Tăng cường giải pháp tiếp cận thị trường xuất khẩu khoai lang

Sau thời gian “lận đận” thì vào tháng 4 vừa qua, khoai lang Vĩnh Long đã xuất lô hàng đầu tiên theo đường chính ngạch sang Trung Quốc, đem lại hy vọng giá cả ổn định để nông dân tiếp tục gắn bó với cây khoai...

Đặt chân đến vùng chuyên canh khoai lang nức tiếng huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trong thời điểm này, không khí mùa màng trở nên “sôi động” hơn, tín hiệu cho thấy nông dân đang đón vụ khoai “ngọt” đúng nghĩa. Hiện giá khoa tím Nhật (chuyên dùng xuất khẩu) giao động ở mức 520.000 đ/tạ, khoai trắng sữa giá 470.000 đ/tạ (tăng 110.000 đ/tạ), khoai bí đường 550.000 đ/tạ (tăng 30.000 đ/tạ), khoai trắng giấy 850.000 đ/tạ (tăng 330.000 đ/tạ).

Một điều đáng ghi nhận, diện tích trồng khoai năm nay có tăng hơn năm trước do sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Chỉ tính riêng vụ Thu Đông đã xuống giống 92 hecta, tăng 75 hecta so với cùng kỳ năm trước.

Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc HTX khoai lang Thanh Ngọc, huyện Bình Tân cho biết: Giá này đã là rớt giá rồi đó chứ mấy tháng tháng trước khoai lang có giá đến 1.200.000 đồng/tạ. Hiện chỉ có Hợp tác xã với thương lái trồng nhiều còn nông dân thì trồng ít là bởi từ năm 2019 đến nay họ lỗ quá nhiều.

Hình thành thương hiệu nông sản xanh, sạch, an toàn… là định hướng “nòng cốt” để khoai lang tiếp cận thị trường xuất khẩu thời gian tới. Theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các lô khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải có Chứng thư kiểm dịch thực vật và trên Chứng thư đó bảo đảm ghi đầy đủ các thông tin đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn toàn không bị nhiễm các đối tượng dịch hại.

Diện tích trồng khoai năm nay có tăng hơn năm trước do sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Chỉ tính riêng vụ Thu Đông đã xuống giống 92 hecta, tăng 75 hecta so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, khoai lang xuất khẩu chính ngạch chỉ thu mua nguyên liệu từ những vùng đã được cấp mã số vùng trồng và phải được đóng gói từ các cơ sở được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. Để được xuất khẩu chính ngạch, nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Long đã bắt đầu xây dựng lại hệ thống đóng gói theo hướng dẫn của Ngành chuyên môn.

Ông Nguyễn Thanh Huy, Giám đốc công TNHH Một thành viên Chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam cho biết: Sắp tới chúng tôi có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu của mình, ra giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu tại Bình Tân, giải quyết nhiều thứ cho bà con và cho doanh nghiệp, để khỏi phải đi chỗ khác thu mua. Nếu mua tại địa phương thì chi phí rẻ.

Hiện đã có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch với sản lượng hàng năm từ 1,2 triệu đến 1,3 triệu tấn. Trong số 70 vùng trồng, Vĩnh Long có nhiều mã số vùng trồng nhất với 27 mã; tiếp đó là Đồng Tháp 22 mã số vùng trồng; Gia Lai có 18 mã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An mỗi tỉnh 1 mã vùng trồng. Để tiếp tục tăng mã số vùng trồng thì nhiều địa phương đã vận động nông dân tái trồng khoai và kêu gọi đầu tư cho chuỗi ngành hàng khoai.

Ông Nguyễn Văn Tập – Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục vận động bà con cố gắng giữ diện tích khoai lang. Có thể chuyển sang cây trồng khác ngắn ngày, khi giá khoai lang có giá xuất khẩu được thì tiếp tục quay trở lại. Mình cơ cấu 2 vụ khoai 1 vụ lúa, nếu không trồng lúa thì trồng khoai. Chính sách kêu gọi thì Bình Tân rất mong đón nhiều nhà đầu tư. Hiện huyện có khu công nghiệp 400 hecta ta ở Tân Quới – Thạnh Lợi.

Còn cụm công nghiệp thì còn 2 cụm công nghiệp của Tân Quới và Tân Bình mỗi cụm 40 hecta. Trên cơ sở này, các nhà đầu tư đến khảo sát muốn đầu tư thì huyện sẵn sàng tạo điều kiện về thủ tục pháp lí nhanh để hỗ trợ nhà đầu tư. 

Hiện nay, Vĩnh Long đang thí điểm mô hình trồng khoai lang hữu cơ (gọi tắt là KL). Bề mặt vỏ củ khoai KL trơn bóng, màu sắc đẹp hơn. Đáng chú ý hơn là qua phân tích củ KL bằng các biện pháp kỹ thuật, chất lượng KL khá cao, không có tồn dư lượng thuốc BVTV. Thông qua việc liên kết tiêu thụ với giá cao, sử dụng mã số vùng trồng để xuất khẩu, ước tính lợi nhuận mỗi công KL đạt khoảng 28,4 triệu đồng, cao hơn ruộng ngoài mô hình gần 9 triệu đồng/công.

Hiện nay, con đường chinh phục thị trường xuất khẩu khoai lang của Vĩnh Long nhận được nhiều sự quan tâm từ Bộ - ngành và địa phương. Hộ nông dân cũng rất nhiệt tình, tích cực tham gia mô hình, đặc biệt là tinh thần tiên phong, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất góp phần tạo nên sự thành công, hiệu quả.