Sài Gòn sống và yêu: Phố Lương Hữu Khánh, nơi lưu giữ nghề làm biển hiệu

Đường Lương Hữu Khánh (quận 1, TP.HCM) được mệnh danh là “cái nôi” biển hiệu ở Sài Gòn - TP.HCM. Trải qua hơn 3 thập kỷ, những người thợ đã “chế tác” hàng nghìn biển hiệu, lưu giữ lại 1 phần ký‎ ức của Sài Gòn xưa và giữ gìn cái nghề một thời, từng được xem là biểu tượng của đất Sài thành.

Đường Lương Hữu Khánh (quận 1, TPHCM) được mệnh danh là “cái nôi” biển hiệu ở Sài Gòn–TPHCM.

Con đường nhỏ Lương Hữu Khánh đoạn từ giao lộ Nguyễn Trãi đến giao lộ Bùi Thị Xuân (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) dài vỏn vẹn chưa đầy 200m nhưng tập trung hàng chục cửa hàng chuyên về dịch vụ làm biển hiệu quảng cáo, bảng số nhà, khắc chữ… Hầu hết các “cửa hàng” trên phố là các ki-ốt có diện tích khá khiêm tốn, khoảng chừng 15m2, đây vừa là nơi sản xuất vừa là nơi trưng bày các biển hiệu.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề và hình thành “Phố biển hiệu” Lương Hữu Khánh, chị Loan – chủ Hiệu khắc Hưng Thịnh - một người chế tác trong gia đình có 2 thế hệ nối tiếp nhau giữ lửa nghề làm biển hiệu, chia sẻ:  Nghề làm biển hiệu là nghề gia đình, nghề “cha truyền con nối”. Từ nhỏ chị học nghề từ cha và làm đến ngày nay. 

“Hồi đó, mọi người mở ra làm đầu tiên là ở đường Phạm Hồng Thái, sau Phạm Hồng Thái giải tỏa. Xong rồi, nhà nước bắt đầu đền bù cho mọi người qua Lương Hữu Khánh. Ai mà đồng ý đền bù thì qua đây sẽ được cấp ki – ốt. Rồi trên Uỷ ban bốc thăm rồi theo số thứ tự rồi sẽ sở hữu ki - ốt. Có những người người ta được đền bù sở hữu ki - ốt rồi mà người ta không kinh doanh, người ta đi chỗ khác thì họ bán lại hoặc là cho thuê. Có những người người ta sử dụng luôn, người ta làm mấy chục năm. Nhưng cũng có nhiều người mới từ chỗ khác tới người ta mua lại ki ốt rồi người ta làm nghề. Dần dần nó đông đông thành nguyên khu", chị Loan cho biết.


Trước năm 1989, “Phố biển hiệu” ở Sài Gòn nằm trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1) - con phố buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng và ki-ốt chuyên làm biển hiệu. Thời điểm đó, đường Lương Hữu Khánh là một phần đường sắt bị bỏ hoang. Trong khoảng thời gian nay, thành phố có kế hoạch xây dựng khách sạn New World trên đường Phạm Hồng Thái nên đã huy động người dân tạm thời di dời ki-ốt về đường Lương Hữu Khánh  để tiếp tục buôn bán trong thời gian 3 năm.

Nhưng rồi hơn 3 thập kỷ trôi qua, những người dân nơi đây vẫn chưa nhận được “thông báo mới” về việc di dời nên họ cứ thế tiếp tục duy trì và phát triển công việc kinh doanh buôn bán biển hiệu của mình.

Dần dà, theo dòng thời gian những cửa tiệm tương tự cũng mọc lên ngày càng nhiều từ khoảng 70 hộ lên đến trăm hộ, tạo thành một khu phố chuyên làm bảng hiệu quảng cáo, bảng số nhà, khắc chữ…. Và đường Lương Hữu Khánh trở thành điểm đến quen thuộc của người dân, các cửa hàng, công ty, doanh nghiệp...

Cái tên “Phố biển hiệu Lương Hữu Khánh” có lẽ cũng được hình thành từ những năm tháng đó.  Hơn 2 thập kỷ “sống” với nghề làm biển hiệu, gắn bó với góc phố Lương Hữu Khánh, Cô Sương – chủ  cửa hàng biển hiệu Đại Vạn Phúc - một trong những tiểu thương đầu tiên di dời từ đường Phạm Hồng Thái về đường Lương Hữu Khánh, trầm tư kể về những năm tháng thăng - trầm của nghề làm biển hiệu, những câu chuyện kinh doanh của phố.

“Thời hoàng kim nhất là năm 1995-1996  làm hàng được nhiều, công ty mở ra nhiều, ai cũng mở ra ai cũng làm bảng hiệu. Còn bây giờ không ai làm hết. Mấy công ty mấy cửa hàng không làm ăn được người ta dẹp hết rồi thành ra mình không có làm ăn được. Tình hình từ Covid tới giờ từ năm 2021 tới giờ là làm toàn lỗ vốn không”, cô Sương chia sẻ.

Nghề làm biển hiệu thoạt nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, có óc thẩm mỹ, có kiến thức về mỹ thuật và cơ khí... Bởi để tạo nên một biển hiệu phải trải qua rất nhiều công đoạn như chọn vật liệu, thiết kế biển hiệu (chọn màu sắc biển, sắp xếp nội dung, phông chữ, bố trí logo…), in ấn, cắt dán, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho biển quảng cáo…  

Trước đây, khi chưa có sự giúp sức của công nghệ tất cả các công đoạn đều được làm thủ công nhưng ngày nay đã có máy móc hỗ trợ nên công việc thủ công chỉ còn lại khoảng 50%. Theo những người thợ làm biển hiệu trên phố Lương Hữu Khánh, hơn 30 năm qua, nhu cầu làm biển hiệu của người Sài Gòn không có nhiều thay đổi.

Hầu hết, các biển hiệu được làm theo yêu cầu của khách hàng và có điểm chung quen thuộc như số nhà, tên công ty, thẻ nhân viên, các biển báo “không hút thuốc”, “bàn đặt trước”, “không phận sự ễn vào”…

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng trên phố Lương Hữu Khánh đều trang bị đầy đủ các loại chất liệu từ  inox, alu, ca… và giá của các biển hiệu cũng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng… để phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.

Ngày nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh của các cửa hàng online… cùng cảnh ngộ với các chợ truyền thống, các cửa hàng ở “phố biển hiệu” không còn khung cảnh mua bán tấp nập mà rơi vào tình cảnh ế ẩm, đìu hiu kéo dài từ kiot này đến kiot khác.

Song, những tiểu thương nơi đây vẫn đang cố gắng từng ngày để bám trụ với nghề, để “giữ hồn” cho phố. Trong hoàn cảnh kế hoạch di dời ki-ốt bị bỏ ngõ suốt nhiều năm, các chủ tiệm vẫn chưa biết mình sẽ dời về đâu nhưng hiện tại họ vẫn cố gắng sgiữ nghề không chỉ về đam mê, muốn lưu giữ lại nghề truyền thống của ông cha để lại mà hơn hết họ biết ơn cái nghề đã cưu mang mình nơi chốn phồn hoa.

"Nó hơi vắng hơn hồi xưa tại vì bây giờ người ta bán trên mạng nhiều quá. Chị cũng muốn mình cố gắng làm sao để mình học hỏi những cái kịp theo thị trường online mình mới cạnh tranh lại chứ nếu không theo kịp mình sẽ bị thiệt thòi".

"Mấy năm nay khó khăn lắm, nói chung từ mùa dịch tới bây giờ, làm không có bằng hồi xưa. Càng ngày kinh tế càng đi xuống cái này ảnh hưởng chung các mặt hàng hết chứ ko phải riêng của mình không. Nhưng mà làm mấy chục năm nay rồi không lẽ mình bỏ cái nghề của mình sao thì bây giờ duy trì được lúc nào hay lúc nấy, mình cố gắng hết khả năng của mình".

"Cái nghề này là nghề của ba để lại, nghề cha truyền con nối không có bỏ được ráng cố gắng. Tại vì mình cũng nhờ nó nhiều lắm rồi tới ngày giờ thì bán mấy chục năm chú gầy dựng được căn nhà, nuôi cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn cũng mừng cũng vui".

SỐNG Ở SÀI GÒN: Nôn nao chờ ngày đi metro

Gần 20 năm chật vật để hoàn thiện dự án đô thị đường sắt đầu tiên của thành phố là khoảng thời gian khá dài. Sau nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, dự kiến tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ chính thức vận hành vào quý 4/2024. Người dân kỳ vọng rất nhiều về công trình giao thông công cộng mang tính lịch sử này.


Công trình đường sắt đô thị (metro) được xem lại đại dự án mang tính lịch sử thế kỷ của TP.HCM. Cách đây hơn 10 năm, khi khu vực chợ Bến Thành và đường Lê Lợi ngổn ngang rào chắn công trường dự án metro, nhiều người dân đã không khỏi thương tiếc những hàng cây bị đốn hạ. Thế rồi theo thời gian, họ vẫn xuôi theo và chấp nhận đánh đổi để giấc mơ metro số 1 được bay cao.

Đó là vì người dân mong ước một ngày được lên tuyến tàu điện để đi làm, đi học, vui chơi… mà không phải chen lấn khói bụi trên những ngã đường chật chội. Đó là giải pháp phương tiện công cộng tiện lợi, an toàn, vận chuyển được nhiều người, lưu thông xuyên suốt cho khu vực nội đô có mật độ dân cư cao.

Đó là chờ đợi một ngày thành phố của ta cũng có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, văn nh như nước bạn…  Những kỳ vọng về tương lai tốt đẹp ấy đã làm người dân Sài Gòn phóng khoáng, kiên nhẫn và cảm thông hơn trong suốt quá trình metro thành hình.

Đến nay đã gần 20 năm, giấc mơ ấy vẫn chưa thành hiện thực sau nhiều lần lỗi hẹn về ngày vận hành toàn tuyến metro số 1. Sự chờ đợi mòn mỏi của người dân lớn dần khi cuộc sống liên tiếp thay đổi nhưng metro thì “bất động” trong suốt thời gian dài.

Có người từ lúc độc thân nay đã có gia đình và con lớn, có người trước đây còn khỏe mạnh, dẻo dai nay đã già cỗi, đau yếu... Đôi lần họ thở dài hỏi nhau ‘đến bao giờ mình mới được trải nghiệm metro hay chết già trước khi metro hoàn thành’?

Thậm chí xuất hiện cả những hụt hẫng, thất vọng và suy nghĩ tiêu cực khi dư luận tiếp nhận thông tin thay đổi ngày vận hành liên tục trên báo chí truyền thông và mạng xã hội.


Giấc mơ về mạng lưới metro chạy khắp TP.HCM được bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ 21. Lúc đó phải mất đến bảy năm (năm 2001 đến 2007) từ những cuộc họp, thảo luận, hướng tuyến metro số 1 mới được hình thành.

Đến tháng 2-2008, lãnh đạo TP.HCM và Bộ GTVT chính thức nhấn nút khởi động xây dựng tuyến metro số 1. Và trong hơn một thập kỷ, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố đã nhiều lần “trắc trở” khi gặp hết khó khăn này đến trúc trắc khác như đội vốn, nợ nhà thầu, nhân sự liên tục nghỉ việc…

Với những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rào chắn thi công dự án đôi lúc cũng lâm vào tình cảnh chán nản, khó khăn do cuộc sống đảo lộn và ảnh hưởng kinh tế. Trong tình trạng ấy, tuyến metro số 1 liên tục lùi đích, từ hoàn thành năm 2018, xin lùi tới năm 2020 rồi năm 2021 và gia hạn đến cuối năm 2023, sau đó là chạy thử từ tháng 7/2024 và hẹn chính thức vận hành vào tháng 10/2024.

Tại thời điểm này, chỉ còn 2 tháng nữa metro sẽ chạy thử toàn tuyến để tháng 10 chính thức đi vào hoạt động. Mong rằng không còn lần hẹn lùi nào nữa để người dân có thể thăng hoa cảm xúc về giây phút công trình lịch sử được khởi động, vận hành. Bên cạnh đó, việc metro số 1 đi vào hoạt động mới chứng nh “mắt thấy tai nghe” hiệu quả của công trình giao thông cộng cộng này, xứng đáng với những đánh đổi để làm “đường bay” cho sự phát triển.  

Bởi với dự án metro số 2, thông tin thành phố sẽ đốn hạ thêm gần 500 cây xanh để làm mặt bằng thi công dự án trong thời gian tới đã khiến không ít người Sài Gòn bàng hoàng, thảng thốt. Trong suốt mùa nắng hạn này, ai cũng dễ dàng nhận ra rằng nơi nào có hàng cây tỏa bóng mát, người dân đều được chở che đi qua những con nắng rát mặt bỏng da…


Ta tự hỏi cái giá của sự phát triển luôn là những mất mát như thế mà không còn cách nào khác?  Và phải chờ đợi bao năm nữa để có thể nhìn thấy lại 500 cây xanh cao lớn tỏa bóng mát cho thành phố sau khi công trình metro được hoàn thành? 

Bởi lẽ một đô thị khổng lồ thì càng cần phải có nhiều cây xanh để điều hòa không gian bị bê tông hóa, tỏa bóng râm giảm nóng, làm lá phổi xanh cho thành phố… trước sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Giấc mơ metro thật đẹp là không thể phủ nhận. Nhưng nó hiện được đánh đổi bằng một hiện thực đau lòng khác như việc hàng trăm cây xanh sẽ bị bức tử, hy sinh. Chỉ mong mai đây, khi những tuyến metro ngược xuôi mang theo nhiều kỳ vọng mới cho thành phố; các khu trung tâm thương mại, những điểm dừng chân thú vị, thói quen mới dần hình thành trên nền tảng đô thị hiện đại; không khiến chúng ta quên đi việc phải vun trồng trở lại những giấc mơ thiên nhiên đẹp đẽ, để xứng đáng với thành phố được gọi là “sạch xanh, văn nh, hiện đại và nghĩa tình”…  

TIN YÊU

# Mới đây, Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp (KCX- CN) TP.HCM đã khai mạc Tháng Công nhân lần thứ 16 với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” và phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2024.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phùng Thái Quang trao quà đến công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: SGGP

Tại chương trình, Công đoàn các KCX- CN thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: chăm lo cho 697 đoàn viên, công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo; tri ân 1.787 đoàn viên, người lao động có nhiều sáng kiến, thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổng kinh phí chăm lo hơn 2 tỷ đồng…

Dịp này, Công đoàn các KCX-CN thành phố cũng ký kết mới với 6 đơn vị để thực hiện chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” chăm lo công nhân lao động.

# Vừa qua, Hội đồng Đội TP.HCM đã tổ chức Hành trình “Em yêu Thành phố của em” đợt 1 năm 2024. Đây là hoạt động dành cho đối tượng thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP được tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giới thiệu các di tích lịch sử, bảo tàng, các công trình trọng điểm trên địa bàn TP.

Tại hành trình, hơn 100 đội viên, thiếu nhi đã được trải nghiệm tham quan TP bằng xe buýt 2 tầng và được học tập, trải nghiệm các di tích lịch sử, các công trình trọng điểm như: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, thưởng thức màn biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát múa rối nước Phương Nam, tham quan tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Dự kiến, Hành trình “Em yêu Thành phố của em” đợt 2 năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 7/7, chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 - 2/7/2024

# Theo Sở Công thương TPHCM: Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 sẽ diễn ra từ ngày 8 – 11/5/2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn. Hội chợ 2024 được mở rộng gấp đôi về quy mô so với năm ngoái, lên 450 gian hàng, tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: Thực phẩm, đồ uống; Nông – thủy sản; Đồ gỗ - Mỹ nghệ; Dệt may; Cao su - nhựa...  

Tham gia Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung còn có thể tranh thủ khả năng tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu, xu hướng thị trường thế giới; từ đó chọn lọc và xây dựng chính sách phát triển phù hợp. Sự kiện này hứa hẹn sẽ là cầu nối và động lực thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ - Tây Nam bộ.