Vitamin cho tâm trí: Sang thu 

Mùa thu - được xem là khoảng thời gian gợi nhiều cảm xúc nhất trong năm khi không gian trở nên mơ hồ hơn, mọi vận động của sự sống trở nên tinh tế hơn. Không phải ngẫu nhiên đó là mùa gợi cảm hứng nhiều nhất cho nghệ sĩ...

Nhịp sống và sách 

Chúng ta đã đi hết tuần thứ hai của tháng 8. Dẫu vẫn còn đó cảm giác oi ả của những ngày tháng hạ nhưng đất trời cũng đã bắt đầu manh nha những tín hiệu của mùa mới. 

Mùa thu - được xem là khoảng thời gian gợi nhiều cảm xúc nhất trong năm khi không gian trở nên mơ hồ hơn, mọi vận động của sự sống trở nên tinh tế hơn. Không phải ngẫu nhiên đó là mùa gợi cảm hứng nhiều nhất cho nghệ sĩ.

Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói về mùa thu: “Tôi nhận thấy rằng Mùa Thu là mùa của Tâm Hồn nhiều hơn là mùa của Thiên Nhiên”.

Có lẽ không nhiều người biết, Nietzsche không chỉ là một triết gia sắc sảo mà còn là một nhà thơ. Như nhiều thi sĩ khác, trái tim của ông cũng dễ rung cảm trước những xao động lúc đất trời giao mùa:

Thu đến rồi, trái tim em có tan ra từng mảnh

Hãy bay lên, bay lên cao em

Cây đại hồi hương bắt đầu lên tiếng

Tôi không mấy đẹp và dáng duyên

Nhưng tôi yêu loài người

Và an ủi loài người

Bởi lẽ họ còn phải sống để ngắm hoa

Và hôn hoa

Còn văn hào người Pháp, chủ nhân của giải Nobel Văn chương năm 1957, cũng đưa ra một định nghĩa thi vị về mùa thu: “Mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa.”

Nhà văn đương đại Dodinsky, tác giả của cuốn sách triết lý được độc giả trên thế giới yêu quý, cuốn “Trong khu vườn tư tưởng” viết về mùa thu thật đẹp: “Tôi hy vọng mình có thể như một chiếc lá thu, nhìn lên bầu trời mà sống. Và khi đến thời điểm phải rời đi, thì kiêu hãnh biết rằng cuộc sống đã là một món quà”.

Hy vọng những trích dẫn vừa rồi có thể chạm vào cảm xúc của các bạn. Chúng ta cùng lắng nghe, cảm nhận khoảng thời gian đặc biệt trong năm mà nói như nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Mùa thu mãi là một giấc mơ kỳ diệu”.

Tản mạn chữ nghĩa

Tản mạn chữ nghĩa là chuyên mục chúng ta cùng nói với nhau những câu chuyện nhỏ, thú vị liên quan đến chữ nghĩa trong đời sống. Đó có thể là những giai thoại thành ngữ, tục ngữ mà cũng có thể là những bàn luận liên quan đến đến những cách nói, cách diễn đạt đang trở thành xu hướng trong đời sống, mà cũng có thể là những lưu ý về cách sử dụng từ ngữ hiện nay.

Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Ngọc Hiếu xung quanh một câu thơ cổ nói về tín hiệu của mùa thu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ biết là thu đã sang). 

MC: Anh có thể giúp chia sẻ thêm về câu thơ này? Cái hay của nó nằm ở đâu?

Anh Hiếu: Trước hết, hình ảnh “ngô đồng” được nhắc đến trong câu thơ cổ khuyết danh này là loài cây gỗ nhỏ, có thể cao đến 16m, tán cây hình trứng, được trồng nhiều ở Trung Hoa và một số nước Đông Á lân cận, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, được biết đến nhiều hơn cả là hai cây ngô đồng được vua Minh Mạng trồng ở góc điện Cần Chánh trong Đại Nội. Say mê vẻ đẹp quý phái, vương giả của loài cây này, vua Minh Mạng còn cho chạm khắc hình ảnh của loài cây này khi đúc cửu đỉnh.

Câu thơ trên tiêu biểu cho bút pháp chấm phá trong cổ thi: Chỉ dùng một chi tiết, một hình ảnh mà có thể gợi ra những liên tưởng rộng rãi, ý nghĩa phong phú. Câu thơ giống như một bức tranh, chừa nhiều khoảng trống mà vẫn gợi mở nhiều ý vị trong đó.

Nó cho ta thấy khoảnh khắc sang thu là khoảnh khắc nối kết tâm hồn của một con người, dù nó rất đỗi mơ hồ: Chỉ một chiếc lá rụng, mọi người đều biết thu đã sang. Không chỉ nhận ra đây là tín hiệu của mùa thu, câu thơ còn ẩn chứa trong đó nỗi trắc ẩn của con người đối với sự sống và cả cảm thức của con người trước chu trình diệt - sinh của sự sống.

Hình ảnh lá ngô đồng từ đó đã trở thành một điển cố, một biểu tượng trong văn chương truyền thống. Chẳng hạn, trong truyện Kiều có những câu:

Nửa Nửa năm hơi tiếng vừa quen

Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng 

Trong thơ hiện đại, Hoài Thanh từng khen ngợi hai câu thơ trác tuyệt này của Bích Khê:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông

MC: Có một truyền thống trong văn học cổ phương Đông dùng những hình ảnh cỏ cây như là những tín hiệu báo thu sang. Anh có thể nói rõ hơn về điều này?

Anh Hiếu: Ngoài lá ngô đồng thì thơ cổ phương Đông còn lấy các hình ảnh cỏ cây khác làm biểu tượng của mùa thu như hoa cúc, rừng phong. Trong thơ haiku Nhật Bản, có cả một hệ thống các quý ngữ, tức các hình ảnh thiên nhiên biểu đạt cho từng mùa. Trong đó, hoa cúc, lá phong, triêu nhan tím… được coi là hoa cỏ của mùa thu.

Thi hào Basho có bài thơ về hoa cúc rất đẹp: Kìa hoa cúc trắng ngần / không mảy may hạt bụi / nở ngay trước mắt trần.

MC: Trong văn học nghệ thuật hiện đại, những loài hoa cỏ nào cũng đã trở thành những biểu tượng của mùa thu?

Anh Hiếu: Theo thời gian, thơ thu sẽ dung nạp những hình ảnh mới của đời sống, biến nó thành biểu tượng. Nhiều loài hoa cỏ cũng sẽ đi vào thơ ca. Thậm chí, nhờ có thơ ca, nghệ thuật, chúng mới trở thành những hình ảnh mang ý nghĩa tinh thần. Thí dụ, hoa sữa trở thành một tín hiệu phổ biến trong thơ viết về mùa thu Hà Nội.

Tôi cho rằng, trong trường hợp này, nghệ thuật không chỉ phản ánh đời sống mà thực ra đời sống được cấp cho ý nghĩa nhờ nghệ thuật. Loài hoa này hẳn sẽ không có địa vị như một biểu tượng nếu không có những bài thơ, bài hát êu tả nó như một hình ảnh trữ tình. 

Tuổi mười lăm em lớn từng ngày,

Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ.

Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ,

Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu,

Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc.

Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt,

Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

(Hoa sữa - Nguyễn Phan Hách)

Tiêu điểm trong tuần 

MC: Nhắc đến mùa thu, nhất là trong những ngày đầu tháng Tám này, tôi lại nhớ đến câu hát trong bài “Có phải em mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, người vừa qua đời mới đây: “Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?”. Nhưng theo tôi biết, phần lời bài hát này được phổ từ bài thơ cùng tên của Tô Như Châu. Anh Hiếu có thể giới thiệu đôi nét về nhà thơ Tô Như Châu được không?

Anh Hiếu: Nhà thơ Tô Như Châu là nhà thơ người Đà Nẵng. Ông sinh năm 1935, mất năm 2000. Bài thơ “Có phải em là mùa thu Hà Nội” được ông sáng tác vào năm 1970.

Theo lời ông kể lại, bài thơ này dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo như lời thi sĩ kể lại khi còn sống, cũng giống như nhiều thanh niên ền Nam thời đó, ông rất mê những cô gái Bắc di cư, và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội.

Và hình ảnh của họ đã theo ông vào câu thơ bảng lảng sương khói mùa Thu cho dù chỉ là tưởng tượng “May còn chút em trang sức sông Hồng/Một sáng vào Thu bềnh bồng hương cốm/Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng”…

Điều rất xúc động là bài thơ được viết vào thời điểm đất nước còn chia cắt. Cả Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc khi phổ nhạc cho bài thơ này đều chưa từng đặt chân đến Hà Nội, cả đến sau này khi đất nước đã thống nhất.

“Có phải em mùa thu Hà Nội” vì thế là một tác phẩm được dệt nên từ những tưởng tượng về một thành phố, nơi mùa thu tưởng như là sở hữu riêng của nó.

---

Để nghe thêm hoặc nghe lại các số "Vitan cho tâm trí" trên các thiết bị di động, thính giả của Kênh VOVGT có thể truy cập các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ một trong các cụm từ khoá: Vitan cho tâm trí, VOVGT, VOV giao thông.