TPHCM lại phải ‘chạy nước rút’ giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 10, TP.HCM đã giải ngân 17.200 tỷ đồng trong tổng số 79.263 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, chỉ đạt khoảng 22% và thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trong số 63.000 tỷ đồng còn lại, có 32.000 tỷ đồng dùng cho nhóm các dự án cần giải phóng mặt bằng.

 Vậy trong 60 ngày còn lại TP.HCM sẽ giải quyết bài toán vốn đầu tư công thế nào? 

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2024, thành phố đã giải ngân được khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt khoảng 22% kế hoạch vốn giao năm 2024. So với mục tiêu thành phố đề ra giải ngân tối thiểu 95% thì khối lượng công việc cần thực hiện trong 2 tháng cuối năm là rất lớn.

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, công trường của TP.HCM, không khí làm việc đang diễn ra khẩn trương. Nhiều dự án trọng điểm đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Dự án mở rộng Quốc lộ 50, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm...

Nhiều công trình giao thông đang ráo riết thực hiện giải phóng mặt bằng

Ghi nhận tại Quận Bình Thạnh, những ngày qua người dân đang hối hả tiến hành di dời nhà để trao trả mặt bàng cho dự án mở rộng nâng cấp tuyến đường Chu Văn An, đến nay đã có 161/166 hộ đồng ý chính sách phương án nhận tiền bồi thường. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư công lớn của địa phương với hơn 1.067 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Gia Huy Tuấn - Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực Quận Bình Thạnh cho biết, dự kiến tháng 12 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho phía chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Quận cũng sẽ phối hợp các bên có liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ cho các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mà thành phố đã đề ra.

“Với dự án Chu Văn An, hiện nay Quận Bình Thạnh đã giải ngân được 800 tỷ vốn bồi thường công tác, bồi thường cũng đang được triển khai, dự kiến tháng 12 sẽ bàn giao mặt bằng cho bên Ban quản lý dự án (chủ đầu tư dự án) triển khai công tác thi công. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND Quận cũng đã chỉ đạo với ban quản lý dự án phối hợp với ban chỉ đạo chuyên môn tập trung hoàn thiện các hồ sơ trong các bước chuẩn bị đầu tư để phê duyệt, sau đó triển khai đấu thầu để giải ngân vốn xây lắp đảm bảo cam kết với UBND Thành phố trên 95%”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh các dự án đang được đẩy nhanh thực hiện, thành phố hiện còn 2 dự án cầu đường Nguyễn Khoái với vốn đầu tư 3.725 tỉ đồng và nút giao thông ngã tư Đình có tổng vốn 397,5 tỷ vẫn ‘án binh bất động’ trong suốt thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Khánh Hưng  - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết phía Sở đang tiến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh của dự án, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét góp ý để đảm bảo đồng bộ về quy hoạch.

"Hiện tại, chúng tôi có 13 dự án trong đó có 11 dự án đã có sự phối hợp và giải quyết xong, còn 2 dự án là dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái thì Sở GTVT sẽ tập trung thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt dự án trước ngày 15/11/2024. Dự án xây dựng nút giao thông ngã tư Đình thì Sở giao thông sẽ tập trung thẩm định phê duyệt dự án trong năm 2024".

Giai đoạn 2 của dự án cải tạo Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được khởi công từ tháng 2/2023 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.

Rạch Xuyên Tâm và dự án bờ bắc Kênh Đôi là 2 dự án trọng điểm, chiếm nguồn ngân sách rất lớn thành phố cũng đang gặp vướng trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Khi luật đất đai có hiệu lực từ ngày 1-8 và điều chỉnh bảng giá đất mới đây của thành phố thì mức hỗ trợ đối với nhà ở trên, ven kênh rạch được tăng mức hỗ trợ, điều này cũng thúc đẩy quá trình giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng được tốt hơn.

Ông Võ Trung Trực – Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cho biết: “Trước kia, chúng ta chỉ hỗ trợ 42% thì bây giờ chúng ta hỗ trợ đến 70%, thậm chí trước kia theo quy định pháp luật là hỗ trợ 0 đồng và bồi thường 0 đồng thì bây giờ mức thấp nhất cũng được 42% nhằm mục đích đảm bảo cho bà con bị di dời nhà ở trên, ven kênh rạch có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.”

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, việc giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tại các công trình giao thông trọng điểm của Thành phố, công tác giải phóng mặt bằng là một trong những rào cản lớn trong việc giải ngân nguồn vốn được giao.

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết: "Trong 12.380 tỷ đồng của ngành giao thông được thực hiện, có 2.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng và khoảng 1000 tỷ đồng là các dự án khởi công mới và 2 nhóm vốn này rơi vào cuối năm khi chúng ta lựa chọn được nhà thầu, hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng".

Để hoàn thành tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại năm 2024, Ban giao thông phối hợp với địa phương, sở ngành xây dựng xây dựng chi tiết cho từng gói thầu, từng dự án.

Ông Phúc cho biết thêm: "Giải ngân là một thách thức lớn. Mục tiêu của Ban giao thông là giải ngân được 95% tổng vốn được giao vào cuối năm nay. Hiện nay, các anh em đang xây dựng chi tiết cho từng gói thầu, từng dự án, từng ngày, từng tuần cũng như nêu ra 100 đầu việc với 8 địa phương với 10 sở ngành và ban chỉ đạo thành phố cũng đôn đốc kiểm tra hỗ trợ hàng tuần để chúng ta đảm bảo tiến độ này".

Với những vướng mắc liên quan đến luật đất đai và luật đô thị đã được tháo gỡ, đây được xem là điều kiện thuận lợi để thành phố có thể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: "Có khoảng 54 dự án thì Sở quy hoạch kiến trúc đã rà soát có các phụ lục rồi, có 12 dự án chuyển chủ đầu tư thì khi chuyển chủ đầu tư thì hiện nay chúng ta chưa hoàn thiện pháp lý thì dẫn đến chủ đầu tư nào sẽ trình 1/500 để cho UBND các quận huyện hay ban giải phóng mặt bằng phê duyệt thì giờ nó đang bị ách tắc chỗ đó. Về tiến độ triển khai công tác quy hoạch, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hệ thống cấp nước nó chưa phù hợp với đồ án các phân khu, một số dự án như bờ bắc kênh đôi và rạch xuyên tâm sẽ chiếm khoảng 17% tỉ lệ giải ngân của chúng ta".

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau như lập kế hoạch đầu tư giải ngân vốn, xác định chi tiết những khó khăn, vướng mắc từng dự án, đề xuất khen thưởng những đơn vị có tiến độ giải ngân tốt hoặc kỷ luật những đơn vị giải ngân không kịp thời nhằm đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2025.

Khi luật đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8 và điều chỉnh bảng giá đất mới đây của thành phố thì mức hỗ trợ đối với nhà ở trên, ven kênh rạch được tăng, từ đó thúc đẩy quá trình giải ngân nguồn vốn.

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội. Vậy nên trong ‘chặng nước rút’ còn lại, lãnh đạo TP.HCM cũng như các sở ngành cần quyết tâm gấp đôi để đạt mục tiêu hoàn thành giải ngân nguồn “vốn mồi” - “động lực quan trọng” cho tăng trưởng thành phố.

Liên quan đến nội dung này, VOVGT có bài bình luận “Vốn đầu tư công "nằm im" - Điểm nghẽn của phát triển kinh tế”.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các địa phương, đặc biệt là kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM. Vốn đầu tư công, với vai trò là đòn bẩy quan trọng cho phát triển hạ tầng, kích thích sản xuất và tạo động lực tăng trưởng, khi bị "nằm im" sẽ gây ra những hệ lụy đáng ngại đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là câu chuyện riêng của TP.HCM mà còn là vấn đề chung của cả nước. Vào thời điểm những tháng cuối năm, Thành phố lại phải lao vào cuộc ‘chạy nước rút’ để tăng tốc giải ngân nguồn vốn bị giam trong suốt thời gian qua. Nếu không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có thể dẫn đến các dự án bị kéo dài, đội vốn, giảm hiệu quả.

Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của các chính sách đầu tư. Các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục… khi không được triển khai đúng tiến độ sẽ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Ngoài ra, vốn đầu tư công chậm được giải ngân đồng nghĩa với việc dòng tiền không được lưu thông hiệu quả trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công gặp khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Không những vậy, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công còn khiến các nhà đầu tư e ngại, do dự khi quyết định đầu tư vào các dự án.

Đối với một đô thị năng động và có vai trò đầu tàu kinh tế như TP.HCM, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công càng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường… của thành phố là rất lớn thì việc chậm giải ngân sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng hiện hữu từ đó phát sinh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các sở, ban ngành thành phố. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực của các nhà thầu, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao tính nh bạch và hiệu quả của việc sử dụng vốn cũng cần được chú trọng trong tương lai.

Giải ngân nhanh chóng và hiệu quả vốn đầu tư công là ‘chìa khóa’ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố lớn như TP.HCM. Nếu ‘cơn bệnh’ chậm giải ngân vốn đầu tư công không được trị dứt điểm có thể sẽ ‘di căn’ sang những lĩnh vực khác, từ đó kìm hãm sự tăng trưởng thành phố trong tương lai.