Tp.HCM: Cần phát triển đô thị dọc theo hệ thống giao thông công cộng

VOVGT - Sáng nay (29/11), tại TPHCM, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo "Đô thị bền vững và sống tốt".

Ảnh nh họa

Hiện nay trên cả nước có 819 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá năm 2018 là 38,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các đô thị gấp 1,5 lần so với trung bình cả nước, đóng góp khoảng 80% GDP cả nước. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, chưa theo quy hoạch.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm tác động môi trường bằng cách đổi mới khung thể chế, chính sách.

Cụ thể, phát triển đô thị phải gắn với phát triển giao thông công cộng và đường thuỷ, xây dựng công trình riêng lẻ theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu, thiết bị ít phát thải carbon. Cả nước đổi mới quy hoạch đô thị theo hướng quy hoạch xanh, đảm bảo sự cân bằng cấu trúc hệ sinh thái, phát triển hệ thống không gian cây xanh, mặt nước và có giải pháp quản lý hệ thống này. Song song đó, chính quyền phải đổi mới mô hình quản lý đô thị theo hướng đô thị thông nh.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thực tế hiện nay hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị lớn chưa hoàn thiện đồng bộ, thiếu tính kết nối vùng. Tại TPHCM phương tiện cá nhân chiếm tới 93%, phương tiện công cộng rất hạn chế, do đó rất khó khăn để mở rộng quy hoạch. Những bất cập này phải được sớm giải quyết trong xây dựng đô thị theo hướng bền vững và sống tốt.

Ông Chính nói: ”Cách tổ chức của chúng ta chưa hoàn thiện, là bài toán dở dang trong quá trình đầu tư. Chúng ta phải nhìn nhận lại việc quản lý như thế nào, vấn đề đầu tư như thế nào. Cần nhìn nhận bài toán đô thị với góc độ rộng lớn hơn trên bình diện toàn vùng”./.