Từ người muốn thuê vỉa hè Hà Nội

Vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng thực tế hiện nay tại một số tuyến phố của Hà Nội có vỉa hè rộng lại xảy ra tình trạng bị lấn chiếm để kinh doanh.

VOV Giao thông đã trò chuyện với một chủ cơ sở kinh doanh và người đi bộ để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chủ cơ sở kinh doanh ở mặt phố lại chấp nhận kê bàn ghế ra vỉa hè để kinh doanh? 

Xin chào khán giả của VOV Giao thông, tôi tên là Nguyễn Thị Thúy. Tôi đang có cơ sở kinh doanh ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Xin chào quý vị thính giả, mình tên là Hà My, nhà mình ở quận Đống Đa. Hàng ngày em cũng hay đi bộ!

Đầu tiên xin phép Hà My là chúng ta hay cùng lắng nghe câu chuyện kinh doanh của chị Thúy. Xin được hỏi chị Thúy, hiện tại cơ sở kinh doanh của mình đang kinh doanh gì và cơ sở kinh doanh của chị rộng bao nhiêu m2?

Diện tích của tôi thì chỉ được có vỏn vẹn là có 8 mét vuông thôi. Trong 8 mét vuông đấy thì tôi có để tủ mác tủ đông với những cái tủ bán hàng bán ghế của tôi.  

Nói chung là tôi bán đồ nước giải khát, nước ép sinh tố thì nó nó nó cũng rất là là chật chội đấy.

Đoạn vỉa hè trên phố Bảo Khánh (Hoàn Kiếm) chỉ còn lại 1 khoảng trống nhỏ cho người đi bộ. Phần lớn diện tích vỉa hè trở thành nơi để xe và nơi bán hàng của người dân.

Vào những ngày đông khách chị Thúy có phương án như thế nào? Tôi cũng quan sát thất vị trí kinh doanh của trị khá gần với phố đi bộ Hồ Gươm?

Kinh doanh như bọn tôi thì thôi thì bây giờ nó hạn hẹp như thế thì chúng tôi cũng phải cố gắng để mà xoay xở, để mà đáp ứng đủ cái nhu cầu của mình thôi, chứ còn đại đa số là phải bán mang về nhiều hơn là được ngồi.

Nhiều khi khách cũng muốn ngồi lại để người ta ngắm đường, ngắm phố một tí, nhưng mà thật sự là cũng không có chỗ để cho khách ngồi lâu. Hạn chế của bọn tôi kinh doanh rằng là cái cái diện tích nó quá hạn hẹp cho nên là không đáp ứng được nhu cầu của những người dân.

Muốn ngồi như thế đại đa số là chúng tôi phải bán mang về nhiều hơn, bày ra vỉa hè là chúng tôi vi phạm.

Còn vào những ngày có phố đi bộ, lượng khách đông lên chị có phương án sắp xếp xe như thế nào?

Hiện tại, ô tô thì các bạn ấy có bãi gửi xe của bên giao thông công chính; còn xe máy thì, một số bạn gửi vào bãi xe, một số người người ta chỉ đi uống nước hoặc là người ta ngồi người ta ngắm đường, ngắm phố, người ta không đi vào phố đi bộ thì người ta vẫn để xe dưới lòng đường.

Khi khách xuống ngồi thi chúng tôi sắp xếp để lên vỉa hè vào những nơi còn trống để tạm thời cho giao thông lưu thông không bị tắc. Với những khu ví dụ như cơ quan người ta đóng cửa, tối người ta không hoạt động thì tôi để nhờ vào đấy, cắt cử nhân viên các cháu xuống trông xe cho khách.

Mặc dù có mặt vỉa hè rất rộng, thế nhưng tại phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) khoảng vỉa hè rộng này cũng trở thành nơi để xe máy của các hộ kinh doanh. Thậm chí, quán café này còn chiếm dụng luôn vỉa hè để kê bàn ghế cho khách hàng.

Đây là những cái khó của chị Thúy, khi nghe xong, về phía Hà My, là một người hay đi bộ em có cảm nhận như thế nào?

Bày bán ra thì chắn lối đi của mình, mình khó đi. Lúc đấy em lại phải đi xuống lòng đường cũng như là cảm thấy bất tiện khi mình đang di chuyển.

Đúng như My nói, vỉa hè là của người đi bộ. Còn về phía chị Thúy, như khó khăn chị nói ở trên cũng do điều kiện kinh doanh chật hẹp, chị có kiến nghị, đề xuất gì không?

Tôi cũng mong muốn rằng là các ban ngành, lãnh đạo của thành phố Hà Nội cũng như chung quận Hoàn Kiếm có những giải pháp mà ví dụ như là tạo điều kiện cho bọn tôi thuê cái chỗ ngồi ngoài vỉa hè, để bọn tôi có cái chỗ ngồi, kinh doanh cho nó rộng rãi thêm ra một tí để cho những người người ta muốn ngồi lại người ta thưởng thức.

Kể cả khi chúng tôi bỏ tiền ra để thuê cái mặt bằng vỉa hè của Nhà nước để kinh doanh, chúng tôi vẫn đảm bảo.

Thứ nhất là vệ sinh, chúng tôi bán hàng xong vẫn dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ và riêng cái phần của người dành cho người khuyết tật đi bộ là không bao giờ chúng tôi vi phạm vào đấy. Vì khi đã làm cái đường dành riêng cho người khuyết tật đi bộ thì không bao giờ chúng tôi sẽ vi phạm vào cái đường đấy cả.

Tức là chúng tôi vẫn thuê của Nhà nước, chúng tôi vẫn để lại cái lối để cho dân người ta đi bộ đi lại trên vỉa hè chứ không phải là ngồi kín bưng để dân phải đi xuống lòng đường.

Theo em thấy nếu xe cộ, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, hợp lý chừa lối riêng cho người đi bộ thì em thấy khá ok, không vấn đề gì. Còn nếu cho thuê vỉa hè mà xe cộ, bàn ghế sắp xếp không hợp lý, chiếm hết lòng lề đường của người đi bộ em thấy khá bất tiện.

Nm mong muốn các cơ quan chức năng có thể tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về việc không lấn chiếm vỉa hè để thuận tiện cho những người đi bộ như em ạ!

Rất cảm ơn những chia sẻ đến từ chị Thúy và Hà My!

Cũng ở khu vực đầu phố Hàng Dầu, các hàng bán quần áo, balo, giày dép,... chiếm dụng vỉa hè để bày hàng hóa, người đi bộ, khách du lịch đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Từ năm 2023, VOV Giao thông đã có nhiều bài viết xoay quanh việc cho thuê vỉa hè tại Hà Nội và cũng nhận về nhiều ý kiến bình luận khác nhau.

Trong đó, có ý kiến cho rằng nhu cầu của các hộ dân sinh sống, kinh doanh sát vỉa hè muốn được thuê một phần vỉa hè để mở rộng kinh doanh là chính đáng và bản thân người đi bộ, nhiều người cũng không phản đối việc này nếu phần hè dành cho đi bộ vẫn đảm bảo.

Trong câu chuyện này, theo người dân cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ để cho thuê mà vỉa hè vẫn trật tự ngăn nắp và tiền cho thuê hè quay trở lại phục vụ lợi ích công.