Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tin trong nước và thế giới
# Đáng chú ý, nhiều chỉ số lâu nay là động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng đều giảm như: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay xuất nhập khẩu hàng hoá, còn chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Econoca Việt Nam cho rằng, cũng cần nhận diện những điểm sáng và phân tích để cộng đồng doanh nghiệp có động lực, đóng góp tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới:
"Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như vậy chúng ta vẫn có những điểm sáng, ví dụ khu vực nông-lâm-ngư nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng; tốc độ phục hồi ngành du lịch tích cực; vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nhà nước vẫn tăng là nỗ lực lớn của Chính phủ chủ đầu tư, nhà thầu. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng là trụ cột của nền kinh tế. Trong bối cảnh ngành sản xuất, chế biến suy giảm nhưng lao động trên 15 tuổi có việc làm tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống".
Trong đó, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh…
# Cũng trong Quý I, xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ:
Cụ thể, tổng kim XNK khẩu hàng hóa ước đạt 154 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK giảm 12%; nhập khẩu giảm 15%.
Và mặc dù XK sụt giảm nhưng cán cân thương mại của chúng ta vẫn xuất siêu hơn 4 tỷ USD; đồng thời có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
# Những tháng đầu năm 2023, bức tranh doanh nghiệp đang thể hiện những điểm không mấy tích cực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn thời đỉnh dịch.
Đáng lưu ý, số lượng DN giải thể trong ngành BĐS đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó số lượng thành lập mới cũng giảm tới 63%.
# Cũng liên quan tới lĩnh vực BĐS: Kể từ ngày (1/4), quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực thi hành.
Theo đó, sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải gửi hợp đồng này cho ngân hàng thương mại để đề nghị phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.
Còn theo thống kê của Bộ TN&MT, đã có tới hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
# Với thị trường giao dịch hàng hóa, đóng cửa hôm qua ngày 29/3, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV- Index quay đầu suy yếu nhẹ 0,19% xuống 2.276 điểm, kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay trở lại thị trường, thể hiện qua mức tăng vọt hơn 30% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt gần 4.700 tỷ đồng.
Trên thị trường năng lượng, đà tăng của giá dầu chững lại dưới áp lực chốt lời sau 3 phiên tăng liên tiếp; cùng với tâm lý thận trọng trước thềm tin tức lạm phát. Chốt phiên, giá dầu thô WTI giảm 0,31% về dưới 73 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,7% về 77,59 USD/thùng.
Trong khi đó, cà phê Arabica nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh 2,33% khi thị trường tiếp tục chịu áp lực từ triển vọng nguồn cung nới tại Brazil.
# Ngân hàng thế giới (WB) vừa WB đánh giá tiềm năng tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ.
Ngoài ra, các quan chức tại WB cũng nhận định “kỷ nguyên vàng” của sự phát triển dường như sắp kết thúc.
# Nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào “thập niên mất mát” về tăng trưởng và rủi ro này có thể nghiêm trọng hơn nếu cơn bất ổn tài chính hiện nay gây ra suy thoái toàn cầu, là cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo WB, tiềm năng tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn từ nay đến 2030 có thể giảm xuống 2,2%/năm - mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Ông Axel Van Trotsenburg - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định:
"Các yếu tố bất ổn đối với kinh tế thế giới có thể liên quan đến cách các quốc gia kiềm chế lạm phát, hay gần đây là những xáo trộn trên thị trường tài chính. Điều này đang ảnh hưởng đến các quốc gia và triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung. Một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm và sẽ là thách thức lớn không chỉ trong năm nay, mà còn trong những năm tới là tác động của biến đổi khí hậu. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý khi đánh giá triển vọng kinh tế thế giới".
Theo WB, vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sẽ là động lực quan trọng giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.
Thông tin chứng khoán
# Chứng khoán Mỹ giao dịch tích cực trong ngày giữa tuần, khi chỉ số Nasdaq lên ngưỡng 11.926,24 điểm, tăng hơn 210 điểm (+1,8%). Theo sau là chỉ số S&P 500 (+1,4%) và DJIA (+1%).
# Còn ở trong nước, chỉ số đang tiệm cận MA 50 ngày và tiếp diễn xu thế đi ngang kể từ đầu năm 2023. Mặc dù tạo nến rút chân từ vùng điều chỉnh tuy nhiên khối lượng giao dịch trên HOSE thu hẹp đáng kể so với giai đoạn đầu tuần cũng như mức bình quân 20 phiên, chỉ đạt hơn 415,1 triệu đơn vị, thể hiện góc nhìn thận trọng hơn về thị trường trong ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư.
# Theo SSI Reseach, rung lắc, giằng co nhiều khả năng là trạng thái chính của thị trường trong những phiên tới, trong đó kháng cự gần trên VN Index là ngưỡng điểm 1.058 – 1.063 điểm trong khi hỗ trợ gần là khu vực 1.045 – 1.040 điểm.