Thương hiệu OCOP: Thất bại là chạy theo số lượng

Chương trình mỗi xã một sản phẩm – còn được gọi là OCOP kể từ khi triển khai đã tạo ra nhiều giá trị to lớn. Tuy nhiên, sự nở rộ của các sản phẩm OCOP cũng đi đôi với nhiều nghi ngại.

Sau 03 năm triển khai, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP đã phát triển rộng và có sự lan tỏa mạnh mẽ đến 63 tỉnh, thành.

Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của trên 4.000 chủ thể OCOP. Tại ĐBSCL, thời gian qua, các tỉnh thành đã có nhiều nỗ lực để đạt chứng nhận OCOP.

Đơn cử như Tiền Giang, sản phẩm OCOP được triển khai từ năm 2019, đến nay, tỉnh đã xây dựng và công nhận 119 sản phẩm OCOP với 36 chủ thể tham gia, trong đó có 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất kinh doanh. Từ đó, trở thành một trong những địa phương có sản phẩm OCOP nhiều nhất vùng ĐBSCL, có chất lượng, giá trị cao và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Trí Sơn - đơn vị có đến 17 sản phẩm từ Tổ yến đạt OCOP nhất tỉnh Tiền Giang tự hào chia sẻ: “Sản phẩm OCOP từ tổ yến phát triển tốt, nhờ có tiêu chuẩn Ocop cộng với bên chương trình OCOP của Chính phủ đã xúc tiến thương mại cũng trưng bày, xúc tiến đi các tỉnh, TP. HCM, Hà Nội nến khách biết tới mình. Từ ngày bớt dịch COVID-19 đến nay đầu ra tăng gấp 2 lần so trước đó. Hiện giờ mình đang hướng đến xuất khẩu, hiện giờ sản phẩm của mình được 4 Sao nếu xuất khẩu thì sẽ được 5 Sao”.

Tương tự, tại Hậu Giang, nhờ vị trí nằm ngay trung tâm ĐBSCL đã có điều kiện phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Nhờ chương trình OCOP, đến nay, nông dân địa phương đã thoát khỏi tư duy sản xuất cũ, tận dụng được hơn 40 ngàn ha trồng cây ăn trái để tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao. Bền bỉ hơn 3 năm phấn đấu, đã có hơn 100 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 3 sao và 4 sao từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mở ra cánh cửa hội nhập đưa nông sản Hậu Giang vươn tầm khu vực.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết những sản phẩm được công nhận OCOP đã giúp cho nông dân tiêu thụ được sản lượng tăng từ 1,5-2 lần so với khi chưa được công nhận: “Trong thời gian qua, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP đã tham gia với tỉnh Đề án OCOP hết sức hiệu quả. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung, giao cho mỗi địa phương phấn đấu mỗi năm 4-5 sản phẩm OCOP, ưu tiện cho nông sản trên địa bàn tỉnh.

Với kế hoạch hết sức cụ thể, chúng tôi cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm để hỗ trợ cho các chủ thể và đề nghị các chủ thể cũng tích cực tham gia. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa bằng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới.”

Vừa qua, tại Hội thi bình chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 23 sản phẩm OCOP dự thi đạt Chứng nhận sản phẩm tiêu biểu của khu vực. Trong đó, có những cái tên nổi bật như xoài sấy dẻo, hạt sen sấy, trà sen Dotha Lotus thượng hạng của Đồng Tháp; tổ yến sơ chế, muối hạt từ Bạc Liêu; hay mật hoa dừa, dừa sáp sợi Trà Vinh; đường thốt nốt, tương hột của An Giang…

Kết quả này phần nào cho thấy hầu hết các địa phương ền Tây đã chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều giá trị lớn (ảnh nh hoạ: vov.vn)

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá: "Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch các địa phương. Các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng, ền trái cây, thủy sản, lúa gạo là những sản phẩm chủ lực".

Tuy nhiên, trước sự “nở rộ” chương trình mỗi xã một sản phẩm, nỗi lo về đầu ra sản phẩm cũng ngày càng rõ nét. Không ít các sản phẩm OCOP dù đạt các chứng nhận nhưng vẫn loay hoay trong khâu tiêu thụ. Vấn đề này được chỉ ra là do hệ thống các chính sách, cơ chế nguồn lực, hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm chưa đồng bộ dẫn đến sự lúng túng, khó khăn cho các địa phương lẫn người dân.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, một số địa phương đã mạnh dạn chọn hướng đi mới mang tính bền vững. Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP thời gian qua được Đồng Tháp quan tâm và đang từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP.

"Đồng Tháp có trên 64 mặt hàng OCOP được triển khai, phát triển làm du lịch cộng đồng. Trong đó, có gần 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 5 sao, chính vì thế trong định hướng phát triển của các nhóm dịch vụ OCOP để phát triển du lịch cộng đồng là một định hướng đúng đắn, được đẩy mạnh làm sao phát triển lan rộng ra, nhưng phải nâng cao chất lượng và phát triển bền vững", ông Nguyễn Ngọc Thương nói.

Nâng cao chất lượng để phát triển vững bền là mong ước của rất nhiều nông dân. Song, không ít người cho biết đã gặp khó khăn trước Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hiện nay, một số địa phương cũng thừa nhận quy trình lập hồ sơ thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP còn rườm ra phức tạp, gây khó khăn cho các chủ thể thực hiện.

Vậy nên, không chỉ là chạy theo số lượng, mà để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm OCOP, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Cần Thơ cho rằng: "Khi muốn nâng cấp phải xác định nhứng thiếu sót của sản phẩm. Những thiếu sót đó thể hiện qua điểm mà hội đồng tỉnh đã chấm. Ví dụ mình được 3 sao thì được chấm cao nhất là 69 điểm, muốn lên 4 sao là phải bù thêm 10 điểm nữa, muốn lên 5 sao là phải bù thêm 10 điểm nữa. Muốn 5 sao sản phẩm đó phải xuất khẩu ra nước ngoài. Các quy định của Nhà nước về môi trường về nhãn mác là phải tuân thủ đúng cái đó.

Sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng… Vấn đề quan trọng tiếp theo là làm sao đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh thị trường tiêu thụ truyền thống, kênh thương mại điện tử đang bùng nổ và có nhiều tiềm năng to lớn. Song, việc việc phát triển hình thức thương mại điện tử tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều chủ thể OCOP vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thời gian tới cần xác định lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng: "Trong bối cảnh hiện nay chuyển đổi số, thương mại điện tử đó là xu hướng chung cho tất cả các sản phẩm, trong đó có sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới".

Rõ ràng, việc có hơn 1.000 sản phẩm OCOP là một niềm tự hào cho ĐBSCL. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ rộng rãi và khẳng định giá trị riêng. Nếu không sớm chuyển đổi tư duy và xác định rõ chiến lược ngay lúc này, việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều rủi ro. 

Ảnh nh hoạ (vov.vn)

Thất bại là chạy theo số lượng

Dễ thấy, hầu hết các tỉnh thành ĐBSCL đang hưởng ứng, triển khai tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh các mặt tích cực, có những vướng mắc, khó khăn đã được chỉ ra.

Đó là các dấu hiệu thiếu bền vững của việc “chạy theo phong trào”, thể hiện ở việc hàng loạt sản phẩm được xây dựng, chạy theo các tiêu chí thậm chí gượng ép để đạt chứng nhận mà không tính đến nhu cầu thị trường, nguồn lực chủ thể và tính bền vững của sản phẩm.

 Hệ quả của việc này đã thấy rõ. Không ít thương hiệu trên thị trường có sản phẩm OCOP bị “tụt” sao thậm chí bị thu hồi chứng nhận. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP xong lại ngừng sản xuất; không đảm bảo các tiêu chí được đặt ra.

Lắm sản phẩm dù đạt OCOP 4 sao, 5 sao lại mau chóng bị người tiêu dùng lãng quên, “chết yểu” và biến mất khỏi thị trường. Điều đó khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn, đánh mất vị thế và niềm tin khách hàng bấy lâu dày công xây dựng.

Chứng nhận OCOP cũng chỉ là một chứng nhận, không là một “kim bài” bảo chứng lâu dài cho bất kì sản phẩm nào. Suy cho cùng khách hàng trụ lại vẫn vì giá trị cốt lõi là chất lượng; thất bại sẽ nắm chắc nếu vẫn chạy theo số lượng. Ngay bây giờ, các chủ thể không nên tự bằng lòng, “dậm chân tại chỗ” mà cần nghiên cứu thêm các ý tưởng mới.

Song song đó, cần bứt phá để đi lên nhờ đổi mới nhằm theo kịp xu hướng thị trường; quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, cải tiến bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu,…

Để làm được điều này, chắc chắn trách nhiệm còn nằm ở các địa phương trong việc định hướng, tiếp tục tổ chức thẩm định, hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiềm năng là thế mạnh, đặc sản của các địa phương. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương với sự kết hợp của các ban ngành liên quan.

Chắc chắn chính sách hỗ trợ OCOP một khi hoàn thiện, sát thực tế sẽ tạo cú hích lớn cho các sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ.

Khi và chỉ khi OCOP thực sự được kết hợp từ tài nguyên bản địa với văn hóa, lịch sử địa phương, kết hợp với sự đổi mới sáng tạo, kết hợp với công nghệ, cách thức bán hàng… chắc chắn sẽ khai thác tốt, quảng bá đặc sản, văn hoá để trở thành niềm tự hào của các địa phương tại ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.