Tháng 10, hoàn thành cắm mốc lộ giới dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đã được cắm mốc đạt 95% và sẽ hoàn thành việc này trong tháng 10/2022.

Đó khẳng định của ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) tại buổi Lễ ký kết giao ước thi đua thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP.HCM.

4 địa phương và Sở TN-MT ký giao ước thi đua thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP.HCM.

Theo ông Phúc, việc phê duyệt được ranh, cắm cọc là mốc tiến độ quan trọng làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nhu cầu tái định cư...hiện tổng số cọc phải cắm cho toàn tuyến Vành đai 3 đi qua TP.HCM là hơn 1.900 cọc. Trong đó, thành phố Thủ Đức 609 cọc, Củ Chi 193 cọc, Hóc Môn hơn 530 cọc, Bình Chánh hơn 570 cọc.

“Đến nay, đã có 1802/1901 cọc mốc giải phóng mặt bằng đã được cắm tại 04 địa phương (đạt 95% tổng khối lượng công việc). Dự kiến đến 20/10/2022, 100% khối lượng công tác cắm cọc sẽ hoàn thành.

Về công tác bàn giao ranh mốc, đến nay đã hoàn tất công tác bàn giao cho 9/13 xã, phường. Bốn xã, phường còn lại bao gồm: xã Phạm Văn Hai, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và phường Long Trường, phương Long Bình (TP. Thủ Đức) do địa hình phức tạp nên sẽ hoàn tất công tác bàn giao trước ngày 20/10/2022”, ông Lương Minh Phúc khẳng định.

Lãnh đạo TpHCM cũng các lãnh đạo địa phương, Sở ngành chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ ký kết giao ước thi đua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận sự nỗ lực của các ban ngành thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ cắm mốc rãnh giới và giải phóng mặt bằng.

Ông Mãi yêu cầu, các địa phương phấn đấu đến tháng 6/2023 phải giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện để khởi công dự án. Nếu có vướng mắc, khó khăn gì cần báo cáo ngay cho UBND TP để có hướng tháo gỡ.

“Chúng ta cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân có đất nằm trong dự án để đạt được sự đồng thuận cao nhất. Bên cạnh đó, cần bồi thường giá đất, cũng như chuyển đổi ngành nghề tốt nhất cho bà con bị ảnh hưởng của dự án..”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TpHCM khẳng định việc giải phóng mặt bằng là một trong những việc làm khó, đòi hỏi các Sở ngành và các địa phương phấn đấu thực hiện, đến tháng 6/2023 phải giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện để khởi công dự án

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có phạm vi giải phóng mặt bằng gồm hai đoạn. Trong đó đoạn 1 (qua địa phận TP. Thủ Đức) dài 14,73 km từ điểm giáp nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn; đoạn 2 dài 32,6km đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và điểm đầu giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.

Dự kiến, dự án giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, trong đó, TP.HCM là 408 ha, bố trí tái định cư khoảng 1.476 hộ, trong đó TP.HCM là 740 hộ ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh.

Về đơn giá bồi thường tạm tính cho dự án Vành đai 3 TP.HCM, Sở Tài Nguyên Môi trường cho biết, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm từ 3,8-8,2 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm từ 3,2-6 triệu đồng/m2, đất ở qua khảo sát là từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Người dân cùng lực lượng chức năng thực hiện cắm mốc ranh dự án đường Vành đai 3

Để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư, UBND TP.HCM cho biết cần khoảng 41.600 tỷ đồng trong tổng kinh phí giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng. Giải phóng mặt bằng được cho là mấu chốt, khó khăn, phức tạp nhất của dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng dự án trong tháng 6/2023 và 100% trong tháng 12/2023.

Trong năm tiếp theo, phấn đấu khởi công chính thức dự án vào tháng 6/2023. Sau đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để đến năm 2025 có thể thông xe trục 4 làn xe của tuyến cao tốc chính.

Công tác cắm cọc được xem là mốc quan trọng để dự án thực hiện các công việc tiếp theo như điều chỉnh các đồ án quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Việc giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh được thực hiện từ giai đoạn một và làm trước 4 làn cao tốc ở giữa, hai bên xây đường song hành...