Thấy gì từ những con số tăng trưởng xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm?

Tăng trưởng xuất nhập khẩu 9 tháng năm nay đạt 2 con số, đưa kim ngạch vượt 500 tỷ USD Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động thương mại quốc tế và cần nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng XNK cao trong cả năm nay.

Ảnh: VnEconomy

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tại buổi họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công thương, thông tin về những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu 9 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh:

"Một là cả nước có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như dệt may và da giày.

Một điểm nữa là tranh thủ được giá cao để XK như những mặt hàng như hóa chất, phân bón, thép…  Một điểm nữa là các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh việc xuất khẩu’’ Các thị trường truyền thống của Việt Nam cũng được khai thác và mở rộng".

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao (trên 2 con số) ở nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đáng chú ý, mới đây, Malaysia chính thức thông báo về việc nước này đã hoàn tất phê chuẩn Hiệp định CPTPP  và trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tạo thêm nhiều thuận lợi cho hoạt động XNK của Việt Nam thời gian tới. Bà Phạm Quỳnh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, thông tin:

"Với việc Malaysia phê chuẩn hiệp định CPTPP thì Việt Nam có thể tận dụng xuất sứ từ Malaysia  để tận dụng các yêu cầu xuất xứ khi XK sáng thị trường các nước CPTPP.

Mặc dù ta cũng đã có các hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN, nhưng với việc Malaysia phê chuẩn CPTPP thì ta có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA với các thị trường đó, đó là Cana da, Mexico và Peru".

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nói riêng những tháng cuối năm và đầu năm tới:

"Thứ nhất là việc đứt gãy nguồn cung cũng như giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho các nền kinh tế lớn trên thế giới như là Hoa Kỳ, EU cũng gặp nhiều thách thức và có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Thêm vào đó thì  lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta khiến cho nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng giảm, trong khi đó sản xuất hàng tiêu dùng là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như dệt may, da giảy, đồ gỗ… thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian tới…"

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra các khó khăn khác, như doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sau các tác động của đại dịch covid-19; khó khăn trong tiếp cận tín dụng, gói hỗ trợ; thủ tục hành chính và cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

Để giữ được các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao những tháng cuối năm, nhằm đưa kim ngạch XNK vượt 700 tỷ USD, có thể tiệm cận với con số 800 tỷ USD và tiếp tục có xuất siêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm:

"Tiếp tục tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu phù hợp và tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cam kết FTA mang lại, trong đó, chú trọng vào việc phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước".

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới để từ đó doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt hơn ưu đãi từ các thị trường mà Việt Nam đã có FTA và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.