Vậy, có thể dùng phương tiện đào tạo hạng C trước đây cho hạng C1 theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong lộ trình thay thế dần phương tiện phù hợp được không?
Sở hữu 20 xe tập lái hạng C cũ, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Đức Thịnh (Hà Nội) đang rất băn khoăn về việc xử lý số xe này. Bởi theo phân hạng giấy phép lái xe theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đối với bằng lái xe hạng C1, xe tập lái có tổng trọng tải từ 3,5-7,5 tấn, còn hạng C mới dùng phương tiện trên 7,5 tấn, trong khi bằng lái xe hạng C không đào tạo mới, mà chỉ dành cho việc đào tạo nâng hạng từ bằng lái hạng B và C1.
Trong khi đó, số học viên nâng hạng lên bằng C hàng năm rất ít, còn những phương tiện đang dùng để đào tạo, sát hạch lái xe hạng C trước đây chủ yếu trên 7,5 tấn, nên khả năng sử dụng rất thấp:
"Bằng C1 tôi cho rằng sẽ rất đông vì nhu cầu của xã hội, còn hạng C chỉ sử dụng khoảng 20% số đấy, bởi vì số người thi nâng cấp không nhiều, vì ai có nhu cầu thì người ta mới nâng cấp, còn C1 thì lại chiếm đa số trong tương lai. Đối với trung tâm chúng tôi, đầu tư 20 xe mới sẽ rất tốn kém bởi vì hiện nay cũng khoảng 6-700 triệu/1 xe thì cũng rất lớn, trong khi các xe cũ nếu bỏ ra thì cũng khó sử dụng vào các việc khác được".
Ông Lại Thế Chất, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt (Hà Nội) cũng bày tỏ, đơn vị đang sở hữu 8 xe đào tạo lái xe hạng C cũ. Tuy vậy đối chiếu với phân hạng giấy phép lái xe hạng C và C1 mới, số xe này gần như không sử dụng được, nên thiếu trầm trọng phương tiện đào tạo giấy phép lái xe hạng C1:
"Bây giờ xe dạy hạng C cũ mà bây giờ chúng tôi dạy C1 thì không được, vì to quá, mà dạy hạng C thì bé quá, không dạy được. Đành phải bỏ hết đi thôi. Muốn dạy C1 phải mua xe dưới 7,5 tấn. Như vậy cả nước này tôi tính bình quân mỗi đơn vị khoảng 10 xe thôi, thì với 350 đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước sẽ là bao nhiêu xe".
Lãnh đạo một đơn vị đào tạo lái xe lớn, thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội cũng cho biết, dù chỉ sở hữu 6 xe đào tạo, sát hạch hạng C cũ, nhưng do chưa thanh lý được xe cũ, chưa đầu tư xe mới nên đến nay, đơn vị vẫn chưa thể đào tạo giấy phép lái xe hạng C1 theo quy định mới:
"Bây giờ là chưa đào tạo, phải đầu tư xe mới và bán thanh lý xe cũ. Ngày xưa đã từng đào tạo rồi, bắt đầu từ 1/1/2025 mới khác. Ra Tết chúng tôi mới làm đề án, xây dựng phương án để đầu tư mua sắm rồi mới làm được".
Theo TS Khương Kim Tạo, Chủ tịch Chi hội Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (Hiệp hội vận tải ô tô VN), hiện tại, cả nước có khoảng 8.500 xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn, phù hợp để đào tạo lái xe hạng C mới, nhưng nhu cầu sử dụng xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn để đào tạo lái xe hạng C cần từ 1.000 – 1.500 xe, thừa khoảng 7.000 xe. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo lái xe đang thiếu trầm trọng loại xe có khối lượng toàn bộ từ 3,5 đến 7,5 tấn dùng để đào tạo hạng C1, khiến không ít đơn vị phải tạm dừng việc đào tạo, sát hạch lái xe hạng C1:
"Đấy là khó khăn của các doanh nghiệp. Bây giờ trong quá trình chuyển tiếp thế này có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, cho phép đào tạo theo quy trình cũ một thời gian, sau đó để các doanh nghiệp có thời gian và chuẩn bị kinh phí, chuẩn bị các kiểu loại phương tiện theo các yêu cầu đào tạo theo các phân hạng giấy phép lái xe mới".
Trong văn bản gửi Bộ Công an, Bộ GTVT đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đề xuất, trước mắt cho phép các cơ sở đào tạo lái xe sử dụng loại xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn để đào tạo hạng C1; đồng thời có lộ trình phù hợp thay thế phương tiện sử dụng cho đào tạo lái xe hạng C1:
"Theo chúng tôi, nên xem xét cho vận dụng để đào tạo với trọng tải thấp hơn hoặc cho lộ trình để chuyển đổi. Thật ra nếu vận dụng, cho sử dụng thì thật ra vì nó to hơn nên đào tạo nó khó hơn, thì sau này ra thực tế tay lái sẽ vững hơn".
Trao đổi với VOVGT, đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đơn vị đã nắm bắt được băn khoăn, kiến nghị của các doanh nghiệp đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đơn vị sẽ xem xét, đưa vào kế hoạch khi sửa đổi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng với việc chuyển công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe đang đối mặt với tình trạng thiếu xe tập lái hạng C1, trong khi lại thừa xe tập lái hạng C, do trước đây giấy phép lái xe hạng C cho phép lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên. Bởi vậy, một số ý kiến đề xuất, có thể cho phép hoán cải, hạ tải phương tiện tập lái từ trên 7,5 tấn xuống dưới 7,5 tấn, phục vụ việc đào tạo lái xe hạng C1, để tránh lãng phí, cũng như giúp các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi phương tiện phù hợp.
Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Có thể hạ tải, nhưng phải an toàn".
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã phân giấy phép lái xe thành 15 hạng, trong đó có phân giấy phép lái xe hạng C thành C1 (xe tải có tải trọng từ 3,5 tấn đến 7,5 tấn) và hạng C (xe tải trên 7,5 tấn – dùng cho việc đào tạo nâng hạng). Việc phân hạng giấy phép lái xe này nhằm tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên (năm 1968) không mất chi phí đổi, học để được cấp giấy phép lái xe, đồng thời tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, khách nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy vậy, việc phân hạng giấy phép lái xe này cũng khiến ngành đào tạo lái xe đối mặt với một vấn đề nan giải: thiếu xe tập lái hạng C1, trong khi lại thừa xe đào tạo, sát hạch hạng C. Bởi trước đây, giấy phép lái xe hạng C được áp dụng cho các loại xe tải có tải trọng từ 3,5 tấn trở lên mà không phân biệt mức tải trọng tối đa.
Vì vậy, các trung tâm đào tạo thường đầu tư vào xe tải trên 7,5 tấn, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo một cách đồng bộ và hiệu quả nhất. Điều này dẫn đến sự phổ biến của các xe hạng C trong hệ thống đào tạo, trong khi các xe tải từ 3,5 tấn đến 7,5 tấn ít được chú ý hơn, trong khi nhu cầu đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe hạng C1 ngày càng tăng.
Sự thiếu hụt xe tập lái hạng C1 không chỉ ảnh hưởng đến các trung tâm đào tạo mà còn gây khó khăn cho học viên. Nhiều người muốn học để lấy giấy phép lái xe hạng C1 phải chờ đợi lâu hoặc phải di chuyển đến các trung tâm khác có đủ phương tiện phù hợp. Điều này gây mất thời gian và chi phí. Trong khi các xe tải trên 7,5 tấn hiện nay lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí cho các doanh nghiệp đào tạo.
Trước tình trạng này, một số ý kiến đề xuất, cho phép hạ tải các phương tiện có tải trọng trên 7,5 tấn xuống dưới 7,5 tấn để phục vụ đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe hạng C1. Giải pháp này cũng được một số Sở GTVT đồng thuận, như Sở GTVT Hà Nội, TP. HCM, và ngay cả lãnh đạo cơ quan đăng kiểm. Bởi giải pháp này giúp tận dụng được nguồn phương tiện sẵn có, giảm áp lực tài chính cho các trung tâm đào tạo khi có thêm thời gian bố trí kinh phí đầu tư mua xe mới.
Tuy nhiên, để triển khai giải pháp này, cần xem xét kỹ lưỡng một số yếu tố. Thứ nhất, việc hạ tải phải đảm bảo phương tiện sau khi điều chỉnh vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và bảo vệ môi trường. Nếu không, việc sử dụng các xe này trong đào tạo có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học viên cũng như những người tham gia giao thông khác.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần đưa ra hướng dẫn cụ thể và tạo cơ chế pháp lý để các trung tâm đào tạo dễ dàng thực hiện hạ tải phương tiện. Việc cấp phép, kiểm định phương tiện sau khi hạ tải cần được thực hiện một cách nh bạch và không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần xem xét đến các tác động dài hạn. Bởi hạ tải phương tiện chỉ là một giải pháp tạm thời. Trong tương lai, các trung tâm đào tạo vẫn cần đầu tư vào phương tiện mới, phù hợp với quy định, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh việc hạ tải phương tiện, cần đồng bộ nhiều giải pháp khác để giải quyết triệt để tình trạng này. Chẳng hạn như việc hỗ trợ các trung tâm đào tạo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào xe tập lái hạng C1 mới; tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đào tạo, cho phép chia sẻ phương tiện hoặc điều phối học viên giữa các cơ sở cũng là một cách giảm thiểu áp lực về phương tiện…
Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, không chỉ để vượt qua khó khăn hiện tại mà còn xây dựng một hệ thống đào tạo lái xe chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường vận tải trong tương lai.