“Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Bước đệm “xanh” cho nền kinh tế”

Mới đây, Trung tâm dịch vụ giao dịch và phân phối tín chỉ carbon Soiva Hàn Quốc – Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, không chỉ mở ra không gian giao dịch tín chỉ carbon giữa hai quốc gia mà còn thể hiện một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thiết lập các sàn giao dịch là sự khởi đầu. Để nền kinh tế Việt Nam thực sự "xanh," các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cả cơ hội lẫn thách thức đáng kể trong quá trình tham gia thị trường tín chỉ carbon này.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở sản xuất lớn trong việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon. Chính phủ cũng đã triển khai Chương trình quốc gia về quản lý phát thải khí nhà kính và Ozone, yêu cầu các ngành kinh tế trọng điểm như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông phải kiểm kê phát thải, báo cáo định kỳ và tham gia thị trường tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt mức.

Đánh giá tín chỉ carbon chính là điều kiện tạo tiền đề cho phát triển bền vững, đảm bảo yếu tố môi trường sinh thái, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính nêu quan điểm: "Tín chỉ carbon là đơn vị dùng để đo lường lượng khí phát thải nhà kính, và thông thường, 1 tín chỉ carbon bằng 1 tấn CO2. Nếu nói đến tín chỉ carbon thì đầu tiên nó tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển và tăng trưởng bền vững.

Vì rõ ràng là nó quy định mức phát thải cho từng doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, ngành nghề theo định mức quy định. Và như vậy là việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên nó được đảm bảo sử dụng tiết kiệm nhất để tạo ra các sản phẩm khác nhau. Từ đó, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không ảnh hưởng đến môi trường nhiều và đảm bảo yêu cầu xã hội đặt ra"

Ảnh nh họa Dangcongsan.vn

Thực tế, các quốc gia và doanh nghiệp đang ngày càng tập trung vào phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Tín chỉ carbon là công cụ thương mại cho phép doanh nghiệp giao dịch lượng khí thải được cắt giảm hoặc bù đắp, đang trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thị trường tín chỉ carbon tạo tiền đề và chỗ dựa đáng tin cậy để các doanh nghiệp có nguồn đầu tư lâu dài, tuân thủ những nguyên tắc của thị trường: "Yêu cầu cơ chế điều chỉnh biên giới các- bon, yêu cầu phát thải thấp để tiến đến bằng 0 đòi hỏi các quốc gia và doanh nghiệp phải đầu tư ổn định, lâu dài để cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu xanh hoá chủ động, tích cực trở thành công cụ cạnh tranh hữu hiệu cần được phát huy và thị trường tín chỉ carbon là điều kiện sống còn của việc duy trì và cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế”

Một số ngành như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ hay công nghệ sạch có tiềm năng đặc biệt trong việc tận dụng tín chỉ carbon để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng tín chỉ carbon có thể giúp doanh nghiệp đạt được uy tín trong mắt người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Không chỉ liên quan đến chi phí tài chính, việc đo lường chính xác lượng phát thải và xác nhận tín chỉ carbon đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ và quản lý chặt chẽ.

Từ góc độ doanh nghiệp, anh Nguyễn Vũ Anh Minh, Phụ trách Môi trường và Trách nhiệm Xã hội, Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco đánh giá, các yếu tố về chi phí, kỹ năng và xác định nguồn phát thải là những thách thức chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong việc đo lường và quản lý lượng phát thải carbon:

"Việc nghiên cứu và phân tích thị trường thì Bitexco Power luôn giám sát thường xuyên cập nhật các cái quy định chính sách liên quan đến tín chỉ các bon bao gồm cả các cam kết quốc tế và quy định trong ng nước phân tích rủi ro và cơ hội từ việc tham gia thị trường. Đầu tiên là về chi phí, việc đầu tư vào công nghệ và hệ thống để đo lường là phát thải carbon có thể tốn kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai là thiếu kiến thức và kỹ năng thì nhiều doanh nghiệp không có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết hoặc là có cán bộ đủ chuyên môn để quản lý lượng phát thải carbon hiệu quả dẫn đến việc là không thể thực hiện các cái biện pháp giảm thiểu tối ưu. Thứ ba là khó khăn trong việc xác định nguồn phát thải các nguồn phát thải carbon có thể rất là đa dạng và phức tạp từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ"

Rừng Việt Nam có tiềm năng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon - Ảnh Dangcongsan.vn

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách khuyến khích như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho công nghệ sạch, và chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý phát thải. Những biện pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường một cách hiệu quả và bền vững.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, nhấn mạnh, những chính sách này có thể tạo ra được kết quả quan trọng về thể chế thị trường trong tương lai gần: "Chính phủ có nhiều nỗ lực mang tính nền tảng như quyết tâm cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, tạo khuôn khổ nhận thức như ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thải ròng, ban hành danh mục phân loại xanh, trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải ròng thấp, phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tiếp nhận khoản tiền hỗ trợ 55 triệu đô la mỹ từ WB để kích hoạt thị trường tín chỉ carbon, chỉ đạo phối hợp Bộ Tài nguyên - Môi trường với Bộ Tài chính để xây dựng Sàn giao dịch tín chỉ các- bon"

Thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đang định hướng phát triển kinh tế xanh và cam kết net-zero vào năm 2050. Sự thành công của thị trường này phụ thuộc vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản lý phát thải, đồng thời cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ qua các chính sách khuyến khích và cơ chế pháp lý rõ ràng.

Tham gia thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững cho Việt Nam trong tương lai.