Ứng phó hạn mặn vào cao điểm cần những giải pháp đồng bộ

Dù đã bước vào cao điểm sản xuất, thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, trái cây và thủy sản nhưng ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với những tác động từ biến đổi khí hậu trong mùa khô 2024.

Khuyến cáo chung về mùa khô năm nay, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL- Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, khi nói về xâm nhập mặn ĐBSCL cần phân biệt hai vùng khác biệt vì hai vùng này khác nhau. Vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là nơi ranh giới xâm nhập mặn là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển-khi nào sông yếu thì biển lấn sâu.

Vùng Bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau và qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt thì vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện thông tin thêm: Như vậy đối với mùa khô năm nay 2024 thì vùng Cửa sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn sẽ không gay gắt như mùa khô 2016 và 2020 nhưng có sự giao động ngắn hạn, ranh giới mặn dịch chuyển vào ra thất thường theo hoạt động đóng-xả của các đập thủy điện Mekong phía thượng nguồn trong giai đoạn tháng 2 tháng 3 tới. Nếu mặn không gay gắt thì vùng cửa sông Cửu Long có thể thích ứng được bằng cách lấy nước ngọt trong những giờ nước ròng (triều thấp trong ngày) khi nước mặn lùi ra phía biển trong vài giờ. Vùng cần lưu ý hơn là vùng Bán đảo Cà Mau, có thể thiếu hụt nước từ đầu tháng 3 trở đi vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô cho đến hết mùa khô tháng 5/2024.

Thực tế những ngày qua, độ mặn đã xuất hiện trên các sông chảy qua các địa bàn và đã gây ra những ảnh hưởng cho đời sống của người dân. Trong những ngày đầu tháng 3, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu cách cửa sông Tiền khoảng 58 - 63 km còn sông Hậu khoảng 40 - 50 km. Để ứng phó tình trạng này, người dân đã chủ động tích trữ nước cũng như tỉa bớt cành nhánh, thậm chí là hoa và trái non đối với các loại cây lâu năm nhằm giảm lượng tiêu thụ nước của cây.

Tại Tiền Giang, độ mặn đo được tại cống Xuân Hòa (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) được công bố vào ngày 11/3 vừa qua đạt mức 8,7 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 7,53 g/l và cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 4,5 g/l. Tương tự, độ mặn ghi nhận tại cầu Kinh Xáng (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) hay phà Thới Lộc (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) được công bố cùng ngày cũng đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn với trên 86.000ha. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền đang có nguy cơ huy hiếp tới khoảng 35.000 ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 20.000 ha sầu riêng.

 Tương tự tại Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn cũng đang tăng dần những ngày qua. Để không bị động trước thiên tai, ngay từ sớm, người dân và chính quyền tỉnh này đã chủ động, triển khai nhiều giải pháp thích ứng. Một trong những địa phương rất “nhạy cảm” với nước mặn là huyện Chợ Lách- vùng chuyên sản xuất hoa kiểng, cây giống và cây ăn trái lớn của Tỉnh. Nhằm chủ động ứng phó, từ trước Tết,

Huyện đã tăng cường xây dựng, gia cố hệ thống đê bao thủy lợi kết hợp với đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dự báo diễn biến mặn để thông báo kịp thời cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Nói về công tác ứng phó hạn mặn của huyện trong năm 2024 này, ông Trần Hữu Nghị - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Chợ Lách cho biết: Thứ nhất là công tác lãnh, chỉ đạo thì huyện cũng đã phân công các thành viên của Ban chỉ đạo đi xuống các xã để hỗ trợ các xã, tiếp cận thông tin và đề xuất các giải pháp ứng phó của địa phương. Nội dung thứ 2 là vận hành các công trình thủy lợi của huyện. Đến thời điểm hiện tại thì cơ bản huyện Chợ Lách đã có trên 90% diện tích đã có đê bao. Tuy nhiên các công trình đê bao của huyện là công trình đê bao đập tạm, với diện tích hoảng 1,2 trăm ha, thời gian trữ nước cũng gặp nhiều khó khăn nên công tác vận hành các công trình thủy lợi này là vần đề cần phải được theo dõi thường xuyên. Một nội dung quan trọng nưã là nâng cao tuyên truyền nhận thức của người dân trong công tác phòng chống hạn mặn.

Liên quan đến công tác ứng phó, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ- Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Và mới đây, một lần nữa Thủ tướng lại có công điện 19 chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.

Trong đó, để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh: Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Ruộng lúa khô héo ở ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Khoa học Thủy lợi ền Nam, từ ngày 10 đến 15/3/2024 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh ven biển.

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng trong giai đoạn cao điểm, người dân và chính quyền các địa phương cần thận trọng và tiếp tục phối hợp nhịp nhàng để các giải pháp phát huy hiệu quả. 

***

Đến hẹn lại lên, hạn hán, xâm nhập mặn đã không còn là chuyện quá lạ với người dân vùng Châu thổ Cửu Long. Không lơ là, chủ quan trước diễn biến thất thường của thiên tai cùng kinh nghiệm quý giá đã có được từ những đợt hạn, mặn lịch sử, các địa phương đã chủ động trong công tác thông tin, dự báo, thường xuyên đo, kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, vận hành công trình thủy lợi để hỗ trợ người dân lấy và trữ nước hợp lý, phù hợp trong từng giai đoạn.

Ngoài ra nhiều bà con nông dân cũng rất linh hoạt áp dụng các biện pháp ở nhiều hình thức và quy mô khác nhau để tích trữ nước đảm bảo đời sống sinh hoạt và bảo vệ mùa màng. Đây là điểm tích cực đáng ghi nhận trong công tác ứng phó.

Tuy vậy bên cạnh đó cũng tồn tại thực tế là một bộ phận bà con nông dân phớt lờ lời cảnh báo, bất chấp rủi ro, làm liều xuống giống lúa vụ 3 vì thấy giá lúa tăng cao. Điển hình như tại Sóc Trăng, dù đã được khuyến cáo nhưng tỉnh này vẫn có đến khoảng 9.400 ha nằm ngoài kế hoạch xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn.

Ngành nông nghiệp địa phương đã rất nỗ lực hỗ trợ bà con cứu lúa nhưng đến nay đã có hàng ngàn ha chấp nhận mất trắng. Con số này vẫn là thiểu số so với 31.000ha xuống giống trong kế hoạch, được đảm bảo an toàn, thế nhưng đó đều là những thiệt hại không mong muốn.

Bên cạnh nhiều giải pháp công trình được áp dụng và đã phát huy hiệu quả thời gian qua, một lần nữa phải nhấn mạnh về tầm quan trọng của các giải pháp phi công trình, trong đó có việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân, tránh trường hợp vì lợi trước mắt mà phá vỡ kế hoạch chung như đã đề cập.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng cần tích cực giới thiệu cho nông dân các giống cây trồng có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn, mặn xảy ra hàng năm; tăng cường tập huấn về các biện pháp hỗ trợ khả năng chống chịu cho cây trồng…

Tin rằng công tác thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng sẽ ngày càng hiệu quả khi chính quyền và nhân dân đồng lòng, khi các giải pháp được áp dụng đồng bộ, khi những giải pháp phi công trình góp phần phát huy giá trị của những công trình tại ĐBSCL.