Tất bật nguồn hàng phục vụ Tết

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, các HTX tại ĐBSCL đang tập trung nguồn lực sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng.

Tết Nguyên đán là thời điểm vàng để kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, nên thời điểm này, các HTX tại ĐBSCL nói chung và tại Hậu Giang nói riêng đang dồn lực tung sản phẩm chất lượng ra thị trường nhằm kích cầu mua sắm, đồng thời, không quên giữ chân khách bằng chất lượng, giá cả hợp lý...

Dù còn hơn một tháng rưỡi nữa mới đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng thời điểm này, Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã lên “dây cót” để chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng cho các đơn hàng Tết. Ở cơ sở này, mỗi người một việc, từ vô bao, dán nhãn, gói hàng đều được phân công và thực hiện nhịp nhàng.

Chị Lê Kim Phụng Em, chủ cơ sở cho hay, cơ sở hiện đang có 4 sản phẩm là: Trà mãng cầu, trà lá mãng cầu túi lọc, trà mãng cầu túi lọc và mứt mãng cầu. Tất cả đều được khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ kết hợp quy trình sản xuất khép kín, đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Phụng Em chia sẻ: Mỗi một đơn hàng trăm hộp đến 1 ngàn hộp. Phải làm tăng ca, chạy liên tục luôn mới đủ, kịp thời hạn để bàn giao, nguyên liệu của mình thì mình cũng chuẩn bị rồi, bao tiêu các vườn ở đây. Mình hợp tác với họ thì họ cũng đồng ý cung cấp cho mình. Nguồn hàng mình không sợ thiếu. Nói chung là giá thì vẫn còn cao. Năm nay do thời tiết không thuận thành ra trái nó kéo dài không có như mọi năm, xảy ra tình trạng khan hiếm hàng là nó vậy.  

Trà bưởi non Trần Đệ  (ảnh: nongsanhaugiang.com.vn)

Ngoài tiêu thụ ở các kênh truyền thống, phân phối cho các cửa hàng, đại lý, gần đây, chị Phụng Em còn đưa các sản phẩm của cơ sở lên các cái sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để bán. Nhờ vậy mà dù Tết hay ngày thường, đơn vị vẫn có được lượng đơn hàng tiêu thụ ổn định.

Tập trung toàn lực để phục vụ mùa cao điểm cũng đang là tâm thế sản xuất của Cơ sở chế biến nông sản Trần Đệ, huyện Châu Thành A. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Đệ phấn khởi cho biết: Tết nay thì hiện tại đang bắt đầu sản xuất với số lượng nhiều hơn ngày bình thường. Tập trung cho Tết. Bình quân mỗi tháng, ở đây mình sản xuất dạng gói với hộp. Mỗi tháng khoảng 700-800 túi bưởi thành phẩm cho người ta sử dụng.

Vì nguyên liệu sản xuất chính là những trái bưởi non nhà vườn tuyển lựa nên để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh Đệ đã hợp đồng với các nhà vườn trồng buổi ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khi nhà vườn tuyển trái, anh Đệ sẽ đến tuyển chọn và thu mua. Bên cạnh tiêu thụ truyền thống, sản phẩm của anh Đệ còn được các khách hàng mua online.

Anh Đệ thông tin thêm: Ban đầu thì chỉ có bưởi non sấy. Hiện nay, mình có làm thêm trà từ trái bưởi non và trà bưởi non túi lọc. Mình được công nhận thêm 2 sản phẩm từ tháng 10, đạt OCOP 3 sao. Mình bán cho các nhà hàng, khách sạn đồ này kia vậy đó là nhiều. Chỗ Sở Công thương cũng có hỗ trợ lên Sàn giao dịch điện tử. Số lượng thì cũng có bán nhiều hơn trước đây. Hiện nay, cũng nhiều tỉnh biết đến sản phẩm của mình. Thí dụ người ta chốt giá xong, số lượng bao nhiêu rồi mình đóng thùng mình gửi chuyển phát nhanh, họ thu tiền dùm mình.

Tết là dịp để tăng doanh số, doanh thu và cũng là cơ hội để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, vì vậy, HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất từ sớm. Với diện tích khoảng 3ha nuôi cá thát lát, cùng với đó vùng nguyên liệu liên kết gồm 26 thành viên, diện tích khoảng 12ha. Ngoài việc duy trì khách hàng truyền thống thì trong năm nay HTX đã đẩy mạnh tham gia các hội chợ, kết nối với các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch để tiếp cận thị trường.

HTX Kỳ Như có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Trong đó, cá thát lát có 10 sản phẩm. Hiện HTX cung cho các cửa hàng, hệ thống các siêu thị và xuất khẩu sang thị trường Mỹ... với sản lượng trên 700 tấn sản phẩm cá thát lát/năm.

Trà bưởi non Trần Đệ (ảnh: nongsanhaugiang.com.vn)

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, huyện Phụng Hiệp cho biết:  HTX Kỳ Như đã xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, nuôi, chế biến. Tất cả được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguồn gốc, an toàn thực phẩm, cân đối nguồn cung giúp tiết giảm chi phí.

Bà Thùy chia sẻ: Chưa làm sản phẩm mới. Nhà phân phối cũ thì họ cũng đã đặt đơn hàng rồi. Một số nhà phân phối lớn thì họ nhận sớm, còn nhà phân phối nhỏ lẻ thì cũng cận cận họ mới nhận. Năm nay, chị cũng chuẩn bị hơn năm rồi chút đỉnh. Lượng hàng thì tăng lên cũng không nhiều lắm. Chuẩn bị khoảng 20 tấn từ đây đến cuối thì làm 10 mấy 20 tấn nữa hà. Giá cả đầu vào nó cao hơn, mình bán thì tăng không nhiều thành ra lợi nhuận nó không cao.

Người tiêu dùng ngày nay đang ngày càng chú trọng hơn đến các sản phẩm của hợp tác xã, cơ sở sản xuất bởi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận OCOP và nhất là ủng hộ đặc sản quê nhà. Với sự chuẩn bị và chăm chút cho từng sản phẩm, các cơ sở, HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang kỳ vọng sẽ có mùa kinh doanh thuận lợi, đem lại thu nhập cao cho người lao động, đặc biệt là góp phần giải quyết đầu ra, nâng tầm cho nông sản tỉnh nhà.