Chia sẻ tại Tọa đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”, ngày 6/11, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh từ năm 2017 đến nay (thời điểm xu hướng bảo hộ và phòng vệ trên thế giới tăng lên).
"Một số thị trường có truyền thống sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như một trong những giải pháp chống lại sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, trong giai đoạn này một số thị trường gặp biến động về kinh tế, họ cảm thấy bất lợi, cạnh tranh khó khăn thì cũng gia tăng việc kiện phòng vệ thương mại", bà Trang nhận định.
Để ứng phó xu hướng phức tạp này, Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để xử lý, trong đó có việc cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó, các doanh nghiệp, ngành hàng có thể chủ động ứng phó hơn đối với những vụ kiện phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm là cơ quan chức năng sẽ quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào của tất cả các nước chứ không chỉ với Việt Nam.
"Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có sự thu hẹp lại phạm vi và đánh giá xem trong số những mặt hàng, sản phẩm đã bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như vậy thì những mặt hàng nào mà chúng ta đang xuất khẩu, theo dõi xem hoạt động xuất khẩu mặt hàng đó của chúng ta có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không?
Từ tốc độ tăng trưởng và thị phần đó sẽ suy ra được sức ép cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm tương tự tại thị trường nhập khẩu đang tăng lên; trong khi những ngành hàng, sản phẩm đó đã từng phải sử dụng đến biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước khác. Khi đó thị trường nhập khẩu sẽ viện dẫn ra sức ép cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam để một lần nữa sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm đối phó với hàng hóa xuất khẩu của ta", ông Chu Thắng Trung thông tin.
Khi xác định được nguy cơ phòng vệ thương mại thông qua cảnh báo sớm, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác nh được.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trang bị đầy đủ kiến thức về phòng vệ thương mại; cần đa dạng hóa thị trường, không nên cạnh tranh bằng giá để tránh nguy cơ bị điều tra.
Theo ông Phụ, thông tin cảnh báo sớm là “tài sản” đặc biệt, ai biết sớm sẽ có lợi thế hơn: "Ngành nhôm rất cần sự đồng hành liên tục của Bộ Công Thương và đặc biệt là của Cục Phòng vệ thương mại trong việc thông tin, hướng dẫn và phổ biến, cập nhật kiến thức cho doanh nghiệp, ngành hàng để doanh nghiệp sẵn sàng vào các sân chơi lớn hơn. Chúng tôi coi các thông tin đó như một tài sản đặc biệt mà ai biết sớm thì sẽ có lợi thế hơn. Chính vì vậy, các thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại, từ các tham tán thương mại ở các nước sẽ là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng chúng tôi"
Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội ngành hàng trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Nếu bị đưa vào danh sách có nguy cơ bị khởi kiện, doanh nghiệp cũng cần chủ động trang bị các kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết.
"Một vấn đề rất quan trọng là để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, xuất khẩu xanh thì doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá mà chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm", ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.