Tai nạn trẻ em đuối nước gia tăng: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Dù chưa chính thức bước vào dịp hè nhưng tai nạn đuối nước đã gia tăng nhanh chóng.

Cuối tháng 3 đến nay, Đắk Lắk xảy ra ít nhất 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Tại ĐBSCL, theo ghi nhận, An Giang năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1-2022 có 4 trường hợp trẻ đuối nước.

Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước... Dù có nhiều nỗ lực song dịp Lễ này, tai nạn thương tâm ở trẻ em vẫn được ghi nhận.

Cụ thể, tại Đồng Tháp, Bà Trương Thị Thu Thạnh - phó chủ tịch UBND xã Long Khánh A - cho biết vào chiều ngày 1/5, một bé trai đuối nước tử vong tại cồn Long Khánh khi đi chơi lễ cùng với người nhà. Nạn nhân là em nhỏ 11 tuổi, ngụ xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự đi cùng cậu, dì, không có cha mẹ theo.

Trước đó em có mặc áo phao và tắm trong phạm vi giăng phao cảnh báo của bãi tắm. Nạn nhân được tìm thấy ngoài khu vực phao cảnh báo nguy hiểm, cách bờ khoảng 30m. Mặc dù đội cứu hộ đã tích cực cấp cứu tại chỗ và được chuyển ngay lên tuyến trên, nhưng không thể qua khỏi.

Nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra đã dẫn đến nỗi lo sợ của các bậc phụ huynh. Đặc thù ở ền Tây là mạng lưới sông ngòi chằng chịt, chỉ cần bất cẩn trong giây lát, tai nạn đuối nước có thể xảy ra ngay lập tức.

Thế nhưng nhiều gia đình cho hay vẫn gặp khó khi không có đủ điều kiện để trang bị kỹ năng bơi cho các cháu. Như câu chuyện của bà Lê Thị Hà, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, vì hoàn cảnh đơn chiếc, một mình bà phải trông ba đứa cháu với độ tuổi từ 4 đến 9 tuổi nên không có thời gian dạy bơi cho các cháu.

Mặc dù biết ở quê sông nước nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh nên cũng rất lo lắng, nhất là mỗi khi mùa lũ về.