Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Tp. Hà Nội có số dân khoảng 8,5 triệu. Và với số lượng người tập trung lớn như vậy, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Hà Nội hiện có 26 đơn vị tham gia thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) là đơn vị lớn nhất, phụ trách duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường của 7/30 quận, huyện, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức.
Đơn vị này cho biết, trong quá trình tiến hành thu gom rác thải trong các khu dân cư đều tuyên truyền để người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác bẩn ra môi trường. Các địa điểm tập kết, thu gom rác thải đều có sự thống nhất giữa chính quyền, người dân và công ty.
Về các điểm tập kết rác thải trên địa bàn do công ty Urenco phụ trách, ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc công ty cho biết: Điểm tập kết rác thải chúng tôi chỉ khảo sát và đề xuất, sau đó phường làm việc với các tổ dân phố để thống nhất. Chúng tôi chỉ có một số điểm cố định và được làm chuồng quây…
Còn lại chủ yếu là các điểm di động, không cố định. Bởi quận Hoàn Kiếm có đặc thù khác so với các địa bàn khác. Những điểm đó chỉ là tạm thời, ở thời điểm này phù hợp, ở thời điểm khác không phù hợp thì sẽ điều chỉnh. Cũng có những điểm nọ, điểm kia người dân phản ánh thì sẽ điều chỉnh, làm việc với người dân để người dân giới thiệu điểm khác để chuyển địa điểm.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhiều điểm tập kết rác thải tạm trên phố theo như lời của ông Tiến cho biết tồn tại qua rất nhiều năm, thậm chí nhiều điểm nằm ở những con phố trung tâm, ngay sát nhà dân, nơi có nhiều người và khách du lịch qua lại.
Điều đáng nói ở chỗ, sau khi gom rác thải lên xe vận chuyển, những chiếc xe ô tô ngồn ngộn rác thải không hề được che chắn bắt đầu hành trình nghênh ngang diễu phố. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc theo sau những chiếc xe này, cùng với đó là rác thải rơi vãi khắp dọc đường, gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng tới môi trường.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Trương Minh Hải – Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm, ông Hải cho biết không nhận được bất kỳ phản ánh nào của cư tri trên địa bàn, nên không biết có hiện tượng này: Bây giờ phải có phản ánh, chứng nh thì bên quận sẽ có yêu cầu chấn chỉnh, vì thực ra chúng tôi cũng chưa nghe thông tin phản ánh đó. Sẽ phải có biện pháp, chúng tôi tiếp nhận phản ánh và có thông tin đến đơn vị thu gom rác để yêu cầu chấn chỉnh. Và phải điều tra, kiểm tra xem ở mức độ nào, vi phạm ở địa điểm nào…
Cán bộ không biết, nhưng người dân tham gia giao thông, người dân sinh sống ở gần những điểm tập kết rác thải vẫn hằng ngày phải chịu cảnh những chiếc xe chở rác không che chắn, rơi vãi nước thải, bốc mùi hôi thối khắp trên đường phố. Thậm chí, ngay kể cả những chiếc xe chở rác khi không có rác cũng bốc mùi nồng nặc vì không bao giờ được vệ sinh, tẩy rửa.
Không lẽ, vì là đơn vị thu gom rác thải, nên họ có quyền bôi bẩn thành phố? Mặc dù những hiện tượng này diễn ra hằng ngày, nhưng ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc công ty Urenco vẫn khẳng định, không có chuyện xe chở rác làm rác rơi vãi ra đường.
Nhưng ông Tiến cũng thừa nhận việc trong quá trình thu gom, công nhân có làm đổ rác xuống đường phố: Chúng tôi không có ô tô đổ rác ra đường, chỉ có việc thu cẩu tại chân điểm xe đầy có thể vương vãi, công nhân sẽ quét dọn ngay, còn không có chuyện xe to đổ rác ra đường. Xe chúng tôi toàn bộ đều có chắn máng, thu nước rác, không có chuyện rơi vãi ra đường.
Vẫn biết là công nhân vệ sinh môi trường làm việc trong môi trường rất nặng nhọc và độc hại, để đảm bảo thành phố sạch đẹp, nhưng nếu quan sát quy trình làm việc của họ, rất nhiều trường hợp gần như không quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh đường phố.
Những chiếc xe đẩy chất ngồn ngộn rác thải được tập kết tại những địa điểm thu gom rác phần lớn đều rỉ sét, thủng đáy, nên nước thải chảy lênh láng xuống vỉa hè, lòng đường khiến nhiều tuyến phố giống như bãi rác thải. Chưa kể đến việc vận chuyển rác lên xe gom thường xuyên có hiện tượng rơi vãi rác thải, rất mất vệ sinh. Việc dọn dẹp lại cũng không được làm cẩn thận, họ chỉ hót rác rơi vãi, còn nước thải để lại.
Khi chúng tôi cho biết, đã trực tiếp chứng kiến và có hình ảnh quá trình thu gom rác thải rơi vãi ra đường, cũng như xe chở rác di chuyển trên đường phố không có biện pháp che chắn, rơi vãi nước thải, thậm chí là rác thải xuống đường thì lúc đó ông Nguyễn Hữu Tiến mới nói: Có thể do người lái, phụ xe vận hành, nếu có trường hợp đó chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến và chấn chỉnh ngay, bởi vì tất cả các hệ thống che chắn của xe đều được làm rất cẩn thận.
Theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi để ra rơi vãi ra đường có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng. Cụ thể, khoản 2, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
- Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, từ ngày 10/7/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực đã giảm mức phạt đối với hành vi để rơi vãi rác ra đường. Cụ thể, điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Xe chở rác được quyền bẩn?
Với mật độ dân số tập trung quá đông đúc, đặc biệt ở những quận nội thành, việc một lượng lớn rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày khiến công việc của những công nhân vệ sinh môi trường hết sức vất vả. Có thể nói, đây là một trong những công việc nặng nhọc và tổn hại sức khoẻ nhiều nhất.
Trong khi đó, mặc dù ở đô thị, nhưng ý thức của người dân nói chung trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng còn rất kém. Tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, ra ngõ xóm, mương nước, sông hồ khiến tất cả những nơi này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Có thể lấy ví dụ ngay việc Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, sông Hồng đang ngày càng trở nên giống như những nơi xả thải của người thành phố. Chưa kể đến các dòng sông khác giờ đã chính thức trở thành cống nước thải, như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ…
Người dân đã vậy, ngay cả những người làm công tác vệ sinh môi trường cũng không cho rằng, công việc của mình là cần phải đảm bảo cho đường phố phải sạch sẽ. Nhiều lúc, nhiều nơi, chính việc làm không có trách nhiệm của một bộ phận những người phụ trách công việc vệ sinh đường phố đã khiến làm xấu đi hình ảnh, đáng nhẽ là rất đẹp đẽ của họ.
Nếu phải đi qua những điạ điểm tập kết rác thải mới rõ. Vỉa hè, lòng đường những địa điểm này luôn trong tình trạng bẩn thỉu. Thậm chí, nhiều nơi chiếm luôn một phần vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi tránh xuống dưới lòng đường, và phải tránh khá xa nếu không muốn dẫm chân phải bãi nước thải và mũi ngửi mùi hôi thối.
Những người làm công tác vệ sinh môi trường, hình như họ quên mất một điều rằng, dịch vụ công cộng cũng là thể hiện bộ mặt của Thủ đô. Có sạch sẽ thì Thủ đô mới sạch sẽ, mới có ấn tượng tốt với du khách, với người dân.
Liệu có phải mức phạt nhẹ đi, khiến việc vi phạm dễ dàng diễn ra hơn? Hay do những người làm công việc này tự cho rằng, làm công việc dọn rác đã vất vả, bẩn thỉu quanh năm thì không cần phải quan tâm đến việc giữ gìn môi trường, giữ gìn sạch sẽ phương tiện, công cụ lao động của mình?
Không công việc nào là dễ dàng, và với những người đã lựa chọn công việc phục vụ nhân dân, họ cần phải có được thái độ trách nhiệm với công việc của mình, biết yêu công việc của mình. Khi đó, không cần phải tuyên truyền nhiều, chính họ sẽ là tấm gương để người dân nhìn vào công việc của họ mà tự thay đổi thái độ, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường chung của thành phố. Từ đó, sẽ giúp công việc của họ nhẹ nhàng hơn.