Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình các dự án cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung khoảng 2.900 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho phần vốn nhà nước trong dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để phân bổ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của hai địa phương.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh một phần hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, để không ảnh hưởng các khu đất quân đội ở huyện Củ Chi.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 50 km, bắt đầu từ điểm giao tỉnh lộ 15 với Vành đai 3, kết nối với quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe, vận tốc 120 km/h.
Tuyến đường sẽ thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.729 tỉ đồng. Trong đó nhà đầu tư bỏ ra khoảng 9.300 tỉ đồng, gồm: Chi phí xây lắp khoảng 6.355 tỉ đồng và 2.941 tỉ đồng tiền quản lý, tư vấn, dự phòng và lãi vay.
TP.HCM và Tây Ninh sẽ chi 7.433 tỉ đồng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng (trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 5.901 tỉ đồng và Tây Ninh là 1.532 tỉ đồng).
TP.HCM được giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Hội đồng thẩm định liên ngành đang thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau đó trình Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Thành phố dự kiến các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành quý III/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý II/2024.
Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện từ quý IV/2023 đến quý III/2025. Công trình được thi công hoàn thành trong ba năm, từ 2024 đến 2027.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ giúp tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia, đồng thời phá thế độc đạo của quốc lộ 22 nối thành phố với Tây Ninh.