Thành bại tại liên kết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân.

“Tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa; đồng thời xây dựng thương hiệu gạo, tăng tính cạnh tranh trên thế giới” – Đây là những mục tiêu lớn mà Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang hướng đến.

Tuy nhiên để sự kỳ vọng này trở thành thực tế, đòi hỏi các cấp, ngành và cả người nông dân cần đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, lâu dài, nhất là trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Ảnh nh hoạ: baotintuc.vn

Nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới đang tăng lên, giá cả tốt, việc xuất khẩu của nước ta có nhiều thuận lợi… đây là thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, hàng triệu nông dân trồng lúa ở các tỉnh, thành ĐBSCL lại chưa có thu nhập như mong muốn và chuyện làm giàu từ cây lúa là không dễ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến, thiếu liên kết chuỗi giá trị, thiếu thương hiệu. Đây cũng là những hạn chế trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL thời gian qua. Vì vậy, đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao sẽ cơ hội tốt để tái cơ cấu, tìm hướng đi mới cho lúa gạo của vùng.

Theo Bộ Nông nghiệp, khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ giống lúa trong 4 vụ đầu tiên liên tiếp, được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng vào 01 vụ sản xuất, thời gian vay 6 tháng. Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là từ đây đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 500 ngàn ha lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%, đến năm 2023, vùng sẽ đạt 01 triệu ha, lợi nhuận bình quân 40%.

Đề án không chỉ phát triển 01 triệu ha lúa chất lượng cao mà con nâng cao vai trò của hợp tác xã để trở thành các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quy mô lớn.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Cần phải có 01 hợp tác xã nằm trong vùng nguyên liệu khi tham gia đề án, đó là khâu yếu nhất hiện mà mà chúng ta chưa có được. Nếu không tháo gỡ được nút thắt này thì đề án của chúng ta sẽ rất khó thành công, vì sự liên kết được khởi đầu từ 01 hợp tác xã và 01 doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp cũng nhận định, để thực hiện đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao, ĐBSCL cần phải có 40 ngàn tỷ đồng, trong đó, khoảng 25 ngàn tỷ đồng từ vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa, còn lại 15 ngàn tỷ đồng là vốn từ người dân. Theo kế hoạch, từ năm 2023 – 2023 sẽ đầu tư 20 ngàn tỷ đồng, số còn lại sẽ đầu tư trong năm 2025 – 2030.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch được đưa ra, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những bước chuẩn bị để có sự chuyển đổi mang tính bức phá, đưa ngành hàng lúa gạo của Việt Nam phát triển bền vững. Tính đến nay, có 12/13 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia đề án với định hướng tới năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu ha. Trong đó, An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp là những tỉnh đăng ký diện tích tham gia nhiều nhất.

Tại An Giang, hơn 1000 ha lúa thuộc xã An Bình, huyện Thoại Sơn được đưa vào vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Theo bà con ở đây, trồng lúa chất lượng cao đang mang lại hiệu quả cao hơn 15% so với lúa thường và nếu được sản xuất chuyên canh quy mô lớn, chắc chắn hiệu quả sẽ tiếp tục được nâng lên.

Cái bắt tay thật chặt giữa nhà nông – doanh nghiệp và chính quyền được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả phấn khởi cho mục tiêu 01 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL trong thời gian tới. Để tham gia đề án này, tỉnh An Giang đăng ký 200 ngàn ha. Tuy nhiên, theo địa phương này, để chương trình phát huy được hiệu quả, cần có thêm các chính sách tín dụng, tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang chia sẻ: Hiện nay các doanh nghiệp đang cần có nguồn vốn lớn để thu mua lượng lúa trên cánh đồng vào mùa thu hoạch. Nếu lúc đó không có vốn thì đôi khi người dân phải chờ. Khi chờ vậy lúa sẽ giảm chất lượng, thì giá lúa kéo theo xuống.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã xác định hướng đi cụ thể. Theo đó, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng, nhân rộng cánh đồng trồng lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa an toàn, tập trung chủ yếu ở các huyện Thạnh Trị, Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm.

Với lợi thế danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, Sóc Trăng đặt mục tiêu phát triển thương hiệu, nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản, tập trung vào các giống lúa nhóm ST như: ST24, ST25, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển được 195 ngàn ha lúa đặc sản. Xây dựng 22 điểm mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Văn Út – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Thời gian qua, vấn đề liên kết giữa công ty và HTX diễn ra rất thuận lợi. Khi thu hoạch, công ty mua hết của người dân, không để lại của ai hết. Vụ này thì công ty mua cao hơn giá thị trường là 200đ/kg, những vụ tới là cam kết mua cao hơn 400 đồng, phấn đấu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ trong tương lai gần.

Ảnh nh hoạ: dangcongsan.vn

Thành hay bại của mỗi vụ lúa và cả đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đều nằm ở liên kết, mà để việc liên kết đạt được những kết quả tốt nhất, thỏa hiệp được lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Sản phẩm an toàn, tuân thủ quy trình sản xuất sạch thì giá trị sẽ tăng cao.

Điều quan trọng hơn nữa là tư duy sản xuất của người dân rất cần được thay đổi và đồng thuận từ các bộ phận để tạo nên chuỗi ngành hàng bền vững. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đừng xem đề án này là của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp, mà là của tất cả mọi người, để từ đó có sự cộng hưởng, thực hiện hiệu quả. Bộ Nông nghiệp không thể đi một mình được mà cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, truyền thông, nông dân...

Bộ trưởng khẳng định, từ việc tích cực trao đổi, đóng góp thống nhất các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, khi Đề án được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập và vị thế cho người trồng lúa ĐBSCL.