Vì sao tình trạng ngập úng kéo dài như vậy? Những bên nào có trách nhiệm tiêu thoát nước cho cao tốc?
Sau 10 ngày cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị ngập, anh Nguyễn Văn Toàn (ở TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mới đi 2 chuyến qua tuyến đường này. Dù đi xe tải, gầm cao, song anh Toàn vẫn khá rón rén khi lưu thông trên làn phải: "Gần với trạm thu phí là ngập quá sâu. Từ hôm bị ngập, hôm nay đi là lần thứ 2, nước vẫn y như thế".
Cũng ảnh hưởng đến việc đi lại do ngập nước trên cao tốc, tài xế Đinh Thành Trung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng phải chật vật mới đi qua được đoạn đường ngập tại khu vực gần trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ: "Xe tôi là bán tải, phải đi làn trong cùng và làn thứ 2. Các xe đến đó dồn lại 4 làn chật cứng".
Phản ánh đến VOVGT sáng 18/9, nhiều thính giả cho biết, tình trạng ngập vẫn xảy ra trên làn phải trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, với độ sâu khoảng 30cm, thuộc km 191+200.
Theo nhiều chuyên gia, việc tiêu thoát nước trên cao tốc vẫn còn khoảng trống, bởi trách nhiệm tiêu thoát nước trên cao tốc hoàn toàn thuộc về đơn vị quản lý vận hành khai thác. Chỉ trong trường hợp thiên tai, bão lũ, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mới hỗ trợ các đơn vị vận hành, khai thác để đảm bảo việc đi lại của người dân.
Theo ông Vũ Ngọc Oánh, phó tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, đơn vị đã tuân thủ cả về tiêu chuẩn thiết kế và các giải pháp chống ngập cho cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Cụ thể, cốt nền cao tốc này được thiết kế, với khả năng chống ngập 1% (tức là 100 năm mới xảy ra một lần), cao hơn đường gom 2 bên tới 80cm đến 1m. Tuy vậy, các trận mưa sau cơn bão số 3 vừa qua đã vượt qua đỉnh lũ lịch sử tính toán. Dù đơn vị có bố trí trạm bơm chống ngập, song không thể vận hành hết công suất, do toàn bộ vùng xung quanh cũng đang ngập úng.
Về lâu dài, Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã đề xuất nâng cốt nền một số đoạn trên tuyến lên khoảng 1m để đảm bảo khả năng chống ngập: "Bình thường, chúng tôi có 6 đầu bơm, nhưng trong những ngày đó, kể cả Cục Đường bộ đã có văn bản, chúng tôi cũng có văn bản đến huyện Thường Tín để làm sao tiêu thoát nước, nhưng Hà Nội có văn bản không cho phép bơm ra sông Nhuệ, tránh nguy cơ vỡ đê, cho nên những ngày đó chỉ bơm cầm chừng thôi, bây giờ máy bơm hoạt động rất tốt rồi".
Tương tự, cơn bão số 3 cũng làm ngập úng trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai, tại các nút giao Phố Lu, IC14, IC16, gây sạt trượt 11 điểm, gãy đổ cây trồng, bong bật, ổ gà trên mặt đường...
Theo ông Bùi Đình Tuấn, Trưởng ban Khai thác, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam, hệ thống thoát nước của tuyến đường, hệ thống rãnh, cống vẫn hoạt động bình thường: "Cao tốc Nội Bài – Lào Cai thì thiết kế với tần suất 1%, có nghĩa 100 năm mới xảy ra một lần, ứng với mực nước lũ lịch sử với cao độ mặt đường phải đảm bảo cao hơn so với mực nước lũ lịch sử là 0,5m. Tuy nhiên với cơn bão vừa qua, cao độ đã vượt mức nước lũ lịch sử, do đó xuất hiện tình trạng một số điểm mực nước sát với mặt đường xe chạy".
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý, tổ chức giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, việc thiết kế cao tốc vẫn tuân thủ quy định, với tần suất tính toán từ 1-2%, nhiều nhất là 4%, tức là 25 năm mới xảy ra một lần.
Về giải pháp tiêu thoát nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị TP. Hà Nội, UBND huyện Thương Tín vận hành 6 trạm bơm trên địa bàn, sông do mực nước sông Nhuệ lên cao, các cùng xung quanh cũng không có khả năng tiêu thoát nên không thể xử lý tình trạng ngập trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: "Vấn đề là chúng ta phải làm tốt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch đê điều, hệ thống phân lũ, quy hoạch hệ thống thủy điện cũng như điều tiết liên hồ, rồi những giải pháp khác trong phòng chống thiên tai, nó phải tổng thể, chứ không thể nói rằng một việc thiết kế cống, cầu nhỏ nó bị như vậy".
Trực tiếp đi thẩm tra ATGT ngay khi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị ngập nước, đoạn qua huyện Thường Tín (TP.Hà Nội), TS Đào Huy Hoàng, Viện KHCN GTVT cho rằng, mặc dù các cao tốc đã tuân thủ quy chuẩn thiết kế cao tốc, trong đó có cao độ nền đường, song cũng cần tính toán, thiết kế quy trình thoát nước cho cao tốc, trong đó có vai trò của các bên liên quan trong việc quản lý, khai thác, vận hành cao tốc đó:
"Ý tưởng về việc cần có một cơ chế hay một quy định để phòng chống bão lũ hay thiên tai là rất cần thiết, mặc dù vấn đề phối hợp trung ương, địa phương, rồi các cơ quan ban ngành có liên quan là cũng rất đầy đủ, tuy nhiên, một chương trình cụ thể như xảy ra ngập tại khu vực Thường Tín thì cũng là một vấn đề. Nếu chúng ta có một chương trình để kích ứng để giải quyết một cách triệt để thì quá tốt".
Mặc dù các chủ đầu tư các tuyến cao tốc đều khẳng định việc thiết kế cao tốc đã tuân thủ quy định về cao độ nền đường để chống, các giải pháp thoát nước cũng được duy trì, song từ thực tế tình trạng ngập úng tại các cao tốc thời gian qua cho thấy, cần có quy trình thoát nước cho cao tốc, thậm chí là quy trình tự động, trong đó có trách nhiệm của các bên liên quan, chính quyền địa phương, chứ không chỉ đơn vị quản lý, khai thác cao tốc.
Góc nhìn này của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Không thể để “sống chết mặc bay”.
Không phải đến trận mưa lũ lịch sử vừa qua, tình trạng ngập úng trên cao tốc mới xảy ra, mà trước đó, tháng 7/2023, tình trạng ngập úng cũng xảy ra trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cùng các chuyên gia đã kiểm tra và khẳng định, công trình được hực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và cao độ thiết kế theo tần suất 1% (100 năm mới xảy ra một lần), nhưng thực tế, tình trạng ngập đã xảy ra sau 2 tháng đưa vào khai thác.
Trở lại tình trạng ngập úng tại các cao tốc mới đây, đặc biệt là tình trạng ngập úng lâu ngày tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dù các bên liên quan khẳng định đã tuân thủ nguyên tắc thiết kế theo chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 về Đường ô tô cao tốc, trong đó tần suất tính toán về thủy văn đối với các rãnh thoát nước là 4%, với cầu cống là 1%, song tình trạng ngập úng đến ngày thứ 10, chỗ ngập sâu đến gần 1m, cho thấy, việc tuân thủ tần suất tính toán thủy văn “có vấn đề”.
Việc không có một quy trình tiêu thoát nước đầy đủ, hoặc sự thiếu liên kết giữa các bên liên quan trong việc giải quyết vấn đề này, là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đặt ra những rủi ro lớn về an toàn giao thông và môi trường.
Để giải quyết tình trạng này, việc xây dựng một quy trình vận hành tiêu thoát nước rõ ràng và hiệu quả là rất cần thiết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị khai thác cao tốc và chính quyền địa phương là yếu tố then chốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra các giải pháp dài hạn trong việc điều tiết nước mưa, đặc biệt trong các khu vực có địa hình thấp, dễ ngập úng. Sự kết hợp giữa hệ thống thủy lợi nông thôn và hạ tầng đô thị phải được tính toán một cách khoa học.
Bộ GTVT cần đảm bảo thiết kế và thi công các tuyến cao tốc có hệ thống thoát nước tốt là nhiệm vụ tối quan trọng. Đó không chỉ là việc tuân thủ quy định về tần suất thủy văn, mà còn là việc bảo trì định kỳ và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước trên các tuyến đường giao thông, tránh tình trạng cả đoạn đường lún võng, dẫn đến ngập úng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chú tọng việc đánh giá tác động môi trường của các dự án cao tốc, đặc biệt là về vấn đề thoát nước và kiểm soát lũ. Các giải pháp về quản lý nước mưa, nước ngầm và các yếu tố liên quan đến môi trường cần được xem xét kỹ lưỡng ngay từ khâu thiết kế và vận hành.
Các đơn vị khai thác, vận hành cao tốc cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước hoạt động ổn định. Họ cũng cần có trách nhiệm trong việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là sau những đợt mưa bão.
Chính quyền địa phương cần chủ động trong việc cung cấp thông tin về thời tiết, lũ lụt, cũng như phối hợp với các bên liên quan trong quá trình điều tiết và xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong hệ thống tiêu thoát nước.
Cao tốc Pháp Vân ngập nước sau 10 ngày bão qua là một bài học lớn về sự yếu kém trong quy trình vận hành tiêu thoát nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Do đó, việc xây dựng một quy trình tiêu thoát nước đồng bộ và khoa học là điều cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị vận hành và chính quyền địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế mà còn đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ tuổi thọ của các công trình giao thông trọng điểm.