Sông Sài Gòn sẽ là thương hiệu mới của chuyển đổi xanh và kết nối vùng

Sông Sài Gòn không chỉ là hành lang chuyên chở và nối kết những giá trị cộng đồng, mà còn là niềm tự hào của người dân thành phố từ trái tim rộng mở - là biểu tượng chuyển đổi xanh bền vững của TP.HCM trong thời kỳ mới.

Dòng sông Sài Gòn uốn lượn tạo ra những vòng cung ngoạn mục, ôm trọn những bán đảo xanh trong lòng TPHCM

UBND TP.HCM đang tiến hành lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 – tầm nhìn đến năm 2060” với nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, theo Tiến sĩ KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM thì Sông Sài Gòn sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng nhằm đánh thức và phát huy tối đa tiềm năng về một dòng sông giàu tiềm năng chảy qua lòng thành phố.

Tiến sĩ KTS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng từ Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2025 – tầm nhìn 2040”, đã có nhiều hoạt động khảo sát, nghiên cứu, lên phương án, ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức những hoạt động đô thị với sông Sài Gòn là tiêu điểm.

Trong lần điều chỉnh quy hoạch chung lần này, sông Sài Gòn sẽ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng để đưa TP.HCM trở thành một trung tâm hạ tầng xanh đa chức năng, một thương hiệu mới của thành phố về chuyển đổi xanh và kết nối vùng

Thời gian tới, TP.HCM sẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hệ sinh thái kinh tế dịch vụ dọc theo hành lang sông Sài Gòn, hướng tới chiến lược phát triển kinh tế xanh lam - Kinh tế sông - biển từ nền tảng văn hoá sông nước.

Đồng thời cũng sẽ quy hoạch định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát huy những sản phẩm du lịch sông nước dọc theo hành lang kênh rạch của thành phố.  

Không gian của cầu đi bộ nối liền 2 bờ sông Sài Gòn sẽ là không gian mở cho các hoạt động cộng đồng, kết nối người dân (Ảnh: TTO)

Song song đó, thành phố cũng sẽ có chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông dọc theo hành lang sông để thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế dịch vụ, cùng hệ sinh thái đi kèm, vốn là đặc điểm và thế mạnh của TP.HCM.

Trong đó, nổi bật là logistics và hoạt động kết nối giao thông vận tải với lợi thế là đầu mối cảng biển quốc tế liên thông hệ thống sông rạch trong vùng. Quá trình này cũng sẽ giúp chuyển đổi và tái thiết đô thị, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản Văn hoá lịch sử của những dải đất ven sông, cấy ghép những công trình văn hóa công cộng và dịch vụ đô thị, làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế sông nước, đa dạng hoá sản phẩm du lịch đường sông, tạo khả năng quảng bá hình ảnh thương hiệu và sức hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ vậy, trong quy hoạch mới Sông Sài Gòn còn đóng vai trò quan trọng như là một hạ tầng nước, đảm bảo cấu trúc cấp nước, lọc nước và chứa nước lũ trong trường hợp xảy ra tình huống thiên tai, lũ lụt, duy trì an ninh nguồn nước và góp phần thích nghi ứng phó biến đổi khí hậu, gia tăng khả năng chống chịu với thiên tai hoặc những biến đổi môi trường.

TS KTS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực tế hiện nay còn một số khu vực, do lịch sử phát triển để lại, vẫn còn thực trạng lấn chiếm sông của nhiều dự án, biệt thự đã khiến diện mạo bờ sông trở nên chắp vá.

Do vậy, cần có tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, trong đó phát triển hành lang sông Sài Gòn được ví như chương trình “Đánh thức rồng xanh” nhằm tăng cường số lượng đáng kể diện tích mảng xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo không gian cho đa dạng các hoạt động văn hóa sông nước.

Phối cảnh dự kiến của 1 khu cảng ven sông Sài Gòn trong tương lai với nhiều mảng xanh hơn (Ảnh: Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM)

Với tiền đề là Nghị quyết 98 của Quốc hội, TP.HCM cũng sẽ vận dụng cơ chế mới để tiến hành thí điểm mô hình TOD cho các khu chức năng ven sông, đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng bến bãi gắn kết với các công viên và hệ thống giao thông đường bộ, metro; phát triển những hệ sinh thái dịch vụ đô thị sông nước, làm cơ sở phát huy những giá trị văn hoá làng nghề và phát triển vùng Nông nghiệp đa giá trị, gắn với các khu chức năng như du lịch, nghiên cứu đào tạo, công nghệ cao…