Thị trường dầu đối mặt với khả năng giảm điều chỉnh trong tuần mới

Giá dầu tiếp tục giảm trong tuần vừa rồi, đánh dấu chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Khả năng chính phủ Mỹ can thiệp vào thị trường đang là tác nhân lớn nhất tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường, bên cạnh các dự báo mang

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu tiếp tục giảm trong tuần vừa rồi, đánh dấu chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Khả năng chính phủ Mỹ can thiệp vào thị trường đang là tác nhân lớn nhất tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường, bên cạnh các dự báo mang tính “bearish” của các tổ chức lớn. Kết thúc tuần, giá WTI giảm 0.59% xuống 80.79 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 82.17 USD/thùng.

Mặc dù phe mua vẫn đang áp đảo trên thị trường, tuy nhiên 2 trong số 3 tổ chức lớn là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA và OPEC trong tuần trước đều đưa ra kỳ vọng tình trạng thiếu hụt cân bằng cung-cầu sẽ được cải thiện trong các tháng cuối năm, lại làm gia tăng tính biến động trên thị trường.

Đặc biệt, trong tuần này báo cáo tháng 11 còn lại của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA sẽ được phát hành, có thể gây tác động lớn đến thị trường. IEA được xem là một tổ chức độc lập và trung lập, do đó các nhận định của tổ chức này tương đối quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Nếu IEA cũng cùng chung nhận định với EIA và OPEC, có thể sẽ tạo ra điều chỉnh lớn đối với thị trường.

Trong khi đó, áp lực đang tăng dần lên đối với Chính quyền Tổng thống Biden, khi ngày càng nhiều thành viên trong Đảng Dân chủ kêu gọi nước Mỹ hành động để bình ổn thị trường, khi mà các biện pháp ngoại giao đối với Saudi Arabia hay OPEC+ không tạo ra hiệu quả. Giá xăng dầu tăng đang tạo ra sức ép lớn đối với người tiêu dùng, gây thiệt hại trực tiếp đến mức sống của họ. Điều này có thể khiến Biden nhanh chóng đưa ra chính sách mới.

NÔNG SẢN

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh bao trùm lên toàn bộ bảng giá nông sản khi các mặt hàng đều trải qua mức tăng khá mạnh.

Giá đậu tương đóng cửa tuần cao hơn 3.21% với 4/5 phiên tăng, kể từ sau báo cáo Cung - cầu tháng 11. Mặc dù mở cửa tuần tiếp nối đà giảm mạnh về sâu dưới mức hỗ trợ tâm lí 1200 do những kì vọng nguồn cung nới lỏng, giá đậu tương đã ngay sau đấy tăng mạnh khi các số liệu về năng suất và sản lượng của Mỹ lại giảm xuống, trái ngược với dự đoán của giới phân tích trước đó.

Khô đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản với mức tăng vọt gần 9%. Mức tăng chủ yếu diễn ra trong phiên cuối tuần do tốc độ gieo trồng đậu tương chậm hơn trung bình 3 năm ở Argentina. Áp lực trái chiều với mặt hàng này cùng với việc mất đi hỗ trợ khi dầu thô rung lắc mạnh khiến cho giá dầu đậu tương kết thúc tuần chỉ tăng nhẹ 0.32%.

Giá ngô tăng mạnh 4.39% lên mức 577.25 cents, xóa đi phần lớn mức giảm của tuần trước đó. Sản lượng ethanol liên tục duy trì ở mức trên 1 triệu thùng/ngày, là yếu tố hỗ trợ giá.

Ngoài ra, giá ngô nội địa tại Trung Quốc cũng tăng mạnh lên mức cao nhất nhiều tháng do thời tiết ẩm ướt cản trở hoạt động thu hoạch, kết hợp với việc giá năng lượng tăng cao khiến chi phí sấy khô và vận tải bị đội lên cũng góp phần tác động “bullish" với ngô.

Sau phiên giằng co trong đầu tuần trước, giá lúa mì đã tăng mạnh 4 phiên liên tiếp và vượt qua khỏi mức kháng cự tâm lý 800.

Bên cạnh một số thông tin cơ bản mới, việc lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung lúa mì thế giới sẽ không thể được giải quyết trong ngắn hạn đã là nguyên nhân chính giúp lý giải cho diễn biến tích cực của giá lúa mì. Thời tiết cũng đã là một yếu tố giúp lý giải cho đà tăng của giá lúa mì trong tuần trước.

Cụ thể, vào giữa tuần trước, dự báo thời tiết cho thấy điều kiện ẩm ướt được duy trì tại một số khu vực gieo trồng của Argentina và Australia. Do mùa vụ lúa mì tại hai quốc gia này đang trong giai đoạn thu hoạch nên độ ẩm cao không phải là điều được người nông dân chào đón.