Người đóng góp lớn vào phong trào làm giàu từ cây lúa nơi đây là nông dân Nguyễn Thanh Tuấn với biệt danh Tuấn “lúa”. Từng ngậm nước ruộng để thử độ phèn, ngày đêm lặn lội ngoài đồng đến lở loét tay chân, Tuấn “lúa” được mệnh danh là tỷ phú vì sở hữu diện tích trồng lúa lớn nhất Việt Nam, 500 hecta. Cách làm nông nghiệp quy mô lớn và hiện đại đúng như chủ trương Nhà nước đã đưa Tuấn “lúa” trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Kiên Lương là nơi được mệnh danh “mùa màng không ngủ” vì nông dân ở đây hiếm khi cho đất nghỉ ngơi. Vừa gặt lúa xong, xới đất sạ lại vụ mới. Cũng từ đây, Kiên Lương góp phần đưa Kiên Giang trở thành một trong những nơi sản xuất gạo ngon nhất Việt Nam.
Đến cánh đồng bao la của anh Tuấn “lúa”, nằm ở đầu kinh 15, giao với kinh T5, đã thấy không khí tất bật. Vụ hè thu 2024 này, anh sạ giống lúa Nhật DS1, thu hoạch 8 tấn/hecta. Hàng chục nhân công chia nhau dặm lúa, lái drone xịt thuốc, lái máy cày cải tạo đất. Cánh đồng trũng phèn ngày nào nay đã bừng hơi thở cuộc sống, màu xanh mướt của mạ non phủ rộng cả một góc trời.
Ông Đỗ Trần Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang vừa đi vừa kể, xã Kiên Bình luôn tận dụng ưu thế về đất đai để đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Linh do anh Tuấn “lúa” làm chủ là một trong những doanh nghiệp đi đầu về sản xuất gạo hữu cơ an toàn.
Chỉ sản xuất lúa 2 vụ trên diện tích 500 hecta, trong đó lúa hữu cơ (Organic) chiếm khoảng 80%, chủ yếu là giống chất lượng cao như ST24 và ST25. Sau 20 năm khai khẩn, anh Tuấn đã tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Đây là thành quả rất đáng trân trọng:
“Anh Tuấn đã tạo ra một vành đai cho bà con ở khu vực Kiên Bình làm theo thêm 300 hecta nữa, hình thành một vùng nguyên liệu khá lớn của tỉnh. Đến thời điểm này chúng tôi đã đặt vấn đề với anh Tuấn là cùng nhau liên kết với doanh nghiệp bán phân bón hữu cơ và Nhà khoa học để cùng nhau trồng lúa tích lũy carbon. Hứa hẹn sẽ phối hợp hình thành HTX chuỗi ngành hàng lúa gạo”.
Nhớ lại thời gian khó, tỷ phú Nguyễn Thanh Tuấn kể, đất phèn lợ này được Nhà nước giao khoán cho ông Nguyễn Thanh Sơn (cha anh Tuấn) với diện tích 700 hecta vào năm 1999. Ban đầu gia đình trồng mía, lợi nhuận không đủ đong gạo để ăn. Giải quyết bài toán khó này, cha con anh Tuấn ngậm nước ruộng vào ệng để thử độ phèn. Kế đến đào hệ thống mương nước dọc ngang như những “mạch máu” để tiện quản lý nước và đưa phù sa vào đồng, tháo chua rửa phèn.
Sau khi cắt lại 200 hecta đất trả Nhà nước, anh Tuấn còn khoảng 500 hecta và chia thành nhiều ô, mỗi ô rộng khoảng 20 hecta cho dễ canh tác. Phèn trong đất dần được kiểm soát, năm 2006, anh Tuấn thử nghiệm trồng nhiều loại giống lúa khác nhau, như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8... thì năng suất nhích lên, đạt 4 - 5 tấn lúa tươi/hecta.
“Trong quá trình canh tác cũng có thất bại, từ đó mình tự tích lũy kinh nghiệm. Từ đất chỉ trồng tràm tôi tự phân ô. Loại đất pha cát thì tôi lên liếp trồng vườn cây ăn trái: dừa, nhàu. Luống nào đất sét pha hữu cơ thì trồng lúa. Mình kết hợp lúa và cây ăn trái thì hợp lắm”.
Sau nhiều năm, Tuấn “lúa” quyết định bỏ cách làm truyền thống, chuyển hẳn sang canh tác lúa “công nghiệp”. Anh mua 2 máy bay không người lái để xịt thuốc, rải phân, sạ lúa; 4 chiếc máy cày, 4 máy cấy và 2 máy gặt đập liên hợp. Anh làm cuốn chiếu, mỗi khoảnh đất 20 hecta làm cách nhau nửa tháng để tiện chăm sóc, đảm bảo năng suất, thu hoạch rồi bán cho thương lái và doanh nghiệp có ký hợp đồng liên kết thu mua.
Tuấn “lúa” cùng 80 nhân công đã tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, đem về “tiền tươi thóc thật” cho cả đôi bên. Với 500 hecta lúa, doanh thu trung bình hằng năm của Tuấn “lúa” là 29 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận bỏ túi 14 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp Tuấn Linh cung cấp nguồn nguyên liệu thô cho công ty Đại Nam Ong Biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu đóng gói rồi xuất đi các thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ trồng lúa, anh Tuấn còn kinh doanh vật tư và dịch vụ máy cày, lợi nhuận thêm 2,2 tỷ đồng/năm. 20 năm trồng lúa, doanh nghiệp Tuấn Linh đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 60 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lúa, anh trồng thêm xoài keo, nhàu, dừa... trên 40 hecta. Số tiền từ mảnh vườn này, anh dành để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương và góp tiền xây cầu để bà con tiện đi lại. Tỷ phú đồng đất Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thêm:
“Lao động của tôi giao động 80 người làm hằng ngày. Lúa thì tôi ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu đi Châu Âu. Đang chuẩn bị nhân rộng ra để kết hợp với nông dân bên ngoài”.
Lớn lên trong cảnh nghèo rồi gia đình thuê đất nhà nước tìm kế sinh nhai, Tuấn “lúa” chỉ học đến lớp 8. Nay ở cái tuổi 49, anh già dặn với làn da ngăm đen vì dãi dầu mưa nắng. Được hỏi về hành trình vươn lên, anh Tuấn chỉ vỏn vẹn trả lời thật thà:
“Năm 2011 mình chuyển đổi canh tác cây lúa, đất phèn chua mà, đâu có năng suất đâu. Quan trọng mình có cố gắng cải tạo đất là được”.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn đã vinh dự được UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen năm 2022 vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017- 2022”. Với những thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh, anh Nguyễn Thanh Tuấn đã rất xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”.