Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang TQ, kỳ vọng mới cho nhà vườn miền Tây

Những ngày qua, thông tin trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân Trung Quốc, khiến cho nhiều địa phương chuyên canh sầu riêng, nhất là nhà vườn vô cùng phấn khởi.

 

Từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng tại một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ… đều ở mức cao, người trồng sầu riêng cũng bớt “sầu” so với nhiều vụ trước.

Ông Nguyễn Văn Câu, nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian trước, nhà ông chuyên trồng cam sành, nhưng hiệu quả thấp, sâu bệnh hại nhiều, gia đình liên tục thua lỗ. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cụ thể là sầu riêng, năm 2022 này là năm thứ 4 gia đình ông thu lãi lớn.

'Thu nhập từ sầu riêng thì cao, nếu như mình bán được 01 tỷ, thì lãi khoảng 700 triệu. Người ta đến mua cân ký khoảng 42 ngàn, mình trừ chi phí thuê nhân công cắt đồ cũng coi như 35 ngàn một ký', ông Câu nói.

Trong khi đó, trái sầu riêng ở Tiền Giang còn ghi nhận mức cao hơn, với khoảng từ 70 – 80 ngàn đồng/kg tùy loại, tăng hơn 20 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Giá sầu riêng tăng do vào cuối vụ, diện tích vườn sầu riêng cho thu hoạch giảm dẫn đến “cầu vượt cung”.

Đây là mức giá cao nhất trong năm qua, nhà vườn có nguồn thu nhập khá. Khi có thông tin Trung Quốc chấp nhận cho trái sầu riêng Việt Nam xuất chính ngạch sang thị trường này, nhà vườn càng tích cực chăm sóc vườn cây, sẵn sàng cho mùa vụ mới đạt năng suất, chất lượng cao.

Ông Dương Văn Đây, chủ 02 ha vườn cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: 'Sầu riêng bây giờ cây tốt lắm, một số vườn thì đậy gốc, một số đang chăm sóc ít ngày nữa đậy gốc hết. Nếu đậy gốc sau 5 tháng cho thu hoạch. Mấy tháng nay xuất khẩu không được, nay nghe tin xuất sang Trung Quốc chính ngạch dân phấn khởi lắm, trái sầu riêng có triển vọng'.

Trái sâu riêng đã xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch (ảnh:thuongtruong.vn)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hai năm qua thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, từ năm 2021, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu sẽ tiếp tục đàm phán, trao đổi với Trung Quốc để được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng và nhiều loại nông sản khác như khoai lang, tổ yến, bưởi, chanh leo… sang thị trường này. Và sau 4 năm đàm phán, ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc khi đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu. Nghị định thư có hiệu lực trong 3 năm.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đây là điều kiện quan trọng để sầu riêng của nước ta có đầu ra tiêu thụ bền vững tại thị trường Trung Quốc: 'Hai bên đã thống nhất ký Nghị định thư và Cục đã ký Công hàm gửi toàn bộ danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để chuyển cho phía Trung Quốc.

Trong tuần này, Cục sẽ tập huấn cho các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ sở đóng gói để nắm rõ các quy định, yêu cầu về xuất khẩu. Sầu riêng sẽ xuất khẩu chính ngạch khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị định thư'.

Người nông dân phấn khởi vì trái sầu riêng đã được tiêu thụ (ảnh: nongnghiep.vn)

Theo Nghị định thư đã ký kết, trái sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các Luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục trái và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Đón đầu làn sóng xuất khẩu chính thức vào nước bạn, bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: 'Tôi đã từng sang Thái Lan để học hỏi xem người ta xuất khẩu sang TQ như thế nào, khi về là chúng tôi thay đổi ngay tư duy sản xuất. Mình cần phải hình thành vùng nguyên liệu, đóng gói sao đạt tiêu chuẩn.

Đơn vị chúng tôi cũng đã xuất khẩu sầu riêng đi Châu Âu, Châu Mỹ, họ rất khó, nhưng Trung Quốc còn khó hơn, chứ không hề dễ. Nên là chúng tôi muốn tiên phong để thực hiện các thủ tục có thể đáp ứng tốt nhất xuất khẩu chính ngạch sắp tới. Cái dễ là mình có được tấm vé thông hành, mang thương hiệu VN, đưa những sản phẩm này lên kệ, cửa hàng siêu thị tại nước bạn'.

Vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp quan tâm là hình thành các vùng nguyên liệu, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tối đa yêu cầu của đối tác khi xuất khẩu chính ngạch, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT chia sẻ thêm: 'Các doanh nghiệp có thể yên tâm, nước ta có một vùng nguyên liệu rộng lớn, đủ điều kiện để đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.

Mối liên kết này sẽ đảm bảo lợi ích cho cả hai bên và ổn định cho sản xuất và cho xuất khẩu'.

Ở ĐBSCL mỗi ha chuyên canh sầu riêng mang về lợi nhuận cho nhà vườn từ 700 – 800 triệu đồng/năm. Đây là động lực để bà con tập trung sản xuất và phát triển diện tích, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc. Cùng với đó là khai thác thế mạnh từ việc rải vụ, đảm bảo nguồn hàng có thể cung ứng quanh năm.

Đây là những giải pháp tổng hợp để hoàn thiện chuỗi giá trị mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế, mở ra kỳ vọng mới cho các nhà vườn trồng sầu riêng không chỉ tại ĐBSCL mà nhiều vùng chuyên canh trên cả nước.