Chị Bích Vân, 28 tuổi, quê ở Hưng Yên, đã từng 2 lần lên Hà Nội và dừng lại trước cổng một bệnh viện lớn, chần chừ rồi lại bỏ về. Chị không dám bước vào khám chuyên khoa tâm thần, vì sợ bố mẹ chồng biết, hàng xóm đánh giá, và nếu họ biết rồi thì chị nghĩ, họ sẽ cướp đi những đứa con của mình.
Chỉ đến khi biểu hiện trầm uất nặng, không thể chịu đựng một mình, chị mới biết bản thân bị trầm cảm. Nhiều vấn đề đến cùng lúc khiến chị bị dồn nén tâm lý quá lâu: bố mất, lấy chồng sinh con nhưng chưa chuẩn bị sẵn tinh thần.
>>> Tổn thương tâm lý mùa dịch (Kỳ 1): “Sóng ngầm” dữ dội trong mỗi gia đình
'Lúc ban đầu khi sinh đứa lớn, mình hay buồn nhưng công việc nó cuốn đi chả để ý. Đến khi bầu đứa thứ hai, có những đêm cơn trầm cảm đến, mình cầm dao định rạch bụng. Mình còn đến viện C, khóc lóc xin bác sĩ mổ đứa bé ra vì không thể chịu nổi mệt mỏi nữa.
Quá trình mang thai, ăn ngủ không tốt, bị hàng loạt các bệnh như máu nhiễm mỡ, tiểu đường thai kỳ, viêm đường tiết niệu, em bé cũng chậm hấp thu và sinh non, phát triển chậm hơn. Thời điểm sau đấy, mình càng tự trách bản thân hơn, cho đến khi mình quyết định tự tử thì gia đình phát hiện, mới đưa mình đi bệnh viện', chị Bích Vân chia sẻ.
Khi đi khám tâm thần, được làm bài test, đo điện não đồ, được cho thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, nhưng chị Vân cảm thấy không hiệu quả, trái lại còn thường ngủ li bì, mê man, suy giảm trí nhớ và mắc hội chứng sợ dùng thuôc, nên đã tìm hiểu về tâm lý và đến gặp bác sĩ tâm lý.
Chị Bích Vân kể lại: 'Trước khi điều trị, mình hay nghĩ là nếu mình mất đi rồi mọi người sẽ không cần phải lo lắng cho mình, và mình cũng không phải lo lắng về họ nữa, hay trách nhiệm gì với họ nữa.
Nên chỉ khi gặp nhà tâm lý, mình mới có thể xác định được điều gì quan trọng với mình nhất, họ sẽ gợi ý cho mình. Cứ mỗi khi đến cơn như thế mình lại ngồi viết theo cách bác sĩ hướng dẫn.
Đó là nếu mình mất đi rồi con mình sẽ ra sao, gia đình sẽ thế nào bởi vì con và gia đình mình là động lực lớn nhất để khiến mình tiếp tục được'.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, nhà sáng lập ứng dụng tư vấn Dr.PSY cho biết, chị Bích Vân là một trong khoảng hơn 6.000 khách hàng đã được tư vấn thông qua ứng dụng. Cao điểm, 1 tư vấn viên tiếp nhận tới 9 trường hợp/ngày, cho thấy nhu cầu trị liệu tâm lý rất lớn.
Ông Hoàng dẫn số liệu Tổ chức y tế thế giới công bố, tỉ lệ rối loạn tâm lý ở Việt Nam lên tới 15-20% dân số.
Trong và sau đại dịch, tỉ lệ người dân gặp rối loạn, stress gia tăng...
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe Tâm thần quốc gia
Theo bác sĩ Vũ Thy Cầm, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, trong và sau đại dịch, tỉ lệ người dân có rối loạn liên quan đến stress đã gia tăng, họ bị sốc trước biến đổi, tác động của môi trường, kinh tế-xã hội, và sự rạn nứt quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Trong số các bệnh nhân, bác sĩ Cầm vẫn nhớ một trường hợp nam 45 tuổi làm trong ngành du lịch, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cũng giống như chị Vân, bệnh nhân này có suy nghĩ rất tiêu cực, cho đến khi được tham vấn trị liệu.
'Chính vì đại dịch bạn đã mất việc. Lúc đầu là buồn lo, rối loạn giấc ngủ, sau nữa thì bạn ấy là trụ cột kinh tế trong gia đình, chính vì vậy bạn cảm thấy suy sụp về mặt tinh thần rất nhiều. Sau đó có phản ứng tiêu cực muốn tự sát để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên trong quá trình khám, được tư vấn đầy đủ thì cho tới nay bạn cũng đã khá lên và đi làm trở lại', bác sĩ Vũ Thy Cầm cho biết.
Tương tự, suốt 2 năm qua, bác sĩ Bùi Phương Thảo và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương phải xử lý công việc gấp nhiều lần so với bình thường, do lượng bệnh nhân tăng vọt.
Bác sĩ Thảo dẫn kết quả phân tích của 66 nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam: Tỉ lệ người dân trầm cảm do đại dịch là 31,4%, rối loạn lo âu lan tỏa do đại dịch là 31%. Nữ chiếm tỉ lệ nhiều hơn nam, nhóm từ 18 – 24 tuổi dễ mắc trầm cảm lo âu nhất, và khi nhóm này tăng thì họ nghĩ đến chuyện tự sát và sử dụng chất kích thích.
Bác sĩ Thảo cho biết thêm: '90-95 % bệnh nhân tự sát là do có vấn đề về tâm thần. Và 3 nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong ở Việt Nam và cũng như thế giới đó là: tai nạn giao thông, đột quỵ não và tự sát.
Mỗi ngày Việt Nam có khoảng hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông thì cũng tương ứng với bấy nhiêu ca tử vong vì tự sát. Tâm thần rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến sống còn và sinh mệnh của con người nếu như không được theo dõi và điều trị kịp thời'.
Tiến sĩ Trần Văn Công, Đại học giáo dục, phân tích: khó khăn của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nằm ngay ở khả năng tiếp cận với người dân. Không phải ai cũng có tiền, có thời gian và sự mở lòng để tìm đến dịch vụ tư vấn, trị liệu, để biết mình bị vấn đề tâm lý hay tâm thần, cần dùng thuốc hay chỉ cần tư vấn.
"Việc khám và xác định đúng bệnh thường cần khá nhiều thời gian. Ví dụ chúng tôi được đào tạo thì phải thông qua các trắc nghiệm, trò chuyện, những quan sát, phỏng vấn lâm sàng rất chi tiết, có khi tốn hàng nhiều giờ để có thể xác định đúng một vấn đề. Thế cho nên nếu mà khám nhanh mà không xem xét kỹ các thông tin thì có thể sẽ bị sai lệch', Tiến sĩ Công nói.
Có một thống kê rất tích cực ở các trung tâm, phòng khám tâm lý, tâm thần là tỉ lệ bệnh nhân tự vượt qua stress, hồi phục sau trầm uất rất cao. Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để tăng khả năng tiếp cận, mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ, kịp thời chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người có nhu cầu, không để họ phải cô đơn, bơ vơ chống chọi với những cơn trầm uất.
--
Những câu chuyện tích cực, những giải pháp mà xã hội đang thực hiện sẽ được phản ánh tại kỳ cuối: “Tia sáng xoa dịu những tổn thương”.