Trái cây xuất ngoại vi phạm kiểm dịch thực vật: Đừng thấy lợi trước mắt mà quên hệ lụy lâu dài

Thời gian gần đây, một số trái cây vi phạm mã số vùng trồng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã bị cảnh báo về kiểm dịch thực vật, tạo ra nguy cơ lớn cho trái cây Việt không chỉ cho thị trường tỉ dân mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.

Tính đến tháng 7-2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc...Tuy nhiên, nông sản Việt sẽ đối diện với nguy cơ bị kiểm soát chặt hơn và thậm chí mất thị trường là những hệ lụy được báo trước nếu không có giải pháp xóa bỏ tình trạng vi phạm kiểm dịch thực vật.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 42.000 héc ta diện tích sản xuất cây ăn trái các loại. Giống xoài cát chu, cát Hòa Lộc được cấp bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, Đồng Tháp đã chủ động trong việc đăng ký mã số vùng trồng và mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP là 473 ha. Tỉnh có 296 vùng trồng xoài với diện tích 8.228 ha được cấp mã số vùng trồng phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, EU và Nga.

Ông Nguyễn Văn Chì, HTX xoài Tân Thuận Tây, người có nhiều năm gắn bó với trái xoài, cho biết: Để xuất khẩu, trái xoài chúng ta phải đạt những cái chuẩn, coi như bây giờ không có cái chất thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất an toàn. Chúng tôi đang làm phân hữu cơ để thay thế phân vô cơ để mình có trái xoài ngon, chất lượng. Nói chung, nếu đầu ra càng nhiều thì càng tốt, nó sẽ đáp ứng được trái xoài nội địa của mình để mà đi xuất khẩu thì trái xoài của mình giảm bớt đi những cái vấn đề trúng mùa rớt giá.

Việc sản xuất nông sản muốn vươn xa đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của các nước nhập khẩu. Bởi theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ở Hậu Giang, đơn vị có nhiều năm xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường lớn cho rằng với thị trường xuất khẩu, dựa vào chất lượng hàng hóa đối tác sẽ quyết định số lượng chúng ta xuất được nhiều hay ít.  Lô hàng nếu không đạt họ sẽ không nhận.

Ông Trần Bá Sơn cho biết: Những thị trường xuất khẩu dĩ nhiên là chất lượng nó quan trọng hơn rồi, chất lượng sẽ quyết định số lượng mình xuất được nhiều hay ít tại vì những thị trường xuất khẩu ví dụ như thị trường khó tính như EU, Mỹ, Trung Quốc giờ nâng cao lên chất lượng rất là cao. Các tiêu chuẩn về Globalgap, dư lượng thuốc, ATVS thực phẩm, kim loại nặng…Lô hàng cho dù mình 10kg hay 100 tấn nếu không đạt sẽ không nhận, hủy hết.

Chính sự khắt khe của thị trường mà các địa phương ở ĐBSCL trong đó có Tiền Giang rất chú trọng trong việc cấp các mã số. Toàn tỉnh đã được cấp 279 mã số vùng trồng đối với cây ăn trái trên tổng diện tích hơn 20.300 ha. Mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc nhiều nhất là 183, diện tích trên 19.150 ha, với 7 chủng loại cây trồng, gồm: Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã được cấp 307 mã số cơ sở đóng gói, trong đó thị trường Trung Quốc có 299 mã số, các thị trường khác có 8 mã số. 

Theo Sở NN & PTNT tỉnh Tiền Giang, để công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hiệu quả hơn trong thời gian tới, tiếp tục tập trung hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đảm bảo đạt hiệu quả cao; giao các đơn vị thuộc Sở theo dõi, hướng dẫn cho nông dân vùng trồng áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo quy trình chăm sóc, phù hợp với điều kiện từng địa phương; trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và thu hồi hoặc hủy đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không đảm bảo các yêu cầu.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, tính từ năm 2021 đến tháng 7-2023, cục đã nhận được 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu (gồm: chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt) hoặc các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không phải do Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp, với khoảng 750 lô hàng vi phạm.

Cụ thể, Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 267 vi phạm (chiếm 35,6%); Tây Ninh có 204 vi phạm (chiếm 27,2%); Đồng Nai có 186 vi phạm (chiếm 24,8%); Bình Thuận có 23 vi phạm (chiếm 3,1%); Đắk Lắk có 23 vi phạm (chiếm 3,1%); Long An có 19 lô vi phạm (chiếm 2,5%); các tỉnh khác có 28 vi phạm (chiếm 3,7%).

Đối với an toàn thực phẩm từ năm 2021 đến tháng 7-2023, cục đã nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang một số nước như: EU; Canada; Hàn Quốc; Nhật Bản; Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả các lô hàng này đều bị trả về do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay sau đó, Cục BVTV đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến các lô hàng trên thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương hỗ trợ giám sát quá trình truy xuất.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng, tình hình vi phạm kiểm dịch thực vật trên cây ăn trái khi đưa đi xuất khẩu trong thời gian qua là đáng báo động: Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm chất lượng và đặc biệt là duy trì tất cả các điều kiện để đáp ứng theo các nghị định thư, cũng như các văn bản mà chúng ta cam kết là điều kết sức quan trọng. Nếu không làm tốt việc này thì chúng ta sẽ bị rất nhiều vi phạm liên quan đến việc kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng như điều khoảng trong nghị định thư mà chúng ta đã ký kết thì sẽ dẫn tới 1 là họ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hành hóa nông sản của chúng ta, thứ 2 cao hơn và rủi ro rất là lớn họ sẽ dừng nhập khẩu dẫn đến cấm nhập khẩu các hàng hóa nông sản của chúng ta thì đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Do vậy, để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Đừng thấy lợi trước mắt mà quên hệ lụy lâu dài.