierre có nhiệm vụ sưu tập các loài thực vật, động vật của Nam Kỳ và 3 nước Đông Dương để chuyển về Viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Paris, đồng thời nhân giống các cây trồng có giá trị kinh tế cao... Sau đó, Vườn Bách Thảo được mở rộng và quy tụ nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Từ năm 1956, Vườn Bách Thảo được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm viên Sài Gòn đến nay. Trải qua nhiều giai đoạn chỉnh trang, tôn tạo cùng với những biến cố lịch sử, Thảo Cầm viên Sài Gòn được tiếp quản gần như nguyên vẹn vào tháng 5-1975. Năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú sau năm 1975 từ 8.500 m2 lên đến năm 2000 là 25.000 m2.

Chia sẻ về vai trò của Thảo Cầm viên Sài Gòn giữa lòng đô thị, anh Đào Khiêm - người từng thực hiện nhiều dự án truyền thông về di tích lịch sử, văn hóa của thành phố cho rằng: "Mặc dù thành phố có rất nhiều công trình lịch sử nguy nga, tráng lệ và lâu đời, tuy nhiên trong số đó gần gũi nhất với đại bộ phận dân chúng vẫn là Thảo cầm viên, vì đó là nơi mọi người lui tới thường xuyên mà không có bất cứ rào cản đáng kể nào. Nó đi vào đại bộ phận người dân thành phố như là nơi gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi người khi được cha mẹ lần đầu tiên dẫn vào đó và lần đầu tiên trong đời những đứa trẻ được nhìn thấy tận mắt những con vật, loại cây mà trước đó chúng chỉ được nghe, được đọc trên sách vở, ti vi hay những câu chuyện cổ tích".

Hiện Thảo Cầm Viên có gần 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài; trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, hươu vàng, báo lửa, hồ Bengal... Về thực vật có hơn 30 loài cây có giá trị gắn liền với lịch sử lâu đời của Thảo cầm viên Sài Gòn và có tên trong sách đỏ, cùng hàng ngàn loài thực vật bản địa đa dạng khác.

Từ phía đường Lê Duẩn, bước qua chiếc cổng sắt của Thảo Cầm Viên, du khách sẽ nhận ra ngay hai công trình kiến trúc hoành tráng nằm đối diện nhau, ở giữa là lối đi dẫn vào khu trung tâm. Bên trái là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được xây dựng từ năm 1929, bên phải là đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, đây là điều kiện thuận lợi để Thảo Cầm Viên trở thành điểm du lịch với nhiều giá trị di sản được kết nối một cách độc đáo.

Bạn Đoàn Uyển Uyển, sinh viên năm 2 trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thường xuyên vào Thảo cầm viên để “chữa lành” chia sẻ cảm nhận: "Kiểu nó mát mẻ, trong lành, ở một Sài Gòn đông đúc như vậy có một nơi để healing ấy. Bầu không khí trong đó rất là thư giãn, thoải mái. Em được nhìn thấy những con thú mà em chỉ thấy trên ti vi thôi (em rất ấn tượng với con công nó xòe đuôi ra rất là đẹp luôn). Hôm bữa em đi gặp đoàn mấy đứa bạn nhỏ nhỏ mẫu giáo nhìn dễ thương lắm…"

Những ngày hè nắng nóng, Thảo Cầm Viên trở thành điểm đến lý tưởng cho những buổi dã ngoại gia đình hay gặp gỡ bạn bè.

Trong suốt 160 năm hình thành và phát triển, Thảo Cầm viên đã nuôi dưỡng tuổi thơ của biết bao thế hệ người Sài Gòn. Giữa lòng phố nhộn nhịp, Sở thú là nơi bọn trẻ bắt đầu mường tượng về thế giới xung quanh và người lớn được phép ngơi nghỉ, cho mình được bé lại. Một đứa trẻ thành thị lớn lên giữa những bức tường chật hẹp chợt vỡ òa trước không gian bao la của thảm cỏ, cây xanh. Những chú voi, khỉ, hà mã, gấu mèo, linh dương, … vốn chỉ nằm trong sách vở giờ trở nên sinh động, hiện thực. Những nụ cười trong veo của trẻ thơ theo chân cha mẹ dạo quanh Sở thú, nơi chúng đặt 1001 câu hỏi về thế giới tự nhiên. Từ đó, Sở thú trở thành “kho báu” lưu giữ ký ức, niềm thương của nhiều thế hệ người Sài Gòn.

Những ngày hè nắng nóng, Thảo Cầm Viên trở thành điểm đến lý tưởng cho những buổi dã ngoại gia đình hay gặp gỡ bạn bè. Cây xanh rợp bóng cùng với không gian thoáng đãng như lá phổi xanh mát giữa lòng thành phố, người dân thường đến đây tận hưởng không gian tự nhiên, đi dạo dưới bóng cây, hoặc ngồi dựa lưng vào cây để thả hồn vào tiếng rì rào của gió.

Anh Phú Thành, 28 tuổi, mỗi cuối tuần đều ghé ngồi uống cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên ngoài cổng Thảo cầm viên để tận hưởng không gian xanh mát nơi đây:

"Cuối tuần mình hay ra Thảo Cầm Viên ngay vị trí này để thư giãn tại vì nó có nhiều kỷ niệm với mình. Mình thấy ở đây rất nhiều cây, không khí cũng mát mẻ, nó cũng có nắng, cây che vẫn đủ sáng và dịu ấy. Để bình thường thì Thảo cầm viên là nơi vui chơi giải trí hoặc mọi người tới bởi mục tiêu nào đó như mình thấy các bạn trẻ tới đây để chụp hình. Mình sẽ thấy giá trị nhiều nhất của nó khi mất đi. Nếu Thảo Cầm Viên mất đi thì Sài Gòn này sẽ thiếu một cái gì đó, là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của mọi người ở đây".

Hiện Thảo Cầm Viên có gần 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài; trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, hươu vàng, báo lửa, hồ Bengal...

Thời gian qua có nhiều thông tin thất thiệt về hoạt động của Thảo cầm viên Sài Gòn như việc sẽ bị đóng cửa hay di dời về Củ Chi. Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã khẳng định những thông tin trên đều sai sự thật. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng khiến nhiều người dân nhìn lại và đặt câu hỏi “giả sử thành phố có ngày vắng bóng Sở Thú thì sẽ thế nào?”. Bởi sự tồn tại của Thảo cầm viên Sài Gòn đã được mặc định tồn tại, in sâu mãi trong lòng thị dân Sài Gòn nên việc thiếu đi di sản văn hóa này là điều thật khó thể hình dung đối với họ.

Anh Đào Khiêm từng thực hiện nhiều dự án truyền thông về di tích lịch sử, văn hóa của thành phố chia sẻ: "Thảo Cầm Viên không chỉ là một khoảng xanh quý giá trong trung tâm thành phố mà còn là dấu ấn lịch sử đặc biệt hàng đầu trong những dấu ấn lịch sử còn lại của thành phố. Bởi vì một thành phố sở hữu một trong tám vườn thú lâu đời nhất thế giới cũng là một điểm nhấn vô cùng đặc biệt, có sức thu hút và nhất là khi TPHCM đang hướng tới hình ảnh một TP vừa hiện đại vừa giàu giá trị truyền thống. Bên cạnh những công trình nguy nga cổ xưa mà ta lại thiếu đi một công trình văn hóa như thảo cầm viên thì tôi nghĩ rằng đó là một điểm khuyết mà có lẽ gần như chúng ta không có cách nào bù đắp lại được".  

Tại các cuộc hội thảo gần đây được tổ chức nhân kỷ niệm 160 năm hình thành và phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng cần lưu giữ Thảo Cầm Viên như loại hình di sản hỗn hợp, một mảng không gian xanh điều tiết môi trường sống của thành phố…. Bên cạnh đó, TP.HCM cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thảo Cầm Viên như một phần của di sản hỗn hợp mà không phải thành phố nào cũng có được.

SỐNG Ở SÀI GÒN: Xóm đường tàu” - một “thế giới” bình dị giữa lòng Sài Gòn hối hả

Cung đường sắt Bắc Nam chạy qua địa phận Sài Gòn – TPHCM, giao cắt với nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 3, quận Phú Nhuận…Từ xa xưa đã hình thành những khu dân cư chạy dọc đường tàu, người dân Sài Thành gọi là “xóm đường tàu”. Khác với Hà Nội, tại Sài Gòn - TP.HCM mặc dù đường sắt len lõi qua nhiều khu dân cư nhưng hầu hết đều có hàng rào chắn kiên cố, các biển báo nguy hiểm được bố trí dày đặc nên bao năm qua người dân “xóm tàu” vẫn yên tâm sống cuộc sống của mình. Bên trong lòng con phố tưởng như ồn ào, quanh năm inh ỏi tiếng còi tàu lại là một nhịp sống rất yên bình, mộc mạc.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hơn trăm năm năm tuổi, chạy xuyên giữa lòng Sài Gòn – TPHCM, len qua nhiều dãy nhà, khu dân cư nội đô.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hơn trăm năm năm tuổi, chạy xuyên giữa lòng Sài Gòn – TPHCM, len qua nhiều dãy nhà, khu dân cư nội đô. Đường tàu chạy dọc, giao và chia cắt nhiều con đường trên địa bàn quận 3, quận Phú Nhuận như đường Nguyễn Trọng Tuyển, đường Mai Văn Ngọc, đường Chiến Thắng (quận Phú Nhuận), đường Lê Văn Sỹ, đường Trần Văn Đang (Quận 3)… Dọc hai bên đường tàu, những khu dân cư hình thành với những dãy nhà nhỏ san sát nhau, những hàng cây xanh rợp bóng mát… người dân quen gọi nơi đây là “xóm đường tàu”.  

Đường tàu chạy dọc theo con phố, được phân cách với “xóm đường tàu” bằng hệ thống hàng rào. Hai bên hàng rào hành lang an toàn đường sắt là đường dân sinh, phân cách giữa hàng rào và các khu dân cư. Đường ở “xóm tàu” khá nhỏ, chỉ rộng chừng 2m. Những ngôi nhà ở đây có cửa chính hướng thẳng ra đường tàu, nhưng cũng có nhiều nhà chỉ là cửa phụ. Theo lời kể của các bậc cao niên, trước kia “xóm đường tàu” có diện tích rộng rãi hơn bây giờ. Sau này, người dân hiến một phần đất để mở rộng đường ray, đảm bảo an toàn, nên những căn nhà ở xóm có diện tích khá nhỏ.  

Bước vào “xóm đường tàu” người ta như lạc vào một “thế giới” bình yên giữa lòng phố thị Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt. Hằng ngày, những chuyến tàu cứ vút chạy qua, mang theo khói bụi và những âm thanh huyên náo của tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng động cơ xình xịt, ầm ầm trên đường ray. Tuy vậy, nhịp sống của cư dân nơi “xóm tàu” vẫn diễn ra thật bình dị, yên ả.

Bên trong những ngóc ngách chật chội của những căn nhà người dân sinh hoạt, nấu ăn… Họ mở quán ăn, quán cà phê, cửa hàng kinh doanh - buôn bán, họ đặt thùng xốp trồng rau, trồng hoa, trồng cây bên ngoài dọc hàng rào phân cách..... tạo không khí trong lành mát mẻ, một không gian nhỏ yên bình. Ở “xóm đường tàu”, đường dân sinh cũng khá nhỏ, có những nơi chỉ vừa đủ cho 2 phương tiện xe máy lưu thông qua lại cùng lúc. Ấy vậy mà nơi đây chẳng bao giờ kẹt xe, cũng chẳng có cảnh chen chúc, bóp kèn inh ỏi, lưu thông trên đường chỉ nghe tiếng bà con í ới gọi nhau thật dễ thương: "Anh qua trước đi", "Qua đi anh ơi", “Nay đi làm sớm vậy?"…

Nhịp sống của người dân “xóm đường tàu” bao năm qua vẫn diễn ra bình dị, mộc mạc như thế! Nhưng về chiều có lẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất của “xóm đường tàu”. Khi nhà nhà chuẩn bị bữa cơm chiều, hàng xóm í ở gọi nhau xin trái chanh, trái ớt, ếng nước mắm, mùi khói bếp, mùi thơm đồ ăn bay ngào ngạt… Đây cũng là thời điểm đám trẻ đi học về, người lớn về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, họ ra trước hiên nhà bên đường tàu vừa ăn cơm vừa hàn huyên, tán gẫu. Thi thoảng, những chuyến tàu vùn vụt lướt qua, câu chuyện lại tạm ngưng giây lát rồi tiếp tục…

Giữa nhịp sống hối hả của TP.HCM, “xóm đường tàu” như một “thế giới” khác thu nhỏ - nơi cuộc sống diễn ra thật chậm rãi, giản dị và yên bình. Tuy vậy,  với cư dân ở đây, họ đã “thuộc nằm lòng” giờ giấc những chuyến tàu chạy đi, chạy; nghe thấy con tàu khi nó còn ở tít xa. Những chuyến tàu tất bật ngược xuôi về ga - rời ga mỗi ngày, với tiếng còi tàu ngân vang, tiếng xe lửa xình xịch, ken két, những nhịp rung đường ray mỗi khi tàu qua … đã ăn vào thói quen cuộc sống của cư dân trong khu vực, trở thành một nét riêng có không thể thiếu trong đời sống của người dân "xóm đường tàu". 

TIN YÊU

# Mới đây, UBND quận 10 (TP. HCM) đã tổ chức lễ khởi công công trình sửa chữa lớn Nhà hát Hòa Bình. Dự án sửa chữa lớn Nhà hát Hòa Bình nhằm khắc phục hư hỏng xuống cấp của các hạng mục xây dựng, trang thiết bị công trình; gắn với đầu tư nâng cấp không gian nội thất, cảnh quan xung quanh, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng tốt cho các loại hình biểu diễn nghệ thuật đa dạng, phục vụ nhân dân.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, đến ngày 20/4/2025 sẽ hoàn thành cơ bản mặt tiền và khán phòng – sân khấu để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng ền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 40 năm Ngày khánh thành Nhà hát Hòa Bình.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Công trình sửa chữa lớn Nhà hát Hòa Bình. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

# Thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong thời gian đầu, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy từ 5 đến 22h mỗi ngày, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5h, còn chuyến cuối lúc 22h với 9 đoàn tàu. Mỗi đoàn có thể chở tối đa 930 người (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng).

Thời gian giãn cách 8-12 phút/chuyến, tổng số chuyến mỗi ngày là 200 chuyến. Tốc độ khi tàu chạy ở ray trên cao là 110km/h và 80km/h tại đoạn ngầm. Thời gian đi từ ga Bến Thành đến ga bến xe Suối Tiên là 29 phút.

# Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã tham mưu UBND TP xây dựng các hoạt động, chương trình Tết nguyên đán 2025. Theo đó, chương trình đón Giao thừa Tết Ất Tỵ năm 2025, thời gian từ 20 giờ ngày 28/1 đến 00 giờ 30 ngày 29/1 năm 2025 (từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến Mùng 1 Tết Ất Tỵ). 

Trong đó, có trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND bằng nguồn kinh phí xã hội; tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật từ 00 giờ 00 đến 00 giờ 15 ngày 29/1/2025. Đối với Hội Hoa Xuân và Chợ hoa Tết, năm nay được tổ chức từ ngày 26/1 đến ngày 2/2/2025 tại Công viên Tao Đàn.

# Bộ sách hai tập “Gia Định - Sài Gòn – TP. HCM: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)” vừa được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Tác phẩm này được hình thành, liên tục bổ sung, cập nhật trong hơn 20 năm của tác giả, nhà nghiên cứu bách niên Nguyễn Đình Tư. Tác phẩm gồm 6 phần chính, cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về các chế độ chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao... ở TP.HCM từ năm 1698 - 2020.