Tháo nút thắt thể chế quản trị và liên kết vùng ĐBSCL

Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết đang kìm hãm sự phát triển vùng ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI Cần Thơ) công bố mới đây.

Trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023, các chuyên gia đánh giá, ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Vùng cũng dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước.

Vòng xoáy đi xuống về nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng trong vài năm tới. Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, nhưng vẫn thấp hơn so với cả nước. Nông nghiệp tuy giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng…

Nói về những tồn tại hiện nay của kinh tế ĐBSCL, Chủ tịch Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, phân tích: Ở góc độ điều hành thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cách, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, thị trường tài chính tín dụng chưa thật sự phát huy để hỗ trợ cho các ngành chủ lực phát triển. Quá trình nghiên cứu cho thấy, đây là những điểm nghẽn về thể chế, quản trị, và liên kết vùng. Quá trình này nếu không kịp thời không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà còn làm giảm nguồn lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế các địa phương, không nâng cao được năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng và quốc gia nói chung.

Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) nhìn từ trên cao (ảnh nh hoạ: kinhtemoitruong.vn)

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chỉ ra rằng sự kém phát triển của ĐBSCL xuất phát từ nhiều lý do, và từ góc độ kinh tế, quan trọng nhất đó là thiếu đầu tư và doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra do hai nguyên nhân chính, đó là hiệu quả đầu tư vào ĐBSCL tương đối thấp. Thứ 2 là hiệu quả đầu tư thấp lại bị xói mòn lợi nhuận bởi các yếu tố ngoại tác bên ngoài như tình trạng bấp bênh, yếu kém của các thực thi chính sách.

Từ hai nguyên nhân này dẫn đến sáu nguyên nhân cơ bản, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết: Một là các yếu tố có tính tài nguyên như tài nguyên đất, nước và môi trường. Thứ 2, đó là vấn đề về công nghệ. Thứ ba, đó là về vốn, nhân lực thiếu và yếu, Thứ 4 là kết cấu hạ tầng cũng thiếu và yếu. Thứ 5, đó là môi trường đầu tư kinh doanh của đồng bằng đang có dấu hiệu đi xuống so với các vùng khác. Thứ 6 đó là thể chế quản trị và liên kết vùng đang kém hiệu quả.

Để giải quyết 6 nhóm nguyên nhân vừa nêu, hướng đến tháo gỡ một trong những mắt xích của 3 vòng xoáy kinh tế - xã hội – môi trường để tạo vòng xoáy đi lên, ĐBSCL đang cần nhận diện các điểm nghẽn hay nút thắt của thể chế, quản trị và mối liên kết hợp tác vùng. Tháo gỡ được một vài nút thắt về thể chế và quản trị sẽ giúp tháo gỡ được các nút thắt khác cho ĐBSCL.

Ở quan điểm địa phương, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch trường trực UBND tỉnh Long An đề xuất: Cần thống nhất quan điểm phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng là vấn đề chung đòi hỏi sự đồng lòng Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong vùng nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Các địa phương trong vùng phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn năm 2050. Giải quyết điểm nghẽn điểm nghẽn về hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông đường bộ chưa giải quyết được nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Lâm cần đẩy mạnh công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu lại nền kinh tế vùng. Ứng dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thiết kế, chia sẻ dữ liệu nhằm thực hiện cộng sinh công nghiệp dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp sinh thái, đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp ĐBSCL.

Có thể thấy, thể chế hợp tác, quản trị và liên kết vùng không chỉ cần thiết, quan trọng đối với ĐBSCL mà còn là một đột phá để tháo các nút thắt phát triển vùng. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Quang cảnh lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2023 (Thanh Phê - Mekong FM)

Qua phóng sự vừa rồi có thể thấy thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đây là tiền đề để các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.

Lâu nay, dù có nhiều chính sách và chương trình, dự án đầu tư lớn, nhưng ĐBSCL vẫn chưa thật sự bứt phá bởi vẫn còn tồn tại quá nhiều nút thắt. Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý đằng sau nhận xét “Đồng bằng đi trước về sau”. Quan trọng hơn, sự tương phản đó cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề trên hành trình phát triển của đất nước. Nguyên nhân đã được chỉ ra, từ đó có thể thấy, có nhiều điều mà ĐBSCL cần làm ngay để nâng tầm vị thế của vùng đất chín rồng.

Thực tế, câu chuyện liên kết vùng đã được đặt ra từ rất lâu cho ĐBSCL thế nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Mỗi địa phương có 1 thế mạnh và điểm chưa mạnh riêng, việc liên kết sẽ giúp bổ khuyết cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển bền vững.

Đơn cử như câu chuyện trong chuỗi liên kết lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp lớn muốn thúc đẩy liên kết nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về chất lượng sản phẩm …Trong khi đó, tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác vẫn chưa nhiều, từ đó gây khó khăn tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ông bà ta có câu ”đoàn kết là sức mạnh”, việc các địa phương có cùng thế mạnh, cùng điều kiện tự như ở ĐBSCL hiện tại liên kết với nhau để cùng phá “vòng kim cô” bấy lâu nay kìm hãm sự phát triển là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là cách để cùng vượt qua khó khăn bắt kịp chuyển động kinh tế thế giới mà còn là đón đầu những vận hội mới đang đến với vùng đất chín rồng.