Thay đổi diện mạo hầm đi bộ để tăng hiệu quả sử dụng, liệu có khả thi?

Hiện nhiều nước trên thế giới đã xây dựng hầm đi bộ là công trình kiến trúc có thang cuốn và thang máy hỗ trợ với rất nhiều hoạt động văn hoá, du lịch, thương mại để thu hút người dân tham gia. Liệu phương án này có khả thi tại nước ta hay không?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Vài năm gần đây, người Hà Nội dần quen với việc xuống hầm để đi bộ qua những nút giao thông lớn như Ngã Tư Sở, Kim Liên. \

Tuy vậy phải ghi nhận thực tế, đa số những công trình tiền tỷ được xem là hình ảnh của hệ thống giao thông hiện đại tại thủ đô lại không thu hút được khách bộ hành, rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí bị bỏ quên.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã xây dựng hầm đi bộ là công trình kiến trúc có thang cuốn và thang máy hỗ trợ với rất nhiều hoạt động văn hoá, du lịch, thương mại để thu hút người dân tham gia.

Liệu phương án này có khả thi tại nước ta hay không?

Hầm bộ hành bị bỏ quên là thực tế đang diễn ra ở một số hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội

20h tối, trái ngược hoàn toàn với sự đông đúc của bến xe Mỹ Đình, là những hầm đi bộ đìu hiu, vắng vẻ. Người dân vẫn thản nhiên băng qua đường vì thấy: "Hầm khá bí, đèn tối".

Hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở khả quan hơn, nhưng nhiều người vẫn từ chối sử dụng do quãng đường đi dưới hầm dài, tốn sức. Nhiều hầm đi bộ tại tuyến đường Trường Sa luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, ngập trong rác thải. Gần 30 hầm đi bộ tại Hà Nội bị người dân ngó lơ vì nhiều lý do.

Chúng ta bỏ nhiều tiền làm hầm đường bộ nhưng lại không tính tới nhu cầu sử dụng ở từng vị trí cụ thể dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Quan trọng nhất, người dân vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, tiện nhất bất chấp an toàn giao thông mà băng qua đường. Thực trạng này được ghi nhận suốt nhiều năm qua song vẫn không mấy thay đổi.

Khi được hỏi làm thế nào người dân chấp hành luật giao thông hoặc sử dụng công trình giao thông công cộng có ý thức hơn, phương án làm mới diện mạo hầm đi bộ được người dân gợi ý:

- "Hầm này dài nhất Hà Nội đi buổi tối hơi sợ. Cái này nằm ở ngã tư giao lộ nên khá khó đi. Em thấy nên lâu lâu thêm hình vẽ gì ở đây cũng được, màu trắng hơi đơn sơ".

- "Em thấy nếu có thể trang trí cho nó vui mắt hơn cũng là địa điểm cho các bạn trẻ tới đây. Dưới này có thể trưng bày triển lãm ảnh cũng được".

- "Ý thức giữ gìn của người dân kém, vứt rác bừa bãi, đái bậy... Theo tôi làm giống như con đường gốm sứ cũng đẹp. Quan trọng ý thức người dân có giữ gìn hay không thôi".

Những đường hầm dành cho người đi bộ vốn rất quen thuộc ở những nước phương Tây. Để giúp cho khách bộ hành qua đây đỡ nhàm chán, ga King’s Cross của London, Vương quốc Anh, đã biến đường hầm đi bộ dài hơn 90m thành một phòng trưng bày nghệ thuật. Dưới hầm chui ở Nhật Bản lại là hàng loạt các cửa hàng kinh doanh đông đúc.

Ngay tại thành phố biển Đà Nẵng, những không gian công cộng như đường hầm phía tây cầu Rồng, Holiday Beach Subway… cũng được các họa sĩ biến thành không gian nghệ thuật thu hút chú ý của người dân.

Con người luôn muốn tìm hiểu thông tin mọi lúc mọi nơi, yêu cầu sự mới mẻ, do vậy việc thay đổi diện mạo hầm là điều cần thiết. KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: có nhiều cách để thay đổi diện mạo hầm đi bộ hiện nay: 

"Việc thiết kế để công trình này hấp dẫn có nhiều bài học. Nó phải có tính dẫn hướng, đi từ khu dân cư dẫn đến chỗ đi lên đi xuống dùng cây xanh, nghệ thuật tranh ảnh. Nhiều thành phố cho phép bán hàng, quảng cáo, biểu diễn, dùng âm thanh ánh sáng làm không gian thân thiện. Ở Hà Nội, thiếu nghiên cứu tâm lý của người đô thị trước khi thực hiện. Cái khó đầu tiên là ngành giao thông phải nằm trong quy chiếu giám sát xã hội. Sáng kiến thì nhiều"

Ga King’s Cross của London, Anh đã biến đường hầm đi bộ dài hơn 90m của mình thành một phòng trưng bày nghệ thuật.

Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định đối với những công trình đã xây dựng chúng ta phải tìm cách khắc phục, vì làm ra mà không có giá trị sử dụng, không đem lại hiệu quả là lãng phí nguồn ngân sách. Để giải quyết câu chuyện thu hút người dân đi bộ phải có kế hoạch tổng thể: "Cái này là vấn đề lớn ta phải làm tổng thể. Để người dân đi bộ nhiều phải có tính kết nối từ nhà đến phương tiện giao thông công cộng rồi hầm chui, cầu vượt. Còn chỉ cải tạo một vị trí không đem lại hiệu quả. Hiện nay đang có hệ thống tàu điện đô thị mình kết hợp giải quyết ở vị trí đấy trước. Ý tưởng đó là tốt thôi nhưng làm ở một vài vị trí cụ thể".

Hầm đi bộ là giải pháp mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi qua đường ở nội đô Hà Nội. Phương án thay đổi không gian bên ngoài và bên trong hầm tạo thiện cảm, ấn tượng cho người dân là khả thi. Tuy vậy, đây là câu chuyện cần kế hoạch tổng thể của ngành chức năng.

Còn mỗi người dân, hãy tự nâng cao ý thức tham gia giao thông đảm bảo an toàn cho chính bản thân mỗi ngày.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 12/11 tại đây: