Thúc đẩy bảo tồn Cheo cheo lưng bạc và Hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển

Sau gần 3 thập kỷ, một quần thể Cheo cheo lưng bạc (hay còn gọi là Cheo cheo Việt Nam) được ghi nhận lại ở Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) vào năm 2018. Câu hỏi cấp bách được đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ hiệu quả loài thú đặc hữu này?

Đồng thời bảo vệ môi trường sống đặc biệt của chúng - các cánh rừng khô ven biển, đồng thời duy trì các giá trị sinh thái mà con người đang thụ hưởng?

Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy công tác bảo tồn Cheo cheo lưng bạc và Hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam”

Ngày 18/10, tại Ninh Thuận đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy công tác bảo tồn Cheo cheo lưng bạc và Hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam” được tổ chức tại Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, nơi đầu tiên ghi nhận hình ảnh loài Cheo cheo lưng bạc trong tự nhiên, và cũng là nơi quần thể loài ổn định nhất.

Bẫy ảnh chụp được cheo cheo lưng bạc ngoài tự nhiên. Ảnh do Viện Sinh thái học Miền Nam cung cấp

Cheo cheo lưng bạc (tên khoa học Tragulus versicolor), có ngoại hình như một con hươu nhưng với kích thước khiêm tốn của một con thỏ, là một loài thú có vú khó phát hiện, và do đó ít được nghiên cứu trong hơn một thế kỷ kể từ năm 1910 - khi loài được êu tả lần đầu.

Vì chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiện trạng bảo tồn loài, nên đến hiện tại, loài này đang được phân hạng Thiếu Dữ Liệu (DD) trong Sách Đỏ các loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, nỗ lực nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều thông tin quan trọng về Cheo cheo lưng bạc. Chẳng hạn, nghiên cứu chuyên sâu về quần thể ở VQG Núi Chúa đã cho biết chi tiết hơn về đặc điểm sinh thái và phân bố của loài. Một chương trình giám sát loài còn cho thấy tín hiệu tích cực: quần thể ở Núi Chúa không bị suy giảm.

Ông Lê Huyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với các nhà khoa học, mà còn là với các đơn vị quản lý nhà nước và người dân trong vùng phân bố của loài. Phát hiện này cũng chứng thực tầm quan trọng của sinh cảnh rừng khô hạn ven biển ở Vườn trong việc nuôi dưỡng đa dạng sinh học độc đáo.

Hiện UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý VQG Núi Chúa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành ở các cấp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đẩy lùi nạn săn bắt, bẫy, đánh bắt động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm, trong đó có Cheo cheo lưng bạc.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài Nguyên và Môi trường bày tỏ lo ngại: “Nếu chúng ta đợi cho đến khi quần thể của loài trở nên cực kỳ nhỏ và phân bố rải rác, như với Saola và Mang lớn, thì công tác bảo tồn sẽ trở nên tốn kém gấp nhiều lần”

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ ra những loài đặc hữu của nước ta, việc biến mất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc tuyệt chủng trên Trái đất vĩnh viễn. Bởi vậy, chúng ta cần cân nhắc những bài học quý giá từ công tác bảo tồn các loài đặc hữu ở Trường Sơn.

“Nếu chúng ta đợi cho đến khi quần thể của loài trở nên cực kỳ nhỏ và phân bố rải rác, như với Saola và Mang lớn, thì công tác bảo tồn sẽ trở nên tốn kém gấp nhiều lần. Với Cheo cheo lưng bạc, chúng ta vẫn còn thời gian. Và bảo tồn sinh cảnh sống của chúng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu” – Bà Vân Anh kiến nghị.

Hội thảo còn nhằm tìm kiếm các giải pháp bền vững để bảo vệ cảnh quan rừng khô ven biển. Các chuyên gia còn chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thực hiện mô hình sử dụng quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng hay thúc đẩy sự hợp tác lâu dài giữa các bên liên quan như cộng đồng địa phương, nhà khoa học, chủ rừng và các khu nghỉ dưỡng ven biển. Điều này sẽ tạo ra sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương và bảo tồn đa dạng sinh học.