Tự sự của đêm: Quán cháo dưới gốc cây bàng

Ở gần nhà cha mẹ tôi, có một quán cháo dưới gốc cây bàng đã tồn tại 30 năm và là kế sinh nhai của một gia đình 3 thế hệ.

So với vật giá ở Sài Gòn, tô cháo khá rẻ. Trong mỗi tô chỉ có cháo, giò cháo quẩy, ít da heo, huyết rồi thêm chanh, ớt, gừng… nhưng vị cháo riêng biệt, hạt cơm ngọt mềm, dễ làm khách nhớ và thèm ăn lại.

Hãy đón nghe Sóng về khuya số 03, phát sóng vào 23h, thứ Sáu (10/5) trên sóng FM91Mhz và livestream trực tiếp trên Fanpage: VOV Giao thông.

Chương trình phát thanh đêm khuya trên sóng VOV Giao thông, người bạn tâm tình trong đêm vắng giúp bạn lái xe an toàn hơn.

Hồi còn nhỏ tôi thường ra quán cháo ăn sáng dưới tán cây bàng tránh nắng, nghe tiếng lá lao xao khi gió thổi tới. Quán không có bàn, khách ngồi ăn tự cầm tô hay để lên một cái ghế khác cạnh bên. Lúc đó là bà Hai đầu đã hai màu tóc ngồi bán hàng. Bà bán đến khi tóc bạc phơ cả đầu, tôi thì tốt nghiệp đại học đi làm được mấy năm, rồi lập gia đình sống ở nơi khác nên không có dịp ăn thường xuyên nữa. 

Hôm trước tôi về thăm nhà mẹ, mới hay tin bà Hai đã mất cách đây 2 tháng, để lại quán cho con và cháu tiếp tục mưu sinh. Những khách như tôi ngày xưa là bọn trẻ giờ đã trưởng thành, đều có cùng ký ức về người bà hiền lành, nhẫn nại ngồi dưới gốc cây bàng bán cháo ngày ấy.

Quán cháo ăn sáng dưới tán cây bàng (Ảnh nh họa)

Tôi vẩn vơ nhìn quán cháo với những hồi ức tuổi thơ. Thời gian như dòng nước chảy trôi không ngừng, theo lẽ tự nhiên mọi thứ đều đổi khác. Quán cháo cũng ít nhiều thay đổi theo thời gian nhưng cơ bản chẳng khác biệt gì so với trước đây.

Cô Thắm con bà Hai ngồi bán hàng hiện nay cũng đã hơn 50 tuổi, thế hệ cô không kịp thay đổi nghề sang hướng khác. Nhưng những tảo tần đó đang được bù đắp cho các cháu đang tuổi học hành và trưởng thành. Chúng mang theo cái khát khao về một thế hệ mới thôi quẩn quanh trong cái vòng tròn tù mù của nghèo khổ, buôn nắng bán mưa…

Mà ở cái xóm tôi, đâu chỉ có bà Hai, cô Thắm bán cháo, bà Thủy bán rau câu, dì Năm bán hủ tiếu hay ông Út có cái tiệm tạp hóa với một ngàn món hàng… và nhiều mảnh đời khác ngoài kia, cứ luôn tần tảo, cần mẫn, một đời vất vả ngược xuôi để chăm lo cho gia đình mà bỏ quên cả hạnh phúc của bản thân mình.

Nghĩ cũng lạ, ở đất nước này, chỉ cần một cái bàn, vài ba cái ghế hay một tủ xe, một gánh hàng rong… là có thể vẽ lên cuộc đời rất nhiều phụ nữ, đàn ông. Họ là mẹ, là cha, là trụ cột của những gia đình nuôi con học hành tử tế.

Ảnh nh họa

10 năm hay 30 năm, những hàng quán bé nhỏ ấy đều ko thay đổi ít hơn hay nhiều thêm một chiếc ghế, cái bàn. Họ quẩn quanh bên gánh hàng ăn, chấp nhận không thay đổi, không phát triển để duy trì một cuộc sống bình yên và ít biến số. Chỉ gửi gắm mong ước ở thế hệ sau sẽ có một cuộc đời khác đi, tốt đẹp hơn cuộc đời của họ.

Tôi lớn lên trong xóm với những người lao động bình dị như bà Hai, cô Thắm, dì Năm, ông Út… để rồi nhận ra rằng, dù trải qua bao vất vả họ vẫn vô tư, nhẫn nại và tha thiết với cuộc đời. Chẳng dư dả về vật chất nhưng lại nhiều tình nghĩa để cho đi.

Có lẽ vì vậy mà cái xóm nhỏ này chất chứa bao nhiêu kỷ niệm sống mãi trong ký ức tôi dẫu về sau có đi đến nơi đâu.

Tự sự của đêm sẽ đồng hành cùng quý vị với những trải lòng, tản mạn, câu chuyện cuộc sống trong các số chương trình Sóng về khuya mỗi thứ ba, thứ sáu hàng tuần.

Nếu quý vị thính giả có những tâm sự, nghĩ suy, …. cần giải bày và trao đi thì hãy gửi đến email tusucuadem@gmail.com, BTV sẽ lựa chọn những câu chuyện, tản mạn phù hợp và ý nghĩa để chia sẻ trong tiểu mục Tự sự của đêm ở những số phát sóng tiếp theo.