Thị trường dầu thô tháng 11 thấp nhất trong vòng 3 tháng

Theo ước tính của giới phân tích, nếu dịch COVID-19 kích hoạt một đợt phong toả trên diện rộng, nhu cầu dầu của thế giới trong quý I năm sau có thể giảm đến gần 3 triệu thùng/ngày.

Năng lượng

Thất bại trong việc giữ vững đà tăng trong phiên sáng, giá dầu kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tháng với WTI giảm 5.39% xuống 66.18 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 5.45% xuống 69.23 USD/thùng. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá WTI đã giảm 19.08% và Brent giảm 16.14%, mức giảm lớn nhất trong năm nay.

Trong tháng này, giá dầu liên tiếp chịu các áp lực từ cả nguồn cung lẫn nhu cầu. Trước hết là việc Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn hợp tác với nhau để mở kho dự trữ chiến lược SPR để hạ nhiệt giá dầu, đồng thời gây áp lực ngoại giao lên OPEC+. Ngoài ra, việc Mỹ và Iran nối lại đàm phán hạt nhân sau một thời gian dài hoà hoãn cũng tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, tác nhân lớn nhất đẩy giá giảm sâu chính là khả năng dịch COVID-19 bùng phát trở lại với sự xuất hiện của biến thể mới Ocron. Sau phiên giảm lên đến 10 USD/thùng trong “ngày thứ 6 đen tối” tuần trước, giá dầu hôm qua tiếp tục lao dốc sau nhận định của công ty dược Moderna cho biết vắc-xin hiện tại có thể không hiệu quả đối với biến thể mới này.

Theo ước tính của giới phân tích, nếu dịch COVID-19 kích hoạt một đợt phong toả trên diện rộng, nhu cầu dầu của thế giới trong quý I năm sau có thể giảm đến gần 3 triệu thùng/ngày.

Hiện tại, thị trường đã chuyển từ lo ngại hiếu hụt nguồn cung so trong ngắn hạn sang dư thừa nguồn cung trong nửa đầu năm sau. Dịch gia tăng đúng lúc các ngân hàng trung ương như FED cân nhắc nhanh chóng cắt giảm các gói hỗ trợ cho thị trường để kiểm chế lạm phát phần nào khiến dòng tiền chuyển dịch từ thị trường rủi ro sang các tài sản an toàn: Báo cáo hôm qua của Ủy ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai cho thấy các quỹ đã liên tục cắt giảm vị thế mua ròng các hợp đồng từ cuối tháng 10, và hiện đã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm.

Nông sản

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, sắc đỏ bao trùm lên bảng giá của toàn bộ các mặt hàng nông sản. Diễn biến phức tạp của đại dịch và biến chủng Ocron, cùng với mức giảm rất mạnh của giá dầu thô là các yếu tố chính tác động tiêu cực lên toàn nhóm.

Giá lúa mì Chicago có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm lên đến hơn 4% về mức 787.25 cent/giạ. Tổng mức giảm trong 4 phiên này lên đến gần 10%, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy trong tháng và khiến giá lúa mì kết thúc tháng 1 với mức tăng không đáng kể, chỉ 0.29%. Bên cạnh lo ngại về dịch bệnh, sản lượng lúa mì gia tăng ở Australia, kết hợp với chất lượng mùa vụ tại Mỹ tốt hơn so với dự đoán trong báo cáo Crop Progress tuần này, cũng góp phần gây sức ép lớn lên giá.

Giá đậu tương sụt giảm mạnh gần 2% phiên thứ 5 liên tiếp, về mức 1217.25 cent/giạ, bất chấp việc các nhà xuất khẩu tư nhân Mỹ thông báo một đơn hàng lớn 132,000 tấn trong báo cáo Daily Export Sales. Việc giá dầu đậu tương sụt giảm mạnh hơn 5%, do tác động từ mức giảm của giá dầu cọ và dầu thô, đã khiến cho phe bán áp đảo hoàn toàn trong phiên tối. 

Dầu đậu tương cũng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản trong tháng 11, với gần 10%, và đóng cửa ở mức 55.21 cent/pound. Qua đó, khiến giá đậu tương giảm 2.6% trong tháng 11, nhưng tác động trái chiều vẫn giúp giá khô đậu tăng hơn 3%, lên mức 341.8 USD/tấn Mỹ.

Đối với ngô, việc giá lúa mì suy yếu đã gây áp lực lớn lên mặt hàng này khiến giá sụt giảm gần 15 cents trong phiên giao dịch cuối tháng, về mức 567.50 cent/giạ, giảm nhẹ 1.5% so với mức đóng cửa của tháng 10.