Khu vực này có nhiều bến cảng; trong đó, có cảng Cát Lái lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ khiến giao thông khu vực gặp nhiều khó khăn, thường xuyên ùn tắc, nhất là những đợt cao điểm.
Ưu tiên đầu tư các dự án giao thông cấp bách, sẽ gỡ nút thắt, tạo động lực cho thành phố Thủ Đức phát triển.
Hạ tầng giao thông quá tải
Trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021, khu vực cửa ngõ phía Đông Tp. Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Các tuyến đường như: Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, đường dẫn cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây... thường xuyên quá tải với lượng phương tiện lưu thông lớn, nhất là xe tải, container. Nguyên nhân một phần do lượng xe container tranh thủ dồn hàng về các cảng trước kỳ nghỉ lễ.
Cao điểm ùn tắc giao thông khu vực phía Đông thành phố là chiều tối 29/4 và sáng 30/4. Do người dân rời Tp. Hồ Chí Minh đi về các địa phương bắt đầu kỳ nghỉ lễ tăng cao, khiến lối vào cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây ùn tắc, lực lượng chức năng phải điều tiết cho các xe hướng cảng Cát Lái.
Tuy nhiên, tuyến đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định hướng vào Cát Lái cũng ùn tắc kéo dài và gần như “tê liệt” trong sáng 30/4. Dù đã tăng hết công suất, nhân lực nhưng khả năng phục vụ của phà Cát Lái có hạn nên mọi người phải xếp hàng dài chờ qua phà; cùng với lượng xe container vào cảng Cát Lái nhiều, dẫn đến giao thông khu vực ùn tắc nghiêm trọng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, giao thông đường bộ kết nối trực tiếp đến khu cảng Cát Lái (Tân Cảng Cát Lái và bến cảng Phú Hữu) là đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh. Các tuyến đường này theo quy hoạch có năng lực thông xe và vận tải lớn, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa qua cảng biển, liên kết vùng. Nhưng do chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, dẫn tới vận tốc lưu thông của các loại phương tiện trên một số tuyến đường chính ra vào cảng còn chậm. Đặc biệt, tại các nút giao thông, các thời điểm lượng hàng hóa tăng hoặc khi có sự cố giao thông xảy ra trên đường dễ gây ùn tắc.
Thống kê, đánh giá của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, hiện nay do bất cập của kết cấu hạ tầng giao thông khu vực quanh cảng biển, thời gian quay vòng xe tải là 2 chuyến/ ngày và xe container là 1,5 chuyến/ ngày. Điều này xuất phát từ hạ tầng khu vực cảng biển thành phố chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng và vận tốc khai thác thấp; tình trạng kẹt xe các tuyến đường xung quanh cảng biển.
Thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư một số công trình tại khu vực cảng biển thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, những lúc cao điểm khi lượng hàng hóa nhiều, trong cảng không thể tiếp nhận xe vào bến cảng, khiến ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường xung quanh. Cảng Cát Lái trung bình có khoảng 20.000 lượt xe container ra vào cảng mỗi ngày, lối ra vào cảng chỉ có hướng duy nhất là đường Nguyễn Thị Định nên giao thông luôn trong tình trạng quá tải, kéo theo ảnh hưởng đến các tuyến đường xung quanh khu vực phía Đông Tp. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thủ Đức, mật độ đường giao thông khá thấp, chỉ đạt 2,15 km/km2, trong khi theo quy chuẩn là 13,3-10 km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 7,21% (theo quy chuẩn là 18%). Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại khu vực phía Đông, được Tp. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tạo sức bật về phát triển trong thời gian tới.
Ưu tiên các dự án cấp bách tại Thủ Đức
Theo quy hoạch, thành phố Thủ Đức có 8 trung tâm chức năng gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Trung tâm công nghệ sinh thái; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ.
Trong danh mục các dự án giao thông trọng điểm được UBND Tp. Hồ Chí Minh thông qua tháng 4/2021, khu vực thành phố Thủ Đức có khá nhiều dự án quan trọng chuẩn bị đầu tư gồm: Vành đai 2 – đoạn 1, xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội, tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng; Vành đai 2 - đoạn 2, xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn đầu tư 5.569 tỷ đồng; nút giao thông An Phú; xây dựng cụm cảm trung chuyển ICD, phường Long Bình…
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, trong quý I và quý II/2021, Ban Giao thông đã chuẩn bị các thủ tục triển khai những dự án mới; trong đó, có dự án nút giao An Phú hiện đã được HĐND Tp. Hồ Chí Minh thông qua, điểm nóng về giao thông như hoàn thiện hạ tầng giao thông cho thành phố Thủ Đức, cửa ngõ cảng biển, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Hiện, thành phố cũng đang tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông tại thành phố Thủ Đức như: nút giao Mỹ Thủy, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, đường Đỗ Xuân Hợp, Lương Định Của…
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông chính sử dụng vốn ngân sách thành phố trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Riêng năm 2021, ngành giao thông đặt mục tiêu hoàn thành 5 dự án cấp bách để phần nào giải quyết bài toán giao thông cho khu vực. Đó là hoàn thành các hạng mục cầu Mỹ Thủy 3; đường nối Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội; mở rộng đường Đồng Văn Cống; cầu Thủ Thiêm 2; cải tạo và nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc).
Ngoài ra, thành phố cũng lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực hướng Đông, ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm, tiên quyết phải đầu tư như: khép kín các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, các trục đường kết nối với các khu vực trọng tâm phát triển; các dự án kết nối các khu chức năng, hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực; cải tạo các nút giao thông chính như nút An Phú, Mỹ Thủy, ngã tư Thủ Đức…
Để triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, ngoài nguồn vốn thì vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng được chú trọng. Hiện, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và chủ đầu tư tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang vướng mắc. Đồng thời, phối hợp sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Đức nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tại hội nghị triển khi nhiệm vụ năm 2021 của Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở phải phát huy vai trò Tổ trưởng Tổ điều phối kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kết nối 8 trung tâm chức năng của thành phố Thủ Đức. Theo đó, phải làm cho Tp. Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, để người dân nhận thấy cuộc sống của mình có chuyển biến tốt hơn.
Với những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách được ưu tiên đầu tư, giao thông thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ có sự bứt phát trong 3 – 5 năm tới. Việc triển khai thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ 1/7 tới, sẽ là nguồn vốn quan trọng để đầu tư các dự án giao thông xung quanh cảng biển tại khu vực phía Đông Tp. Hồ Chí Minh./.