Vì sao kè chống ngập trăm tỉ ở Cần Thơ… mãi chờ?

Dự án kè rạch Cái Sơn có tầm quan trọng trong chiến lược giúp thành phố Cần Thơ chống sạt lở, chống xâm nhập mặn và ứng phó biến đổi khí hậu. Thế nhưng, đã quá 2 năm, công trình này chỉ mới đạt 67% tiến độ, gây không ít khó khăn cho quá trình lưu thông của người dân.

'Mùa lũ tới, chỗ nào cạn cạn thì nó ngập lên khỏi mặt đường 3 tấc, chỗ sâu thì ngập 6 tấc. Ngập sạch trơn, không ai dám chạy con đường này. Mơ ước bây giờ sớm làm nhanh công trình để có đường lộ cho người ta đi thông thương, mấy chục hộ dân ở đây ai cũng ước giống tôi'.

Đó là tâm tư của ông Võ Văn Được, ngụ KV6, phường An Bình, quận Ninh Kiều đã nói lên tiếng lòng cho hàng trăm hộ dân sống dọc rạch Cái Sơn, nơi mà Dự án kè chống ngập đi qua đã gần 3 năm mà chưa về đến đích.

Rạch Cái Sơn rẽ từ sông Cần Thơ vào, qua đoạn thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, từ xa đã nhìn thấy tình trạng nham nhở của công trình thuộc gói thầu số 1 và 2. Phần lớn công trình chỉ mới được đặt cọc sắt, lác đác vài công nhân đi hàn các mối sắt bị hở và rỉ sét vì nắng mưa. Một số ống cống chỉ mới được đặt xuống, chưa đấu nối xong, khiến rác ùn ứ mất vệ sinh.

Đặc biệt, công trình tập kết vật liệu xây dựng ngay sát con đường giao thông huyết mạch, chiếm dụng gần hết lối đi. Người tham gia giao thông phải luồng lách và đối mặt với nguy cơ tai nạn: một là, sấn vào nhà dân; hai là, rơi xuống công trình đang đóng cọc…

Dự án kè rạch Cái Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: Th.N/Lao động

Kè rạch Cái Sơn dài 2.800m đi qua 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 341 tỉ đồng, bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách địa phương.

Mục tiêu của công trình là chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân sống cặp rạch, các công trình kiến trúc, văn hóa, cơ sở hạ tầng ven sông.

Đồng thời góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự thông thoáng cho đô thị, tránh ngập lụt trong những thời điểm triều cường. Công trình khởi công xây dựng đầu năm 2020 và cam kết hoàn thành cuối năm.

Theo thiết kế, kè được làm bằng bê tông cốt thép, nền gia cố bằng cọc bê tông, chân kè gia cố bằng thảm đá chống xói lở, cao trình đỉnh kè là 1,8 m, chân kè cao 0,3 m. Ngoài ra, kè còn có các công trình kỹ thuật kèm theo gồm lan can, vỉa hè, hệ thống thoát nước…

Nửa đầu năm 2021, dự án tạm ngưng thi công do hết thời gian thực hiện. UBND TP quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2021. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, khối lượng thi công toàn dự án chỉ đạt 67%.

Bước sang năm 2022, dự án tiếp tục ngưng thi công vì hết thời gian gia hạn thực hiện, chủ đầu tư lại tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian dự án đến hết năm 2022.

Ảnh: Huỳnh Xây/Dân Việt

Thực tế, nay đã là tháng 7, chỉ còn 5 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022 mà dự án thì vẫn tiếp tục “án binh bất động”.

Ông Nguyễn Quí Ninh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chủ đầu tư dự án cho biết những khó khăn kéo dài từ ngày khởi công dự án này đến nay: 'Kè Cái Sơn là một trong những tuyến kè gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về mặt bồi thường tái định cư, khối lượng lớn mà lực lượng của thì có hạn trong công tác kiểm kê, kiểm đếm; và nhiều hộ vắng nhà không liên hệ được. Chúng tôi cũng bàn với quận để xử lí theo đất vắng chủ. Đến tháng 10/2021 chỉ mới giải phóng được 25% mặt bằng tương đương với tiến độ công việc là 25%.

Cũng theo ông Ninh, hiện UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT về việc kéo dài thời gian đầu tư và giải ngân cho dự án đến hết năm 2022. 

Dự án này có 249 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 41 hộ thuộc diện tái định cư. Tính đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa chấp nhận phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng, nhiều nhất là tại Gói thầu số 1. Mặt bằng của toàn Dự án đang còn vướng khoảng 15%. Công tác tái định cư chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ vướng mắc, TP. Cần Thơ thống nhất phương án hỗ trợ 60% giá trị bồi thường cho người dân (so với các hộ có giấy tờ hợp lệ), đồng thời tăng tốc hoàn thiện khu tái định cư để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng, cùng TP sớm hoàn thiện công trình trăm tỉ này trong thời gian sớm nhất.