Tìm hướng đi cho chợ truyền thống (Kỳ 1): Chợ sáng vắng như… chợ chiều

Khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên. Vì vậy, thị phần chợ truyền thống ngày càng bị thu hẹp và bị cạnh tranh gay gắt bởi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và thương mại điện tử

Cùng với sự phát triển của thời đại số, nhiều phương thức kinh doanh bắt đầu nở rộ. Giờ đây, thay vì đến chợ truyền thống, người dân hoàn toàn có nhiều lựa chọn thay thế, thậm chí không cần ra khỏi nhà vẫn được giao hàng hóa tận nơi.

Thực tế này đòi hỏi chợ truyền thống phải có sự thích ứng, nhanh chóng bắt nhịp nếu không muốn ếng bánh thị trường ngày càng thu hẹp. Câu chuyện này sẽ được chuyên mục Thị trường của Mekong FM phản ánh qua loại phóng sự: Tìm hướng đi cho chợ truyền thống.

Nếu như thời điểm trước, bà Trần Thị Thu Trang ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang hay có thói quen hay đi chợ để mua vải về may quần, áo cho bản thân, gia đình, thế nhưng, giờ đây với sự phát triển của xã hội và bận rộn với guồng quay công việc nên xu hướng tiêu dùng đã có sự chuyển đổi. Bà Trang, chia sẻ: Hồi xưa, mình phải đi chợ mua vải về may.

Còn bây giờ thì không cần nữa, cuối tuần hoặc là khi nào mình lãnh lương hay gì đó, cần thiết thì mình đến những siêu thị hoặc là các trung tâm mua sắm, cửa hàng, shop lớn. Vô đó đủ đồ hết trơn, may sẵn, cần gì là nó có đáp ứng nhu cầu của mình, rất là tiện lợi. Ở ngoài mua thì mất thời gian thôi, mình đi sẽ nhìn thấy tận mắt, cái món mình cần thiết nó sẽ đáp ứng theo nhu cầu mình hơn.

Ghi nhận tại chợ phường 3 thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang những sạp bán vải, quần áo may sẵn, giày dép cũng vắng người đến mua hơn trước. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh, nhất là các mặt hàng vải, quần áo may sẵn thì từ nhiều tháng nay, tình hình kinh doanh rơi vào ế ẩm, dù đã làm đủ mọi cách để duy trì. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều chợ ở ền Tây, sức mua giảm và dường như đã qua thời “trăm người bán, vạn người mua”. Tình hình buôn bán càng ngày càng khó, tiểu thương chỉ còn biết cố gắng cầm cự, được ngày nào, hay ngày đó.

Bà Đỗ Thị Bé mua bán quần áo may sẵn trên 45 năm nay ở Vị Thanh cho biết: Quần áo này thì chỉ có chờ tháng 10, tháng 11, tháng chạp. Bình thường cỡ này là bán ế, ăn lỗ vốn không đó, tết thì bán đắt bù qua. Ế mình lỗ cũng phải chịu vậy. Tiền thuế rồi tiền điện, tiền nước rồi tiền này tiền kia nhiều lắm mà bán 1 ngày được chừng 4-5 triệu bạc là thấy lỗ rồi đó.

Nói về việc kinh doanh, ông Trần Văn Em, ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chuyên kinh doanh đường thốt nốt, cho biết: Ra chợ bán mình không tiếp cận được những người ở phương xa này nọ đó. Nếu mình bán tại chợ, người dân này nọ cũng đã sử dụng qua hết rồi, bán cũng đâu có được nhiêu đâu.

Tình trạng vắng khách diễn ra ở nhiều địa phương ền Tây

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, những cơ sở kinh doanh đồ gỗ nội thất như anh Nguyễn Hoàng Diễm, cũng chung tình cảnh tiêu thụ chậm. Mặc dù mẫu mã mới được cơ sở liên tục cập nhật, tung ra nhiều chương trình bán hàng ưu đãi, hấp dẫn để thu hút khách. Anh Diễm cho biết lý do: Ít so với những năm trước, từ những năm dịch mua bán chậm lại nhiều dữ lắm, lúc này mình mới bắt đầu bán lại được thôi, nhưng năm nay rất ít, so với mọi năm thì bán ăn uống, giống như Bách hóa xanh, bán rau cải thì bán được, đồ ăn lúc nào người ta cũng ăn, còn như hàng nằm cất nhà mới mới mua…

Tương tự mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, nội thất… các các tiểu thương kinh doanh trái cây cũng chẳng lạc quan hơn, khi tình hình mua bán ngày càng đi xuống. Lượng khách trung bình giảm khoảng 30-40%. Phần nhiều là do giá cả tăng, người dân tiết kiệm chi phí, thậm chí, nhiều thời điểm người bán còn nhiều hơn người mua. Nhưng vẫn không thể phủ nhận tính cạnh tranh của các chợ truyền thống chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến chợ ngày càng đìu hiu, vắng khách, trong đó có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng hiện nay. Bên cạnh đó là chợ chưa chủ động thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Tuy giá ở siêu thị có cao hơn đôi chút, nhưng bù lại có nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, thỏa thích lựa chọn những mặt hàng mình thích...

Chợ hiện nay ít người đi vì xu hướng tiêu dùng đang cần nhanh, gọn, tiện ích nhưng mẫu mã cần được đa dạng. Đây là điều mà một số chợ chưa làm được, điều này cũng dễ hiểu do ít khách hàng nên việc nhập về số lượng lượng hàng hóa cũng khiến nhiều cơ sở bị găm vốn, nên họ thường chọn bán ít nhưng chắc.

Mặt khác, cảnh quan ở các chợ thường không đảm bảo vệ sinh, ồn ào và đặc biệt là chất lượng hàng hóa khó kiểm chứng, giá cả không ổn định, có tình trạng cân thiếu, hành vi giao tiếp, ứng xử của một bộ phận tiểu thương gây phiền hà cho người tiêu dùng…

Theo Sở Công Thương một số địa phương, hiện có rất nhiều nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng, khiến chợ ngày càng vắng khách. Chính sự lên ngôi của bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng mua sắm trực tuyến nên dù người biết chút ít công nghệ cũng dễ dàng mua được những hàng hóa cần, mà không cần tốn thời gian ra chợ, đặc biệt lựa chọn được đơn vị cung cấp giá rẻ mà hàng thì được vận chuyển tới nhà…