Vua cá chình Bảy Ánh

Xã Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau được ví von là vùng đất của nghề nuôi cá chình với trên 600 hộ và 250 hecta. Tại đây, lão nông Nguyễn Hữu Ánh là cái tên không còn xa lạ đối với nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Ánh là người tiên phong mang con cá chình về đồng đất Cà Mau và suốt 25 năm qua luôn duy trì hiệu quả. Ông được mọi người gọi bằng cái tên thân thương “Bảy Ánh cá chình” hay “Vua cá chình”. Bảy Ánh đã thổi một làn gió mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, khơi dậy phong trào “làm giàu” có tiếng ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Ấp 3, xã Tân Thành nhìn từ trên cao tựa như thảm lụa mềm. Mấy hàng dừa rũ lá xanh ngát xen lẫn những vuông nuôi cá xanh mướt, trong veo. Người ta gọi đây là “ấp nhà giàu” vì đường dẫn vào các ao nuôi cá cũng được trải xi măng giúp thuận tiện di chuyển.

Ông Hồ Quốc Trạng, nông dân nuôi cá chình ở xã Tân Thành vừa đi, vừa kể: cá chình từ 1 kg/con trở lên có giá 550.000 đồng/kg, từ 700-900 gram/con có giá 440.000 đồng/kg. Mỗi năm ông thu lời 1,5 tỉ đồng. Ngoài nuôi cá chình, trên phần đất của gia đình, ông kết hợp trồng dừa, sa pô, xoài, rau đắng… lấy ngắn nuôi dài.

Cái được nhất của nghề nuôi cá chình là nông dân sẽ  “găm hàng”  khi giá cá sụt, chờ khi mức giá tăng mới xuất bán. Chính vì thế, người dân Tân Thành rất dễ “gia nhập”  câu lạc bộ” tỉ phú” cá chình. Tất cả những thành quả này là được Bảy Ánh khơi nguồn: “Hồi xưa sống khổ lắm, bây giờ giàu hết nhờ nuôi cá chình, cá này cho lời lãi gấp 4 lần trồng lúa. Anh em trong câu lạc bộ Cá Chình rất thương nhau, có bao nhiêu bí quyết chia sẻ cho nhau biết hết nên làm ăn rất hiệu quả”.

Ông Nguyễn Hữu Ánh (ông Bảy Ánh) - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024

Nói về công sức của lão nông Bảy Ánh, kể ra cũng lắm thăng trầm. “Vưa cá chình” bộc bạch, vào năm 1999 một người quen gợi ý ông thử nuôi con cá chình. Sau thời gian đắn đo, ông quyết định bán 100 giạ lúa, được 3,5 triệu đồng, để mua 400 con cá chình giống từ Bình Thuận về thả nuôi trong ao sau ruộng. Sau khoảng 18 tháng nuôi, ông tát ao, bán cá 65 triệu đồng, tương đương hơn 20 lượng vàng, số tiền quá lớn đối với dân làm lúa lúc bấy giờ.

Từ đó ông cất công tìm hiểu kỹ thị trường rồi mạnh dạn đầu tư thêm ao, nuôi thêm cá và quá trình làm giàu nhanh như gió kể từ đó: “Năm 2001 chú mở rộng 8 ao, lợi nhuận gần 1 tỷ/năm. Đến năm 2004 lên thêm ao nữa lợi nhuận trên 1 tỷ/năm. Đến năm 2006 tiếp tục đào 20 ao, lợi nhuận càng này nở. Đỉnh điểm làm năm 2011 chú mạnh dạn đào 40 ao, thức anh nhà chú tự kiếm, mỗi năm chú thu về tiền lời 2 tỷ đồng”.

Cá chình nuôi tại TP. Cà Mau đã giúp nông dân làm giàu

Từ sau những pha thành công ban đầu, Bảy Ánh “móc” hết ruột gan để chỉ lại cho nông dân trong xóm, rồi trong ấp, dần dà đến hết xã. Kiến thức mà Bảy Ánh chỉ cho người khác chỉ gói gọn trong các cụm từ: cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp.

Tuy nhiên, vốn đầu tư con giống khá cao, nuôi trong thời gian dài mới cho thu hoạch, quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá. Về kỹ thuật nuôi cá chình lớn nhanh, khi đào ao xong, phải cho nước vào ngâm 15-20 ngày, rút sạch nước cũ và bơm nước mới vào. Sau đó, dùng vôi bột để xử lý nước. Mực nước phù hợp để nuôi cá chình khoảng 1,6m.

Để hạn chế các bệnh đường ruột, CLB Cá Chình ở đây đều cho cá ăn cách ngày, theo giờ cố định. Mỗi ao thả nuôi 1.000 con cá chình giống. Sau 8 tháng, tùy vào kích cỡ, CLB tiến hành tách đàn sang những ao khác. Cá chình nuôi khoảng 18 tháng cho thu hoạch, cứ vậy thu tiền đều đặn mỗi lần xuất ao.

Anh Nguyễn Minh Sang – ngụ ấp Tân Thành, TP. Cà Mau cho biết động lực để học nghề nuôi cá nắm chắc trong tay: “Làm lúa một năm lời lãi khoảng 40 triệu là nhiều lắm rồi, cho nên khi phát hiện nuôi con cá chình cho lãi cao nên mình phải cố gắng học cho được kỹ thuật nuôi. Như tôi đây, đi trên đê chứ đôi mắt nhìn dưới ao, xem cá nó lội thế nào, nước trong hay đục… nói nào ngây nuôi cá này nhàn lắm mà lại lời cao. Trong tất cả các loại cá ở Cà Mau thì cá chình ổn định nhất”.

Ông Bảy Ánh đã đem mô hình nuôi cá chình về đồng đất Cà Mau và phát động phong trào làm giàu mạnh mẽ.

Những năm gần đây, khu nuôi cá của ông Bảy Ánh trở thành điểm đến thực tập và nghiên cứu của hơn 300 lượt sinh viên Trường Đại học Cần Thơ; hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cá chình, cá bống tượng.

Đáng chú ý là năm 2023, 2024 có đoàn công tác cụm thi đua phía Nam các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đoàn công tác của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến khảo sát thực tế tại mô hình. Mới đây nhất, ông Nguyễn Hữu Ánh là một trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.

Ông Nguyễn Hữu Ánh khiêm tốn cho biết: “Mình là nông dân, từ lúc nghèo đến hiện giờ đã thay đổi qua snhieuef. Bây giờ giàu thì chú không dám tự nhận mình giàu nhưng chú thấy đời sống đã thay đổi nhiều lắm cũng từ khi nuôi con cá này. Từ đó, chú nhìn xa và nhận định, trồng lúa mãi không có cuộc sống như hôm nay đâu. Từ đó mà chú quyết tâm làm”.

76 tuổi, nhưng lão nông Bảy Ánh vẫn còn nhiều đam mê với nghề nuôi cá chình

Mô hình nuôi cá chình giờ đây đã trở nên quen thuộc với người dân Cà Mau, song đối với ông Bảy Ánh ở mỗi giai đoạn đều có sự mới mẻ trong cách làm. Hiện, ông Bảy đang chia khu nuôi theo hướng VietGAP, thực hiện theo các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ và chất lượng sản phẩm. Hứa hẹn sẽ mở ra triển vọng mới cho việc nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ xuất xứ ngày càng cao.

Điểm nhấn đặc biệt ở lão nông 76 tuổi - Bảy Ánh là, ông đã khơi nguồn một trong trào nuôi cá chình, người địa phương đã học tập, phát triển nuôi cá chình và trở thành một phong trào có tiếng “nhanh giàu” ở xã Tân Thành. Trong số này đã có không ít người vươn lên thoát nghèo.