6 tháng đầu năm, đã có thêm gần 1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế; riêng trong tháng 6 có tới 270.000 tỷ đồng được cho vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn không tiếp cận được vốn.
Chia sẻ về nguyên nhân, ông Nguyễn Danh Thuận, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ademax, bày tỏ các chính sách chỉ tập trung nhiều vào dự án lớn, các ngân hàng đưa ra gói tín dụng với yêu cầu tương đối cao, trong khi đó năng lực quản lý, xây dựng báo cáo nh bạch của các doanh nghiệp nhỏ để tiếp cận nguồn vốn khó:
"Việc tiếp cận vốn khá khó khăn, những người có đủ hiểu biết, thông tin từ phía ngân hàng tiếp cận đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hiện vẫn còn khó khăn, một là từ phía thông tin, hai là từ phía chính sách. Thậm chí là có những gói khá tốt, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được".
Theo các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi vẫn đến từ nội tại của các doanh nghiệp nhỏ khi những yêu cầu cơ bản như nh bạch thông tin, chiến lược kinh doanh hiệu quả, xây dựng uy tín… vẫn chưa được chú trọng.Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng:
"Những doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trước đến giờ bản thân họ đã không đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngân hàng và phần lớn chỉ vay được dựa trên tài sản họ có, cho nên có bơm tín dụng nữa cũng chỉ vào các doanh nghiệp lớn. Thế nên, tăng trưởng tín dụng phải rõ là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mới phản ánh được thực sự".
Qua kinh nghiệm theo dõi ngành ngân hàng nhiều năm, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi ngân hàng có nhiều tiền sẽ muốn cho vay nhưng chỉ cho vay khi thấy rằng thị trường có rủi ro chấp nhận được. Đấy cũng là những e ngại từ phía ngân hàng trong việc quyết định giải ngân:
"Nếu mà nền kinh tế và những thị trường họ cung cấp vốn mà thấy rằng đây là những thị trường có rủi ro cao thì họ rất ngần ngại trong việc cho vay. Thành ra các ngân hàng muốn cho vay nhưng thực sự ra họ rất hạn chế cho vay vì vde rủi ro. Vì thế có hiện tượng ngân hàng nhiều vốn không cho vay được mà trong ngành ngân hàng chúng tôi gọi mà “ế vốn”".
Một nguyên nhân khác khiến khách hàng và ngân hàng chưa gặp được nhau, theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình là do yêu cầu về chuẩn mực cho vay của ngành ngân hàng:
"Tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực, đáp ứng chuẩn Basel II, Basel III. Song song với đó, ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu, còn nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng, tiêu chuẩn cho vay.Để nhà băng "gật đầu" cho doanh nghiệp SME vay vốn là không khó nhưng các quy trình vay vẫn cần tuân thủ quy định pháp luật hiện chặt chẽ, đặc biệt với việc cho doanh nghiệp vay, nếu không, ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm".
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều kiện và yêu cầu cho vay là điều kiện bắt buộc của pháp luật đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng để đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ cho từng ngân hàng cũng như toàn bộ ngân hàng trong nền kinh tế quốc dân. Vì lẽ đó các điều kiện này chúng ta phải thực hiện một cách tốt nhất. Do đó, ông kiến nghị:
"Tất nhiên về phía ngân hàng chúng tôi mong muốn các ngân hàng phải tích cực chủ động cho vay theo dòng tiền, cho vay theo các hợp đồng, các kế hoạch sản xuất kinh doanh để từ đó đáp ứng được nhu cầu về vốn cho hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Nhưng nó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ về hợp đồng sản xuất kinh doanh,… từ đó có được hoạt động để đầu tư tốt nhất và chúng ta sẽ có được kế hoạch và vay nợ phù hợp".
Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện thị trường tài chính tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cùng đó, văn hoá cho vay ở Việt Nam là chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản mà chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại…
Điều này là gợi ý cho những gói cho vay linh hoạt hơn từ các ngân hàng. Từ đó có những sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của SMEs./.