Sau hành trình chuyển giới (Kỳ 2): Khát vọng tìm lại chính mình

Tất cả các trường hợp phẫu thuật chuyển đổi giới tính lâu nay đều phải thực hiện ở nước ngoài, vì chưa có dịch vụ trong nước. Tốn kém, đau đớn và đầy rủi ro, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng “chết trên bàn mổ” để đổi lấy ước mơ được là chính mình, dù chỉ tr

'Đi vào bệnh viện giấy tờ là con trai, bề ngoài là con gái họ xếp bọn em vào đâu, chắc chắn là vào khoa nam rồi. Em sợ hết hồn tới tận giờ. Đợt đấy em bị ốm họ bắt em cởi áo chụp X-quang ấy. Bảo là không sao mà ai cũng thế mà một ô cửa sổ bao người nhìn vào. Em bảo thôi em không bao giờ làm nữa, em đi về", Ngọc Thúy và cộng đồng người chuyển giới đang gặp vô vàn cản trở trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Nhiều người thậm chí bị bác sĩ cho là mắc bệnh tâm thần.

Theo một nghiên cứu năm 2015, chỉ khoảng 58% số người chuyển giới tiếp cận được dịch vụ y tế. Tỉ lệ phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới ở các không gian công cộng như phòng vệ sinh, phòng thay đồ, phòng tắm, điểm giải trí, quán café, nơi mua sắm vào khoảng 22 đến 29%. Có tới 59% người chuyển giới bị từ chối việc làm.

 Cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp vô vàn cản trở trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu

Bức bối giới bên trong và chông gai bên ngoài khiến họ càng quyết tâm chuyển đổi giới tính.

Năm 14-15 tuổi, Bách, một người chuyển giới nam ở Hà Nội bắt đầu nhận ra sự khác biệt so với bạn bè. Ao ước được sống như người đàn ông bình thường; nhưng quá khó. Bách trầm cảm, nhiều lần muốn quyên sinh.

Một nghiên cứu năm 2019 trên 250 người chuyển giới nam và nữ cho thấy: hơn 39% đã từng nghĩ tới tự tử; hơn 40% số này từng cố gắng tự tử và ý định tự tử bắt đầu thường có ở năm 15 tuổi.

Cuối cùng, bất chấp nguy hiểm, Bách tự lên mạng tìm nguồn thuốc, rồi nhờ người trong cộng đồng trợ giúp tiêm hoóc-môn

"Đến tận giờ em vẫn tự tiêm. Em khá liều vì tiêm thế có thể bị áp xe hoặc nặng hơn đâm vào mạch máu, mất máu hoặc liệt, có thể tử vong. Từ đó tới giờ em cũng chưa đi khám vì cũng không có tiền. Bên chân trái của em tiêm hơi lệch, bây giờ có sẹo", Bách cho biết.

Theo Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE), gần 60% số người đang dùng hoóc-môn chưa từng được khám và tư vấn; chỉ 37% tìm kiếm thông tin y tế trước khi bắt đầu sử dụng; gần 73% mua hooc-môn từ bạn bè hoặc các nguồn phi chính thức.

Việc tự ý dùng hooc-môn khiến người chuyển giới đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe, song vẫn chưa thể đem lại sự tự tin hoàn toàn, nếu không qua phẫu thuật chuyển giới. Và họ sẵn sàng đổi sinh mạng lấy ước mơ, nếu đó là con đường duy nhất: Nếu được ao ước, khát khao được đi chuyển giới chết trên bàn mổ cũng được, mãn nguyện, hãnh diện luôn. Bởi vì mình được chết trên cơ thể mình muốn. Bọn em mà mất không biết gọi là ông mánh hay bà cô, nửa này nửa kia gọi gì?

Nhiều người trong cộng đồng chuyển giới vẫn tự mình tiêm hoóc-môn từ các nguồn phi chính thức

Nhưng phẫu thuật xong mới chỉ là bước đầu của cả một hành trình dài. Bác sĩ Trần Bích Châu, Bệnh viện đa khoa Hồng Hà cho biết, chăm sóc hậu phẫu mới là thách thức: "Ở VN chưa có quy định chính thức thực hiện can thiệp y tế. Đó là rào cản nên cộng đồng chuyển giới phải sang nước ngoài rất nhiều. Bên đó phải trả chi phí phẫu thuật, rồi ăn ở. Quá trình hậu phẫu khó khăn vì dịch vụ phẫu thuật vùng dưới đòi hỏi hậu phẫu thời gian dài, dẫn tới nhiều biến chứng, nhiễm khuẩn".

Nếu không có điều kiện ở lại nước ngoài chăm sóc hậu phẫu, họ chỉ có thể sử dụng dịch vụ “chui” trong nước. Ngọc Hân, người chuyển giới nữ ở Hải Phòng chia sẻ: Em phẫu thuật ở Thái Lan, chẳng may vết thương làm sao ít nhất có y tá, bệnh viện chữa trị cho chứ nếu không là hỏng. Chăm sóc hậu phẫu cho người chuyển giới không chỉ em mà người chuyển giới khác đều mong muốn".

Mong muốn của Hân cũng là nỗi khắc khoải của rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam. Chi phí là một chuyện, nhưng không ai muốn đơn độc vượt qua hành trình sinh tử ấy, nơi đất khách quê người.

---

Tự tiêm hooc-môn, tự ra nước ngoài phẫu thuật, hay tự tìm đến dịch vụ “chui” đều là các lựa chọn đầy rủi ro. Nhưng hành trình tìm lại chính mình của người chuyển giới vẫn chưa thể tới đích, nếu các khoảng trống pháp luật không nhanh chóng được lấp đầy.

Kỳ 3 về người chuyển giới Việt Nam với nhan đề: “Hành trình bao giờ tới đích?” sẽ đề cập nội dung này.