Tấm lòng vợ chồng già hơn 40 năm tìm thuốc nam cứu người

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng thay vì chọn an nhàn, yên vui bên con cháu thì vợ chồng ông Nguyễn Văn Đấu và bà Nguyễn Thị Chăm ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang lại dành phần lớn thời gian của mình cho công tác thiện nguyện đi tìm thuốc Nam mang tặng cho các phòng khám từ thiện.

Tìm hái thuốc, cắt nhỏ, phơi khô, cho vào bao cẩn thận rồi chở đi tặng các phòng khám từ thiện gần nhà. Đó là công việc không lương gắn bó với vợ chồng ông Nguyễn Văn Đấu và bà Nguyễn Thị Chăm hơn 40 năm qua.

Suốt quãng thời gian ấy, ông bà rong ruổi trên khắp các ngã đường quê, cần mẫn tìm cây thuốc nam chữa bệnh giúp người.

Vợ chồng ông Đấu chuẩn bị mang thuốc đến cho phòng khám từ thiện. Ảnh: Báo Lao động

Do không có chuyên môn về thuốc nên để theo được công việc thiện nguyện này suốt quãng thời gian dài như vậy, ban đầu, ông bà tìm hái những loại mà phòng khám từ thiện cần, sau đó, ghi nhớ công dụng của từng loại, cộng với việc hỏi thêm các lương y. Tích lũy dần qua thời gian, giờ đây, ông bà đã biết khá nhiều loại cây có công dụng chữa bệnh.

Không ngại khó, chẳng ngại khổ, dẫu xa hay gần, hễ nghe bà con chỉ nơi nào có cây thuốc hay là ông bà đều tìm đến tận nơi chặt lấy, mang về sơ chế. Hay phòng khám từ thiện cần vị thuốc nào là ông bà mang tới cho ngay, nếu không có sẵn thì cũng lặn lội đi kiếm cho bằng được.

Ông Nguyễn Văn Đấu kể: "Mấy chục năm nay rồi thấy cây thuốc rồi mà không đi nhổ, ngủ không được. Sáng mình bứt, cái bắt đầu mình chặt ra, lặt ra, rửa sạch rồi đem đi phơi cho nó khô."

Dù đã ở tuổi ngoài 90, nhưng ông Đấu vẫn đồng hành với chiếc xe đạp chở những bao thuốc nam – niềm vui, niềm hy vọng cho các bệnh nhân nghèo. Mỗi tháng, gia đình ông Đấu có thể cung hơn 300 kg dược liệu khô cấp cho nhiều phòng thuốc nam từ thiện ở địa phương. Nhờ đó, bà con nghèo có cơ hội được điều trị bệnh.

Để tìm thuốc nam, với người trẻ đã khó, thì với vợ chồng ông Đấu, công việc càng gian nan và nguy hiểm. Với ông Đấu, chuyện bị ong chích, rắn cắn, không còn quá xa lạ. Sánh bước cùng chồng trên mọi nẻo đường tìm thuốc đến công việc sơ chế, mang thuốc đi tặng mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Chăm, năm nay bà đã hơn 80 tuổi, chia sẻ: "Chỗ nào, chùa nào la hổng có thuốc thì đem đi, thấy người ta uống hết bệnh là vui nhất. Mần tới già thôi chứ mình không có nghĩ gì hết trơn."

Cả gia đình ông Đấu cùng chung tay sơ chế thuốc nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Không những đi tìm thuốc, vợ chồng ông Đấu còn bỏ công nhân giống, chăm bón các loại thuốc quý khắp vườn nhà và đường nông thôn. Hàng ngày, ông dành thời gian chăm sóc để chúng phát triển tốt.

Theo lời ông Đấu, nhờ công việc tìm thuốc nam cứu người mà vợ chồng ông thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều, tinh thần thoải mái. Thấy cha mẹ có lòng nên thay vì cấm cản vì muốn ông bà được nghỉ ngơi, an nhàn thì con cháu cũng xắn tay áo phụ cha mẹ tìm cây thuốc rồi sơ chế. Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Đấu khẳng định chắc nịch: "Giúp cho bà con mau hết bệnh, chừng làm làm không nổi thì thôi chứ còn nổi là cứ việc đi làm hoài."

Trên chiếc xe đạp đã cũ, mấy bao thuốc nam được ông Đấu chở đến phòng khám từ thiện không chỉ là niềm hy vọng cho bệnh nhân nghèo mà còn chứa đựng biết bao tình cảm của gia đình ông dành cho bà con. Đó còn là niềm vui có có sức lan tỏa mạnh mẽ sự tử tế, sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.