Thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới quý 3 đầy biến động

Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), quý III vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa và giằng co qua nhiều phiên giao dịch.

Đáng chú ý, trong tuần giao dịch cuối tháng 9, giá nhiều mặt hàng trong nhóm kim loại, nông sản và nguyên liệu công nghiệp, như quặng sắt, ngũ cốc, cà phê… đồng loạt tăng vọt. 

Tháng 7 khởi đầu, xu hướng suy yếu thể hiện rõ ràng trên bảng giá của nhiều nhóm hàng. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 cho tới nay, lực mua liên tiếp chiếm ưu thế và áp đảo trên thị trường, đồng thời giá nhiều mặt hàng chủ lực cũng giữ đà khởi sắc. Đóng cửa tuần (29/9), chỉ số MXV-Index tăng gần 3% lên 2.210 điểm - mức cao nhất trong vòng hơn hai tháng.

Quý III đánh dấu sự phục hồi nhẹ của thị trường nông sản, đặc biệt là giá ngô và lúa mì, do lo ngại về tình hình thời tiết khô hạn tại các nước sản xuất lớn.

Đánh giá về diễn biến giá hàng hóa trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: "Quý III vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới chứng kiến nhiều phiên biến động mạnh. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, xu hướng phục hồi đã trở nên rõ nét, đặc biệt là nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng. Trong đó, yếu tố địa chính trị, vĩ mô và cung - cầu vẫn đóng vai trò quyết định lên diễn biến giá".

Nhóm năng lượng vừa trải qua một quý với nhiều biến động mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 71,77 USD/thùng giảm hơn 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 68,17 USD/thùng, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

MXV cho biết, giá dầu phải đối mặt với áp lực đến từ sự suy yếu của nhu cầu trên toàn cầu. Bên cạnh đó, kế hoạch gia tăng sản lượng của các quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới cũng sẽ góp phần gây áp lực lên giá dầu trong giai đoạn này.

Đà giảm của thị trường phần nào được cản lại nhờ căng thẳng diễn ra tại Trung Đông trong thời gian gần đây như phân tích của ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc MXV: "Tôi lấy ví dụ như chỉ cần một động thái nào đó cho thấy xung đột Trung Đông leo thang thì đã khiến cho giá dầu tăng vọt, như là hồi tuần đầu tháng 10, giá dầu đã tăng đột biến lên tới hơn 9%. Rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu đã khiến các nhà đầu tư thoát khỏi vị thế bi quan đã ghi nhận trong tháng 9".

Thị trường nguyên liệu công nghiệp là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong quý qua. Trong đó, trên thị trường cà phê, giá cả hai mặt hàng Arabica và Robusta đều trải qua nhiều phiên tăng mạnh hoặc tạo “cơn sốt” mới.

Đặc biệt, ngày 26/9, giá mặt hàng cà phê Arabica đã phá thủng mốc kỷ lục 6.000 USD/tấn; giá cà phê Robusta cũng vượt qua mức 5.500 USD/tấn trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tại Brazil và Việt Nam kém tích cực. Trong nước, tháng 9, giá cà phê phản ứng tăng nhanh hơn so với giá cà phê thế giới khi đứng trước niên vụ thu hoạch mới.

Theo ghi nhận của MXV, sau 5 ngày tăng giá liên tiếp, ngày 15/9, giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ cũng đã cán mốc 124.000 đồng/kg, với tổng mức tăng lên tới 5.100 – 5.700 đồng/kg, giao dịch trong khoảng giá 123.500 - 124.000 đồng/kg. Trước đó, trong hai tuần đầu tháng 7, giá cà phê trong nước cũng tiến sát ngưỡng 129.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn một quý qua.

Dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới, ông ông Lê Hồng Phong - Chuyên gia nông sản của Công ty Hàng hóa Vmex nhận định: "Trong quý vừa qua, thị trường cà phê đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư khi mà giá của cả hai mặt hàng là Arabica và Robusta đều có nhiều phiên tăng sốc. Nguyên nhân chính tác động lên diễn biến giá theo tôi đánh giá là do lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay những chuyển biến tích cực trong tình hình thời tiết tại Brazil đang gây sức ép đáng kể lên giá hai mặt hàng này. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang tích cực theo dõi diễn biến thu hoạch mùa vụ tại Việt Nam trong bối cảnh thời tiết có thể chuyển pha và làm giảm sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2024-2025".

Đối với thị trường kim loại, giá các mặt hàng trong nhóm ghi nhận những diễn biến trái chiều. Riêng với nhóm kim loại quý, giá bạch kim và bạc tăng tích cực sau khi FED chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ. Ở chiều ngược lại, giá các kim loại cơ bản như đồng, quặng sắt và thép chịu áp lực giảm do nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Có thời điểm giá đồng đã giảm xuống mức đáy trong vòng 5 tháng, trong khi giá quặng sắt giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm, giá thép thậm chí đã giảm xuống mức đáy nhiều năm.

Tuy nhiên, tuần giao dịch cuối cùng khép lại tháng 9, thị trường kim loại đã trải qua tuần khởi sắc khi giá các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là sự bứt phá hơn 11% của giá quặng sắt; giá đồng COMEX tăng 5,91% lên 10.140 USD/tấn, mức cao nhất trong gần ba tháng trở lại đây.

Biến động mạnh của thị trường đang đặt ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi tham gia thị trường hàng hóa trong thời gian qua, Nhà đầu tư Nguyễn Thăng Long tại Hà Nội cho biết: "Trong thời gian qua, chúng ta biết rằng thị trường hàng hóa đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh. Do đó, cá nhân tôi đang cân nhắc việc giảm tỷ trọng nắm giữ các hợp đồng năng lượng trong danh mục đầu tư để tối ưu hóa lợi nhuận. Quyết định này xuất phát từ thực tế rằng quý IV thường là mùa tiêu thụ năng lượng thấp điểm. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn đang là một ẩn số lớn. Tôi cho rằng nếu căng thẳng tại Trung Đông chỉ mang tính cục bộ và không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu thì đà tăng nóng gần đây của giá dầu sẽ có thể khó duy trì. Ngoài ra, nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý tuân thủ tuyệt đối các quy định từ MXV hay Công ty Thành viên để đảm bảo an toàn ký quỹ".

Trong quý 3/2024, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động mạnh. Tuy khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam sụt giảm nhẹ so với quý trước, nhưng thị trường vẫn đang phát triển theo đúng lộ trình./.