Thông xe cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch: Liệu có giải quyết nút thắt nhức nhối?

Sáng nay (30/6), tại Hà Nội, diễn ra Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (Q. Đống Đa). Đây là dự án giao thông được người dân Thủ đô mòn mỏi chờ đợi để giảm áp lực giao thông trên tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực giao thông qua nút giao ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Đông Tác, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực, tăng cường năng lực giao thông trên các tuyến đường qua nút giao, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của Thủ đô.

Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch được khởi công từ ngày 1/10/2021, với tổng mức đầu tư là 147 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội.
Dự án là công trình cầu đường bộ cấp III, có tải trọng thiết kế 0,65 HL93. Cầu vượt được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C theo hướng Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch tổ chức giao thông 2 chiều cho 2 làn xe hỗn hợp (ô tô và mô tô).
Tổng chiều dài cầu là 318m và chiều rộng là 9m. Kết cấu nhịp cầu 1 dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao dầm thép 1,2m. Kết cấu trụ tròn bằng bê tông cốt thép, đặt trên móng cọc khoan nhồi, xây tường chắn, đường dẫn 2 đầu cầu.
Theo ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, sau khi mặt đường Tôn Thất Tùng được mở rộng theo quy hoạch, sẽ xây dựng bổ sung thêm nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng theo hướng Tôn Thất Tùng – Phạm Ngọc Thạch và khớp nối với nhánh Phạm Ngọc Thạch bằng cách mở rộng mặt cầu Phạm Ngọc Thạch thêm 1,5m tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, Dự án cũng cải tạo mở rộng phần đường xe chạy trên tuyến đường Chùa Bộc; tổ chức lại giao thông nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch; bảo vệ công trình ngầm trong phạm vi của dự án; xây dựng hệ thống chiếu sáng, tổ chức giao thông và một số công trình phụ trợ khác.
Trong phạm vi đường Chùa Bộc đơn vị nhà thầu đồng thời thực hiện xén khoảng 400m vỉa hè để mở rộng mặt đường, mở rộng nút giao và thảm tăng cường trên mặt đường cũ, xây dựng kết cấu áo đường mới cho phần mở rộng.
---
Các phương tiện bị cấm đi lên cầu gồm: xe thô sơ và người đi bộ; ôtô tải, xe khách; xe buýt, các loại xe máy kéo, xe máy thi công chuyên dùng, các loại phương tiện có chiều cao quá 3.5m
Lãnh đạo TP Hà Nội cắt băng khánh thành cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.
Hà Nội cũng đã thực hiện điều chỉnh, phân luồng giao thông qua nút giao này. Cụ thể, khu vực nút giao Lương Định Của - Phạm Ngọc Thạch, cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của); Cấm các phương tiện ôtô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của.
Các phương tiện ôtô từ Phạm Ngọc Thạch rẽ trái vào Lương Định Của đi theo các hướng: Phạm Ngọc Thạch - Đào Duy Anh - Hoàng Tích Trí - Lương Định Của hoặc Phạm Ngọc Thạch - Đông Tác - Lương Định Của hoặc quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Phạm Ngọc Thạch (gầm cầu vượt) đi Lương Định Của. Điều chỉnh tổ chức giao thông ô tô một chiều trên tuyến đường Hoàng Tích Trí theo chiều và đoạn từ Đào Duy Anh đến Lương Định Của.
Theo như ghi nhận sau Lễ thông xe, các phương tiện di chuyển ổn định cả trên và dưới cầu vượt, không xảy ra tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm sáng
Các phương tiện xếp hàng chờ đèn tín hiệu để di chuyển theo các hướng chỉ định, thay vì phải đi vòng như trước đây. Không còn cảnh tắc đường kéo dài quanh nút giao này, nhất là vào khung giờ cao điểm, chính là điều người dân kỳ vọng và mong mỏi nhất khi cầu vượt chữ C này được thông xe.
Cũng trong sáng nay, nhiều người dân sống quanh khu vực bày tỏ vui mừng khi cầu vượt chữ C được thông xe: "Quá tuyệt, mong rằng sẽ thêm nhiều cái cầu như thế này nữa để giao thông ngày càng thông suốt". Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, tại 2 đầu lên/xuống cầu sẽ tắc, bài học từ "vết xe đổ" của cầu vượt Ngã Tư Sở. Lý do là bởi đường Chùa Bộc quá bé, nên xe đi thẳng và xe lên cầu sẽ gây ra xung đột.