Về Bát Tràng nghe gốm kể chuyện

Tạm rời xa những ồn ào náo nhiệt của phố phường Hà Nội, hành trình cảm xúc hôm nay sẽ cùng quý vị tới một ngôi làng cổ ven sông Hồng để nghe gốm kể chuyện

"Bác tên là Phùng Thị Kim - ở thôn 2 Bát Tràng. Bây giờ cháu muốn nặn gốm thì từ vị trí bàn xoay này cháu muốn nặn bát, cốc hay lọ nhỏ đựng bút hoặc cốc uống nước thì mình có thể nặn được dưới sự hướng dẫn của bác. Để tay như này thì mình có thể nặn bát ăn cơm. Bây giờ không thích bát ăn cơm mà cốc uống nước thì ta để hai ngón tay và ôm lên như thế này thì thành cốc uống nước. Cách để tay khác nhau sẽ ra sản phẩm khác nhau".

"Đây là lần đầu mình được nặn gốm và mình thấy vui. Cái này giúp mình giải trí sau thời gian làm việc cũng khá tốt. Vào trong này toàn là gốm thấy rất đẹp"

"Hôm nay mình đang có lịch nghỉ và kiếm chỗ đi thăm quan trải nghiệm. Mình thấy đây là trải nghiệm khá thú vị khi mà được cầm đất nặn ra các hình thù mình muốn. Đây là lần đầu nên mình vẫn đang phải nhờ các cô hướng dẫn. Xíu nữa mình sẽ nhờ cô hướng dẫn mình thăm quan các điểm bảo tàng với vào trong các xưởng xem quy trình người dân làm ra thành phẩm như thế nào"

Tham quan Bát Tràng, du khách sẽ được xem và tìm hiểu các công đoạn làm gốm (Ảnh: Hà Nội mới)

Nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 10km, làng gốm cổ Bát Tràng là địa chỉ du lịch giới thiệu tinh hoa nghề truyền thống làm gốm lâu đời và nổi tiếng. Xen qua những nếp nhà hoài cổ và những con ngõ hun hút đã nhuốm màu thời gian, ta như được lạc vào một thế giới nơi thời gian ngưng đọng, ở đó, mái đình xưa bên bờ sông Hồng vẫn hiên ngang đón chờ khách vãng lai, thi thoảng có tiếng trẻ con kêu đùa ríu rít. Đặc biệt hơn cả là một nếp sống nền nã đầy quy củ, một nguyên tắc làng nghề truyền dạy mà ngôi làng ấy nhất mực tuân theo.

Người dân làng Bát Tràng ngoài việc phát triển làng nghề để tạo ra những sản phẩm thương mại tạo kinh tế cho các hộ gia đình, thì họ còn biết cách kể câu chuyện gốm của làng nghề qua các trải nghiệm du lịch.

Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn – Chủ tịch CLB nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng bộc bạch "Chúng ta đang ngồi đây là điểm đón du lịch của thành phố và người khách du lịch về bát tràng vừa tìm hiểu về gốm mà còn về tìm hiểu về văn học và lịch sử của làng gốm chúng tôi. Qua những cái quá trình phát triển khi người du lịch thì các cháu về đây thì các cháu được trải nghiệm làm gốm.

Nghĩa là mình cũng là một người thợ. Mà khách du lịch quốc tế về đây cũng rất mong muốn được hòa mình vào cái dòng chảy của gốm Bát Tràng hiện tại, ra một sân chơi mà tự vuốt nặn vẽ. Đấy là tự tự mình cảm nhận được tự mình trải nghiệm được làm gốm của làng nghề bát tràng. Đấy là những cái mà chúng tôi rất tự hào về cái phát triển du lịch chung".

Như chia sẻ của Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn, làng gốm Bát Tràng có một dòng chảy không ngừng. Qua từng thời kỳ, bên cạnh việc giữ gìn tinh hoa trong nghề làm gốm, các nghệ nhân còn học hỏi những điểm mới của khoa học kỹ thuật để giúp sản phẩm gốm mang hơi thở đương đại, đến gần hơn với công chúng.

Đến đây, bạn sẽ dễ dàng tìm hiểu văn hoá lịch sử làng nghề bởi những “hướng dẫn viên du lịch” của làng. Với truyền thống làng văn – làng nghề, mỗi thế hệ sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng hiểu rất rõ về cái gốc của mình và sẵn lòng chia sẻ với du khách thăm quan.

Điều đó được thể hiện rất rõ trong định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch của UBND xã Bát Tràng như chia sẻ của ông Phạm Huy Khôi – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội: "Trong thời gian tới để đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương xã Bát Tràng cũng như kế hoạch phát triển du lịch của Bát Tràng theo đề án bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn xã Bát Tràng thì chúng tôi cũng đang xây dựng một đề án cũng như các sản phẩm du lịch hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Có nghĩa là có những khu trải nghiệm mang tính chất cộng đồng, mang tính chất lớn hơn để cho du khách đến đây có thể trải nghiệm bất kỳ lúc nào và bất cứ lúc nào, thời điểm nào thời gian nào cũng được trải nghiệm những sản phẩm của Bát Tràng".

Câu chuyện về gốm sứ không phải là câu chuyện mới, nhưng gốm Bát Tràng không chỉ còn là cái tên cho môt làng nghề, mà còn là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là cái đẹp mà nó còn bao hàm cả nội dung và thông điệp mà người thợ muốn truyền tải.

Đến với Bát Tràng chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu với nghề gốm của mỗi người dân làng qua cách họ nâng niu trân trọng những giá trị cha ông để lại…  

Món ngon Bát Tràng

Mâm cỗ cổ truyền của người Bát Tràng luôn có món canh măng mực. Ảnh nh họa.

PV: Cùng với lịch sử hình thành khoảng 600 năm với dấu ấn văn hóa, tâm linh đậm nét, làng Bát Tràng cũng là một trong những “cái nôi ẩm thực” đặc sắc của Hà Nội.

Trong Người quen ở phố hôm nay chúng ta sẽ cùng gặp gỡ nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Diệu Hoài để nghe chị chia sẻ về món canh măng mực - 1 trong những món ăn được du khách mong muốn thưởng thức khi đến với Bát Tràng.

Nghệ nhân Phạm Thị Diệu: Xin chào thính giả của VOV Giao thông

PV: Chị Hoài thân mến, trong cỗ giỗ lễ tết của người Bát Tràng mâm cỗ luôn có món canh đứng đầu 18 món tiến vua - là đặc sản độc đáo, sự tinh tế trong ẩm thực "ăn một lần nhớ cả đời". Câu chuyện ra đời của món canh măng mực của Bát Tràng là gì, thưa chị?

Nghệ nhân Phạm Thị Diệu:  Bát Tràng nằm bên bờ sông Hồng nên có sự giao thương giữa các vùng ền và các món ăn của các vùng ền cũng được người dân Bát Tràng tìm kiếm và biết tinh tế kết hợp với nhau.

Món canh măng mực cũng vây. Được kết hợp từ măng vùng núi và mực vùng biển. Người dân Bát Tràng vẫn thường nói đây là món canh mẹ Âu Cơ. Tức là có sự kết hợp giữa núi và biển. Sự đặc sắc đấy cũng làm nên thương hiệu món canh măng Bát Tràng. Ngoài nem công chả phụng thì khi tiến Vua, món canh măng mực là món không thể thiếu

PV: Măng mực làm nên niềm tự hào sáng tạo của người Bát Tràng từ xa xưa, món canh vô cùng đặc biệt. Chị có thể chia sẻ những điều đặc biệt của món ăn này?

Nghệ nhân Phạm Thị Diệu: Món canh măng mực cũng nói lên con người Bát Tràng đó là sự tinh tế, sự cần mẫn từ khi chọn lựa nguyên liệu tỉ mỉ, cách làm cũng rất kì công. Măng tước sợi nhỏ. Mực thường chọn xứ Thanh có sự ngọt đậm.

Khi làm món canh không có vị tanh vì mực được bóc yếm, tẩy rượu, nướng than đập dập, tước sợi rồi xao cùng với măng đã luộc qua 5-6 nước, kết hợp nước dùng sẽ cho ra món canh măng mực. Để làm nên món ăn này có rất nhiều công đoạn tỉ mỉ cầu kỳ

PV: Khi đến với Bát Tràng du khách có thể tìm thưởng thức món ăn này ở đâu, thưa chị?

Nghệ nhân Phạm Thị Diệu: Phần lớn các nhà hàng cũng như các nhà cổ đã đưa vào phục vụ dịch vụ đều có những món đặc sản Bát Tràng, đặc biệt là măng mực. Khách hàng cũng có thể mua sản phẩm sơ chế mang về cho vào nước dùng gà hoặc nước dùng xương là có một bát canh măng mực chuẩn vị Bát Tràng

PV: Một lần nữa xin cảm ơn nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Diệu Hoài đã chia sẻ một món ăn nổi tiếng của ẩm thực làng Bát Tràng.