Vết đạn ở cổng thành

Một chiều tháng Tám Hà Nội vào thu, bộ hành ngang qua phố Phan Đình Phùng, bạn không chỉ bắt gặp cơ man nào là những gánh hoa tươi, những xôi cốm đặc trưng của mùa thu Hà Nội, mà còn bị thu hút bởi hai vết lõm sâu trên cổng thành Cửa Bắc.

Hai vết đạn đại bác, chứng tích thời gian, kể với bộ hành bao câu chuyện về những mùa thu cũ.

Hai vết đạn đại bác sâu chừng một gang tay, là hai trong số những quả đạn đại bác của pháo thuyền Pháp từ sông Hồng, tấn công thành Hoàng Diệu năm 1882.

Trong tâm trí ông Nguyễn Thế Hùng, người đã gắn bó từ ấu thơ với khu tập thể nhỏ nép mình trên con ngõ Đặng Dung, đối diện cổng thành Cửa Bắc, hai vết đạn này là chứng tích lịch sử, niềm tự hào về truyền thống giữ nước của cha ông ta:

"Loạt đại bác từ tàu chiến từ ngoài sông Hồng bắn vào, bắt đầu đánh chiếm thành Hoàng Diệu. Đô đốc Hoàng Diệu là một trong những thủ lĩnh bảo vệ thành Cửa Bắc. Phải có tuyên truyền giáo dục đến lớp trẻ, các thế hệ học sinh từ lớp 1 đến sau này, thì mới nắm được lịch sử truyền thống của dân tộc". 

Chính Bắc Môn - cổng thành Cửa Bắc, là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn

Hà Nội đầu thu, vỉa hè đường Phan Đình Phùng nhộn nhịp hơn thường lệ. Là bởi khi chiều thu dịu nắng, những  xe đạp chở hoa rực rỡ cả góc phố làm xao xuyến bước chân bộ hành.

Và bởi những di tích cổ kính, hoài niệm vẫn luôn thật đẹp, thu hút mỗi bước chân qua. Người ta ngước nhìn, người ta ngắm nghía, và chạm tay vào như muốn cảm nhận rõ hơn một vết thương đã lành sẹo.

Với anh Trương Văn Duy, bảo vệ tại khu di tích Cửa Bắc, câu hỏi anh nhận được nhiều nhất từ du khách đến tham quan, vẫn là về nguồn gốc của hai vết lõm trên tường thành:

"Đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia, thuộc thành phố Hà Nội đang quản lý. Mình rất tự hào vì là một người bảo vệ trong khu thành Thăng Long này. Mùa thu này thì đa số là chụp ảnh nhiều, khung cảnh rất yên bình, đẹp, chả mấy khi có được ở Hà Nội". 

Vết đạn đại bác, dấu vết cuộc tấn công vào thành Hà Nội của Thực dân Pháp năm 1882

Những cây xà cừ lâu năm sừng sững bên đường, hiền hòa xòa bóng mát cho bộ hành dừng chân ngắm phố. Tán lá xanh rì chỉ để lọt qua vài tia nắng thu vàng nhạt, vô tình che khuất những vết đạn năm nào. Bộ hành bước chậm lại dưới khoảng trời rợp bóng cây.

Bên này là bức tường thành đã rêu phong như ngưng đọng cả thời gian, bên kia là dòng người và xe nhộn nhịp không ngừng lao về phía trước. Một sự đối lập và song hành, dễ khơi gợi suy tư. 

Chị Trần Thị Hiền, quân nhân công tác ở một đơn vị gần di tích Cửa Bắc, ngày ngày đi làm bức tường thành Cửa Bắc. Thâm tâm, chị muốn câu chuyện về hai vết đạn ấy được mang đến nhiều người hơn, để thế hệ trẻ hiểu thêm về Hà Nội:

"Mọi người cũng chỉ tham quan di tích ở cổng Cửa Bắc thôi, hoặc mọi người chụp ảnh, đi dạo bộ qua. Tôi nghĩ là cũng ít ai để ý đến hai vết đạn này. Nên quảng bá hoặc là tuyên truyền để mọi người biết thêm về di tích Cửa Bắc này".

Vết đạn sâu khoảng một gang tay người lớn, chứng tích sự tàn khốc của chiến tranh xâm lược và tinh thần chống trả quyết liệt của quân dân ta...

Ai đó nói rằng, thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương. “Vết thương” do đại bác trên tường thành Cửa Bắc đã liền sẹo, dù đó là hai vết “sẹo lõm”. Người đi qua, có người biết, người không.

Nhưng ngay cả với người không biết câu chuyện bi hùng về nó, thì hai “vết sẹo” ấy vẫn là một nét độc đáo, một dấu vết của kinh thành đã đi qua bao thăng trầm lịch sử.

Thành phố ̀nh, đất nước ̀nh lớn lên từ những _vết sẹo_, để kiên cường bất khuất trước mọi sóng gió, xâm lăng

Với những người biết chuyện, thì đó không chỉ là vết thương, mà còn là chứng nhân lịch sử, là niềm xúc động và tự hào.

Thành phố mình, đất nước mình kiên cường và kiêu hãnh lên, đẹp lên cùng những vết thương.

Ngang qua những vết thương đã rêu phong, giữa những tháng ngày lịch sử này, để thấy mình bé nhỏ nhường nào, trước tinh thần bất khuất của cha ông, quyết bảo vệ đến cùng non sông, gấm vóc.