Ngõ Trạm bây giờ thực chất chỉ là một nhánh nhỏ của Ngõ Trạm "gốc" xưa kia, bây giờ là phố Hà Trung. Ngõ bắt đầu từ bên hông chợ Hàng Da, lối ngã ba một bên là phố Hà Trung, kéo ra đến đường Phùng Hưng, con ngõ không dài lắm, nhưng khá rộng rãi...
Trên thực tế, Ngõ Trạm còn rộng hơn rất nhiều phố khác, nên giao thông qua lại con ngõ này khá thoải mái, không mấy khi bị ùn tắc, ngay kể cả hai bên đường người dân kinh doanh khá nhộn nhịp. Nên gọi là ngõ có vẻ hơi "thiệt thòi" cho Ngõ Trạm.
Tuy vậy, đây vốn là tên được đặt từ xa xưa và vẫn được giữ lại cho tới ngày nay, cũng trở nên quá quen thuộc với người dân phố cổ Hà Nội.
Nói đến Ngõ Trạm, người Hà Nội thường nhớ ngay đến câu "Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương". Về câu ngạn ngữ này, có nhiều cách giải thích. Có người nói rằng, do trước kia ở đây là trạm dịch, nơi có nhiều người làm nghề chuyển công văn, giấy tờ, hay làm việc đưa các quan lớn đến các trạm dịch.
Họ ỷ thế công việc, dựa vào quan trên nên hống hách hay bắt nạt người dân xung quanh...
Còn "gái Tạm Thương" là các cô làm ở kho thóc tạm nơi ngõ Tạm Thương. Các cô này cũng rất ghê gớm, nanh nọc. Nên câu "Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương", mang hàm nghĩa "xấu", ám chỉ những người ghê gớm.
Nhưng cũng theo một cách giải thích khác, là ở Ngõ Trạm trước kia có nghề làm da, yên ngựa, những thanh niên ở đây, làm nghề này rất chăm chỉ, khỏe mạnh, họ làm công việc ngoài trời nhiều nên da đen bóng, ai đi qua cũng phải nhìn ngắm, trầm trồ khen ngợi. Còn các cô gái ở ngõ Tạm Thương vốn làm nghề thêu thùa, cũng đều là những người xinh đẹp, chăm chỉ... Vậy nên, câu "Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương" hàm ý khen ngợi những người lao động cần cù, chịu khó...
Nói chung, dù hiểu theo cách giải thích nào cũng đều thú vị, và khiến ta luôn cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người, lối sống của mảnh đất Thăng Long - ngàn năm tuổi với quá nhiều những giá trị góp phần làm nên nét độc đáo của mảnh đất này...