Vì sao Paris bỏ phiếu cấm xe scooter điện

Đa số người dân Paris (Pháp) đã bỏ phiếu cấm xe máy điện trên đường phố thủ đô nước Pháp vào ngày 2/4 trong một cuộc trưng cầu ý kiến và giới chức thành phố cho biết sẽ thực hiện theo ý kiến của người dân. Như vậy, Paris đã trở thành thủ đô châu Âu đầu tiên cấm hoàn toàn xe scooter điện.

21 điểm bỏ phiếu thăm dò ý kiến nhằm tham vấn cộng đồng về việc người dân “ủng hộ hay phản đối việc cho phép xe scooter điện lưu thông trên đường phố” ngày 2/4, thu hút đông đảo người dân xếp hàng dài chờ bỏ phiếu.

Trên trang web của thành phố Paris, tỷ lệ người dân thành phố bỏ phiếu cấm xe scooter điện dao động từ 85,77% - 91,77% tại 20 quận đã công bố kết quả.

Theo đó, từ tháng 8 năm nay, những chiếc scooter điện nhiều khả năng sẽ không còn xuất hiện trên đường phố Paris nữa.

Bà Hila Charon, ở thành phố Paris, Pháp, nói: "Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến xe scooter điện thế nhưng mọi người vẫn không chú ý vào việc điều khiển xe sao cho an toàn. Điều này thực sự rất nguy hiểm. Tôi bắt gặp xe scooter điện ở khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào ở trên đường phố. Và tôi thực sự rất vui khi tỷ lệ bỏ phiếu cấm xe scooter điện lên đến 90%". 

Đa số người dân Paris (Pháp) đã bỏ phiếu cấm xe máy điện trên đường phố thủ đô nước Pháp. Ảnh: AFP

Paris có khoảng 15.000 xe scooter điện đang lưu hành, với mức độ sử dụng tăng đều theo mỗi năm. Mỗi phương tiện hiện được sử dụng trung bình 3,5 lần một ngày ở Paris, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ thành phố nào ở châu Âu.

Bà Christine Le Bret, người dân Paris, cho biết: “Cách duy nhất để tôi có thể gặp những đứa cháu sống ở đầu bên kia Paris hoặc vùng ngoại ô là cho chúng đi scooter điện vì tàu điện ngầm và xe buýt không hoạt động vào cuối tuần, còn ngày thường thì phải đi mất 45 phút đến 1 giờ, trong khi đi bằng scooter điện chỉ mất khoảng 25 phút để chúng có thể đến nhà tôi”.

Tuy nhiên, số vụ tai nạn do scooter điện gây ra cũng tăng theo.

Đi bộ về nhà sau chuyến dã ngoại bên bờ sông Seine vào tháng 82022, Justine Haley, một thợ làm tóc khoảng 40 tuổi, đang băng qua đèn giao thông thì bị một chiếc xe scooter điện đâm phải. Lúc đầu cô chỉ nghĩ bị thương nhẹ nhưng sau khi người lái xe scooter bỏ đi, cô mới nhận ra bắp chân bị sung to và phải mất đến 2 tuần mới có thể đi lại bình thường.

Cô chia sẻ nỗi ám ảnh sau vụ tai nạn: “Trong hai hoặc ba tháng sau đó, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một chiếc xe scooter khi băng qua đường, tôi đều run rẩy. Thậm chí bây giờ tôi có lẽ sẽ cẩn thận hơn khi băng qua đường ở Paris so với trước đây.”

Những sự cố như của Justine là không hề hiếm gặp. 

Năm 2021, tại Pháp có 24 người tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến xe scooter, trong đó có 1 người ở Paris.

Tính riêng tại Paris vào năm 2022, có 3 người tử vong và 459 người bị thương do tai nạn scooter điện, tăng so với 2 năm trước đó.

Ngoài tình trạng người sử dụng phương tiện đi ẩu như sai làn, vượt quá tốc độ, việc các xe scooter điện đỗ bừa bãi, gây cản trở giao thông cũng là lý do khiến phần lớn người dân phản đối loại phương tiện này.

Năm 2022, Paris ghi nhận 459 vụ tai nạn liên quan đến xe scooter điện và các loại phương tiện tương tự, trong đó có 3 vụ gây chết người. Ảnh: AFP

Bà Christine Coton, một người về hưu, nhớ lại: “Một hôm, khi tôi vừa ra khỏi xe ô tô của mình và đi trên vỉa hè. Tôi rẽ vào một ngách cạnh tòa nhà để về nhà thì bất ngờ một chiếc xe scooter điện chạy qua chỉ cách tôi chừng 2 cm. Nói thực là tôi đã rất sợ hãi”.

Từ năm 2020, Paris đã cắt giảm xuống chỉ còn 3 đơn vị vận hành loại phương tiện này, ký hợp đồng thời hạn 3 năm và yêu cầu tốc độ tối đa của xe scooter là 20 km/h và bắt buộc phải thiết kế khu vực để xe.

Về phần mình, các nhà vận cũng bổ sung các quy định khác, trong đó có kiểm tra người sử dụng phải đủ 18 tuổi trở lên, gắn biển số để cảnh sát có thể xác định người vi phạm giao thông và hạn chế chỉ 1 người sử dụng phương tiện.

Ông Nicolas Gorse, giám đốc điều hành của Dott, một trong 3 nhà quản lý dịch vụ thuê xe scooter điện, khẳng định: "Tất nhiên có người lái xe nguy hiểm, nhưng đó là do con người, không phải do xe. Điều cần làm là "giáo dục, phát hiện và phạt", thay vì cấm hẳn dịch vụ thuê xe.

Theo đại diện của Dott, lệnh cấm này sẽ tác động trực tiếp đến việc đi lại của của 400.000 người mỗi tháng, 71% trong số đó là cư dân từ 18 đến 35 tuổi.

Đồng quan điểm, một số người dân cho rằng nên có quy định chặt chẽ hơn thay vì cấm đoán

“Vâng, tôi nghĩ rằng thật sự xấu hổ khi kết quả này trả lời cho một thực tế về sự lộn xộn trong việc lưu thông bằng xe scooter điện ở Paris. Thế nhưng, tôi vẫn hi vọng thay vì chỉ đơn giản là đưa ra lệnh cấm thì chính quyền nên cải thiện các quy định cũng như quản lý tốt hơn”.

“Việc cấm 100% xe scooter điện có lẽ hơi nặng nề. Chúng ta nên cân nhắc việc đưa ra các quy định để đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức như yêu cầu đội mũ bảo hiểm, giới hạn tốc độ, đưa ra các mức phạt đối với những hành vi đi ẩu, gây nguy hiểm trên đường”.

Các nhà vận hành xe scooter điện cũng lo ngại khả năng các thành phố khác có động thái tương tự nếu Thủ đô Pháp cấm loại phương tiện này.

Cuộc trưng cầu ý dân về việc cấm xe máy điện diễn ra trong bối cảnh nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đang siết chặt các quy định về xe scooter điện nhằm hạn chế số người sử dụng, tốc độ chạy xe và nơi để xe.

Thành phố Montreal của Canada cấm tất cả xe scooter điện cho thuê hoặc sử dụng cá nhân vào năm 2020, trong khi thủ đô Copenhagen của Đan Mạch từng cấm scooter điện vào năm 2020, rồi cho hoạt động lại với quy định nghiêm ngặt hơn.