Tận dụng UKVFTA để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Anh

Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định UKVFTA mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số.

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm “Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA”.

Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định UKVFTA mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số - Ảnh vneconomy

Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Irland (UKVFTA) mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt sang Vương quốc Anh trong thời gian qua là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong UKVFTA như: Dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc cũng ghi nhận mức tăng cao về kim ngạch xuất khẩu….

Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn. Khi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.

Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Do vậy, rất cần những biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh chia sẻ, mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh gần đây chỉ đạt được mức của năm 2019, là thời điểm trước dịch Covid chứ không thực sự có sự tăng trưởng nhảy vọt. Tuy nhiên trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chuỗi cung ứng đứt gãy do Covid-19 thì thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng rất đáng kể.

“Nếu không có Hiệp định UTVTA thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh trong thời gian vừa qua sẽ còn giảm sút hơn mức 2019 rất nhiều”, ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định.

Từ góc độ của Thương vụ, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng ghi dấu ấn với người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh nhằm hướng tới chiến lược phát triển dài hạn. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh luôn đồng hành với doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cũng như tư vấn cho từng doanh nghiệp cụ thể cho việc tiếp cận thị trường Anh.

Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Còn theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, doanh nghiệp cần phân biệt rõ đâu những quy định của EU và đâu là quy định riêng của Anh. Ngoài ra, Anh nỗ lực xây dựng và ban hành những quy định mới tránh chi phí thử nghiệm lại hoặc chứng nhận lại cho doanh nghiệp.

“Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Khắc phục hạn chế này, cơ quan chức năng cần có có những biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này" - bà Tôn Nữ Thục Uyên nói.

Về phía các ngành hàng, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần thông tin nhiều hơn những thay đổi của thị trường Anh và những quy định liên quan đến vấn đề phát triển bền vững ở Anh có thể sẽ cao hơn.